- Nhân dân ta đang khao khát niềm tin, sẵn sàng biểu thị lòng kính trọng và quý mến những cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các địa phương, tận tụy, dám nói, dám làm, sử dụng quyền lực của mình cống hiến cho đất nước.


Một trong những hình ảnh đẹp của Đảng ta chính là những cán bộ, đảng viên tận tụy với công việc, sẵn sàng cống hiến hy sinh trong các thời kỳ cách mạng suốt lịch sử 85 năm qua của Đảng.

{keywords}
Sự tận tụy với công việc vẫn còn nguyên giá trị đối với cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay... Ảnh chụp tại bộ phận tiếp nhận thủ tục, UBND huyện Phú Quốc. Ảnh: H.Anh

Thế nhưng gần đây, nhiều người bậc cha, chú khi gặp chúng tôi đều thốt lên rằng: Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức hình như lòng tận tụy với công việc không được chú trọng giáo dục.

Lời cảnh báo đấy quả thật không sai. Dư luận xã hội cho rằng trong bộ máy công quyền, tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đang có hiện tượng sút giảm. Bộ máy trì trệ, quan liêu đang gây ảnh hưởng đến quá trình đổi mới phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn xa, trông rộng rất quan tâm đến công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trước đây, trong những tấm gương được Người thưởng huy hiệu đã có hàng trăm trường hợp là đã nêu cao tinh thần tận tụy với công việc.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới chỉ có những con người có tri thức kết hợp với làm việc tận tụy, bám sát thực tiễn mới có khả năng sáng tạo, năng động đúng hướng vì công việc, vì lợi ích tập thể, nhân dân. Tận tụy và sáng tạo, hai khái niệm không đồng nhất nhưng thống nhất với nhau trong mối quan hệ biện chứng vì lợi ích chung. Sáng tạo trên cơ sở vì công việc sẽ tạo nên những hiệu quả thiết thực. Tận tụy chính là thước đo lòng say mê nghề nghiệp, trí thức và ý thức trách nhiệm đó là cơ sở để làm nảy sinh những sáng kiến có giá trị. Như vậy tận tụy sáng tạo là phải gắn với công việc của mình được giao.

Trong cơ chế thị trường hiện nay, đông đảo đội ngũ công nhân, những người lao động phải miệt mài ngày đêm trong các công xưởng, xí nghiệp, sản xuất từng sản phẩm để có đồng lương thì một phần công chức có thu nhập khá nhưng công sức bỏ ra cho công việc chưa xứng đáng.

Công việc chểnh mảng, thái độ trách nhiệm làm việc chưa cao, hiệu quả thấp kém của những người này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy Đảng, Nhà nước đối với nhân dân.

Tất nhiên có một nghịch cảnh là nhiều người tận tụy với công việc, lao động sáng tạo có hiệu quả nhưng chưa được đánh giá đúng mức. Trong khi đó có không ít người không chịu khó học tập, rèn luyện và kiến thức về nghề nghiệp hạn chế nhưng vẫn "chạy" vào được bộ máy nhà nước. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ cả bộ máy hành chính.

Vào dịp cuối năm 2014, trong lần gặp gỡ với anh chị em làm báo, Chủ tịch Trương Tấn Sang trăn trở về cái tâm, tinh thần phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức trong việc phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Chế độ cán bộ, công chức không chỉ dựa trên việc sát hạch về kiến thức mà còn là quá trình giám sát nghiêm ngặt về thái độ trách nhiệm, sự tận tụy trong công việc của mỗi người và chế độ thưởng phạt phải rõ ràng.

Sự tận tụy với công việc vẫn còn nguyên giá trị đối với cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay. Thiết nghĩ rằng công tác giáo dục ý thức tận tụy, hết lòng với công việc thực sự là "công bộc của dân" là một việc làm cần làm ngay trong quá trình cải cách bộ máy công quyền của Đảng và Nhà nước.

Nhân dân ta đang khao khát niềm tin, sẵn sàng biểu thị lòng kính trọng và quý mến những cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các địa phương, tận tụy, dám nói, dám làm, sử dụng quyền lực của mình cống hiến cho đất nước, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân.

Như lời Bác Hồ dạy: Nhân dân ta nhìn vào sự gương nêu gương trong hành động, phẩm chất đạo đức và ý thức pháp luật trong cuộc sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là những người lãnh đạo chủ chốt để noi theo. Bác cũng chỉ rõ: "Một tấm gương sáng có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Ngọc Đản