- Thay vì xây dựng dự án luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ĐBQH đề nghị xây dựng luật Kinh tế biển.

Chiều nay, QH thảo luận ở tổ về dự án luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đánh giá tài nguyên biển đảo là hệ trọng với quốc gia, cần xây dựng luật về kinh tế biển đảo thì mới ngang tầm với chiến lược bảo vệ biển đảo.

{keywords}

ĐB Đỗ Văn Đương. Ảnh: Phạm Hải

“Nếu chỉ xây dựng luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì chỉ dừng ở mức độ điều tra, quy hoạch thì không giải quyết được gì. Muốn bảo vệ được chủ quyền thì phải gắn chặt với kinh tế trên đảo, trách nhiệm của người quản lý” - ông Đương nói.

Đi kèm với ý kiến này, ông Đương nêu đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển (được tách một phần từ Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ NN&PTNT như kiểm ngư, đánh bắt thủy hải sản) cho đồng bộ, tương xứng.

ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) nhất trí với quan điểm này.

ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho biết luật này thiết chế liên quan đến quyền của cá nhân, trách nhiệm của cá nhân tổ chức còn nhẹ, chủ yếu nặng về quản lý nhà nước.

Ông lấy ví dụ chuyện doanh nghiệp xin quản lý toàn bộ vịnh Hạ Long hay chuyện chúa đảo Tuần Châu lấn biển rất rộng, làm ô tàu, thực hiện quyền trên đó. Ông đánh giá luật này có nhiều điều chưa điều chỉnh, khi ra sẽ rất khó.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nêu vấn đề quản lý bờ biển giao cho địa phương, mạnh địa phương nào địa phương đó làm, ai là người quản tổng thể. Đây là vấn đề nghiêm trọng cần sốc lại. Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển, thể hiện trong dự thảo chưa đầy đủ, bao quát.

Bà đề nghị Chính phủ rà soát lại trách nhiệm rải rác, phân công cụ thể phân công cho Bộ Tài nguyên - Môi trường và bộ liên quan trách nhiệm gì phải ghi đầy đủ chính xác; cơ quan chủ trì là ai và thực hiện nhiệm vụ gì. Tư nhân được giao quản lý khai thác vùng biển, vùng bờ thì phải rõ thời gian khai thác, khai thác đến đâu, nếu chuyển cho tổ chức cá nhân nước ngoài thì điều kiện ràng buộc ra làm sao liên quan đến việc quản lý vùng bờ này.

Đề nghị cấp xã được công bố dịch

Thảo luận luật Thú y chiều nay, nhiều ĐB băn khoăn về thẩm quyền công bố dịch bệnh hiện đang bộc lộ bất cập.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nêu: Hiện nay đang quy định thẩm quyền công bố dịch thuộc chủ tịch UBND tỉnh, có 2 tỉnh trở lên công bố dịch thì Bộ sẽ công bố có dịch và triển khai các vật tư, nguồn lực chống dịch.

Điều này hơi ngược với quy trình phòng chống dịch là phát hiện sớm, tiêu diệt nhanh, triệt để. Ví dụ có 10 con gà bị cúm ở thôn nào đó, yêu cầu chủ tịch tỉnh công bố nghe như cả tỉnh có dịch khiến người tiêu dùng nghi ngại, giá gà sụt giảm thê thảm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi.

Ông Phát đề nghị cho phép chủ tịch xã được công bố dịch trên địa bàn, khi 2-3 xã có dịch thì chủ tịch huyện công bố dịch, nếu 2-3 huyện có dịch thì Chủ tịch tỉnh công bố dịch trên địa bàn tỉnh.

C.Quyên - H.Nhì