- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu vấn đề Biển Đông ra tất cả các hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Nay Pyi Taw, Myanmar hôm nay 13/11, trong đó thúc giục các biên liên quan nghiêm túc thực hiện Điều 5 của DOC về kiềm chế, không có hành động làm phức tạp thêm, gia tăng căng thẳng, hay thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Phát biểu tại hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9, nêu vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực.

Do đó, các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất là thực hiện Điều 5 của DOC về kiềm chế, không có hành động làm phức tạp thêm, gia tăng căng thẳng, hay thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

{keywords}
Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, sự hợp tác và phát triển thịnh vượng chỉ diễn ra thuận lợi trong môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực trên cơ sở bảo đảm và củng cố được lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, bao gồm cả lòng tin chiến lược trong bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong tham vấn vừa qua giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có việc cam kết sẽ đề ra các biện pháp cụ thể và cơ chế nhằm bảo đảm tuân thủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố; cũng như về việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC), thống nhất xây dựng và triển khai ngay các biện pháp “thu hoạch sớm”, như lập đường dây nóng giữa hai bên nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin, ngăn ngừa sự cố, căng thẳng; đẩy mạnh thương lượng nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thông điệp trên được Thủ tướng nhấn mạnh cùng lúc tại hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 17, hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 2, hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 17.

ASEAN tiếp tục quan ngại tình hình trên Biển Đông

Vấn đề Biển Đông đã được đặt lên bàn nghị sự của cấp cao ASEAN một cách nghiêm túc.

Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị cấp cao ASEAN 25 đã khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Tại văn bản quan trọng này của hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc như được nêu trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các Tuyên bố liên quan của ASEAN được thông qua tại dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24.

{keywords}
Ảnh: VGP

"Chúng tôi hoan nghênh kết quả tích cực trong tham vấn về thực hiện DOC và nhất trí phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên cơ sở đồng thuận. Theo đó, chúng tôi nhất trí thúc đẩy tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố DOC và sớm đạt được COC. Trong phương diện này, chúng tôi đề nghị triển khai thêm các biện pháp “thu hoạch sớm” nhằm thúc đẩy và tăng cường lòng tin ở khu vực.

Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình trên Biển Đông. Chúng tôi tái khẳng định các cam kết chung về bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế và không được có các hoạt động gây phức tạp thêm tình hình, hay mở rộng gia tăng căng thẳng trong khu vực" - theo Tuyên bố.

Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị cấp cao ASEAN 25 cũng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết chung của các nước thành viên ASEAN đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và lòng tin chung trong khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết tạo dựng các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp”.

Tại hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu 4 vấn đề. Trong đó có việc bàn phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác khu vực, hỗ trợ những nỗ lực phát triển kinh tế bền vững; ủng hộ ASEAN hướng tới Cộng đồng vào 2015, cũng như các nỗ lực đàm phán về hội nhập, tự do hóa thương mại khu vực, trong đó có xây dựng Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tăng cường bảo đảm hoà bình, ổn định và an ninh tại khu vực. Cấp cao Đông Á, với tư cách là diễn đàn đối thoại của các nhà Lãnh đạo cần tăng cường hơn nữa tham vấn, đối thoại và hợp tác về các vấn đề có liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, đặc biệt là về xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau ở khu vực.

Tại hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 17, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ việc duy trì và tăng cường hơn nữa tham vấn và đối thoại giữa hai bên về DOC và COC giữa ASEAN và Trung Quốc, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm đạt mục tiêu 500 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2015. 

Thủ tướng đề nghị Trung Quốc cần tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các diễn đàn ASEAN sáng lập, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình; cùng xử lý và ứng phó với những thách thức toàn cầu.

Tại hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Sáng kiến Gắn kết Kinh tế Mở rộng (E3) và Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), tăng cường tham vấn giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho ASEAN và Hoa Kỳ cùng các đối tác khác tiến hành đàm phán TPP.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 17, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN+3 đẩy mạnh quá trình liên kết kinh tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tạo cơ sở thiết lập FTA khu vực Đông Á trong tương lai. 

Tiếp tục tăng cường hợp tác ổn định tài chính vĩ mô thông qua triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai, mở rộng Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á và Quỹ Đầu tư Bảo đảm Tín dụng; vận hành hiệu quả Văn phòng nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3....

Linh Thư