Chính phủ Nhật đang cân nhắc khả năng tiến hành tuần tra trên không và trên biển ở Biển Đông - một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa nước này với TQ khi người láng giềng tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

{keywords}
Nhật đang cân nhắc khả năng mở rộng tuần tra ra Biển Đông. Ảnh: Businessinsider

“Sự tương tác giữa các quốc gia ngày càng gia tăng và sâu sắc, và tình hình ở Biển Đông ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani nói với báo giới tại Tokyo hôm qua. “Cách thức chúng tôi xử lý vấn đề này sẽ tùy theo diễn biến tình hình", ông nói. Theo ông, Nhật chưa có kế hoạch cụ thể về lúc bắt đầu tuần tra.

Ông Nakatani đã trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận mà chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ Robert Thomas đưa ra tuần trước. Ông Thomas nói rằng, Mỹ hoan nghênh việc Nhật mở rộng tuần tra ở Biển Đông, coi đó là cách đối trọng với sự gia tăng ngày càng lớn các tàu của TQ nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền trong vùng biển.

Hiện tại, Nhật thường xuyên tuần tra ở Hoa Đông, nơi họ có tranh chấp hàng hải với TQ. Khả năng mở rộng tuần tra giám sát sẽ là một phần trong các cuộc thảo luận giữa Nhật Bản với Mỹ để tiến tới hoàn tất bản chỉ dẫn các nguyên tắc hợp tác quốc phòng mới trong nửa đầu năm nay.

Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh đã phản đối sự can thiệp của bên ngoài ở Biển Đông mà không trực tiếp đề cập tới Nhật Bản. Mới đây, Philippines đã đệ đơn kiện Bắc Kinh vì yêu sách chủ quyền thái quá ra tòa án quốc tế. Trong khi đó, bất chấp sự phản đối của nhiều nước, TQ đã tiến hành tuần tra hải quân ở phần lớn Biển Đông.

TQ có tranh chấp với Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Nhật đã quốc hữu hóa một số hòn đảo ở đây. Những vụ chạm trán thường xuyên giữa các tàu, máy bay của hai nước trong khu vực đặt ra quan ngại về khả năng xung đột quân sự.

Trả lời phỏng vấn của báo Đức Süddeutsche Zeitung, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nêu quan điểm về sự hòa hợp trong khu vực cũng như việc thiết lập bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông: “Chúng ta đang cố gắng làm việc để hướng tới một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc. Chúng ta đang trong quá trình đàm phán về vấn đề này với phía TQ nhưng tôi nghĩ cần có thời gian. Tôi không cho rằng bất kỳ nước nào sẽ nhất trí ràng buộc bản thân. Nhưng nếu chúng ta có được bộ quy tắc ứng xử, thì đó là diễn biến tích cực. Ít nhất chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ dẫn tới đối đầu thực sự". 

Thái An (theo Bloomberg, CNA)