- Tại phiên chất vấn sáng nay, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi về việc UBND TP bỏ 312 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý mà HĐND đã thông qua.

Nghị quyết 18 của HĐND Hà Nội ban hành năm 2008 có một danh mục 970 biệt thự cổ cần bảo tồn trên địa bàn TP. Đến tháng 7 năm nay, UBND TP quyết định đưa 312 biệt thự ra khỏi danh sách này. Sau đó TP chỉ đạo thanh tra việc đề xuất này, đến nay chưa có kết quả.

Trưởng Ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam chất vấn thẩm quyền nào mà UBND lại quyết định đưa 312 biệt thự này ra khỏi danh mục đã được HĐND TP thông qua, bằng quyết định 7177 năm 2013. Trả lời ông Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định việc ban hành quyết định là phù hợp thẩm quyền, dẫn một văn bản của Bộ Tư pháp để xác nhận.

{keywords}

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam

Nhưng ông Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề sâu hơn: Việc thanh tra, theo luật định là 45-70 ngày, mà đến nay vẫn chưa có kết luận. "TP nói là do khó tiếp cận tài liệu phục vụ của các cơ quan cung cấp. Tôi thấy từ TP đến quận và phường đều có đội ngũ cán bộ trực thuộc công ty một thành viên quản lý nhà, biệt thự là bất động sản, một tài sản lớn, đều có hồ sơ, mua bán chuyển nhượng đều phải qua cơ quan quản lý...", ông Nam chỉ ra.

"Vậy khó khăn có phải ở ý chí chủ quan của người bị thanh tra? TP có giải pháp gì, trách nhiệm gì để yêu cầu các đơn vị thực hiện điều này, để sớm có kết luận báo cáo HĐND, nếu cần thì chuyển cơ quan điểu tra", Trưởng Ban Pháp chế kiến nghị.

ĐB Nguyễn Xuân Diên, Phó Chánh VP đoàn ĐBQH và HĐND Hà Nội, cũng quan tâm vấn đề biệt thự. Ông Diên thắc mắc sao "khó khăn" thế mà các cấp vẫn "dám" tham mưu UBND ra quyết định 7177 đưa số biệt thự trên ra khỏi danh sách quản lý.

Phó Chủ tịch UBND Vũ Hồng Khanh phải đứng lên hai lần để giải trình vì các ĐB đặt đi đặt lại câu hỏi, cho rằng ông Khanh trả lời chưa đúng trọng tâm. Ông Nam thậm chí hỏi thẳng có dấu hiệu cản trở trong quá trình thanh tra không, cảnh báo hiện tượng nhà đất của nhà nước không được quản lý, để người dân lấn chiếm, sử dụng và dần hợp thức hóa thành tài sản tư nhân. 

Giải thích sự khó khăn, ông Khanh nói: Đối với biệt thự, đòi hỏi phải quản lý nhà nước là đúng, nhưng có loại biệt thự đầy đủ hồ sơ, có cái tồn tại từ 60-70 năm nay, phải tập trung quản lý. Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của thanh tra. Thực tế, quản lý mà nước của chúng ta về hồ sơ cũng có những sai sót, lịch sử để lại cũng có những vấn đề chưa chặt chẽ.

"Chúng tôi đã yêu cầu đến 15/12, tất cả các cơ quan đơn vị phải có văn bản chính thức báo cáo thanh tra và UBND TP về thực trạng hồ sơ, nếu các đơn vị có trách nhiệm mà làm thất thoát hoặc cung cấp không đầy đủ, chúng tôi sẽ thanh tra công vụ để làm rõ trách nhiệm, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra".

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh

Nhưng theo Phó Chủ tịch UBND, khó mà làm nhanh được vì với 312 biệt thự, mỗi cái để nói là cổ, cần bảo tồn hay không, có khá nhiều tiêu chí, không thể chỉ nhận diện bên ngoài mà còn tính nguyên bản, yêu cầu về kiến trúc, cần thời gian, trao đổi chuyên môn, tập thể UBND sẽ nghe về từng biệt thự một, khó khăn thì sẽ mời tư vấn và cơ quan chức năng của bộ Xây dựng.

"Thời hạn thanh tra 45-70 ngày là đối với một vụ việc. Tôi không nói phải lấy 312 nhân với từng ấy ngày, nhưng là vụ việc phức tạp, cần gia hạn", ông Vũ Hồng Khanh nói.

Ông khẳng định: UBND TP sẽ tập trung quản lý, không chỉ biệt thự mà cả các nhà xây dựng trên địa bàn TP. TP chưa bao giờ loại 312 biệt thự này ra khỏi diện quản lý, mà là phân loại để bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn theo quy định của luật. Chúng tôi không từ bỏ trách nhiệm quản lý.

Phó chủ tịch UBND TP quả quyết: "Nhưng trong quá trình quản lý thì có những sai sót, thiếu chặt chẽ, TP đã biết và chỉ ra được một số trường hợp cụ thể. Quan điểm của UBND TP là rất quyết liệt. Nếu phát hiện cơ quan, cá nhân nào cản trở việc này, chúng tôi sẽ xử lý theo luật, không hữu khuynh, không bao che, dung túng".

Chung Hoàng - Ảnh: Phạm Hải