- Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho hay có hàng mấy chục công ty dược nước ngoài đầu tư, bán thuốc vào VN và chỗ nào cũng có 'hoa hồng', dưới nhiều dạng, khó phát hiện: tài trợ đi nước ngoài, tham quan, trả tiền trực tiếp, trả hoa hồng theo đơn thuốc...

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên: Rất tinh vi

- Thưa ông Tiên, báo chí đang nêu vụ việc công ty Bio-Rad Laboratories bị cáo buộc hối lộ cho quan chức VN trong các thương vụ mua bán về y tế. Ông có quan tâm?

Phải xác định rõ đây là thiết bị y tế, thuốc hay dược phẩm. Trong 5 năm mà chỉ có 2,2 triệu USD thì theo tôi là quá nhỏ. Như Bảo hiểm xã hội công bố, chúng ta đấu thầu thuốc đã dư ra mấy ngàn tỷ đồng.

Hiện nay việc chi hoa hồng cho bác sỹ kê đơn thuốc là phổ biến. Kiểm soát việc này phải kiểm tra từ các công ty, danh sách cho hoa hồng và chi cho những ai. Nhưng muốn kiểm tra thì cũng rất khó.
Tôi cũng hy vọng qua đợt này chúng ta sẽ tìm ra ở lĩnh vực nào, dược hay y tế, thật cụ thể.

{keywords}

- Khi tìm ra thì phải làm thế nào?

Phải xử lý thật nghiêm, chỉ sợ không phát hiện ra. Công ty có các hình thức hối lộ rất khó phát hiện, ví dụ tài trợ cho các bác sĩ đi dự hội thảo, mỗi người mấy nghìn đô, cộng lại thành rất nhiều. Việc họ công bố là dịp tốt để chúng ta tìm ra. Việc đưa giá thuốc, giá thiết bị y tế vào giá thực rất khó kiểm soát, tôi muốn QH ban hành luật Đấu thầu phải có một mục riêng về đấu thầu thuốc.

- Theo giám sát của UB Các vấn đề xã hội thì đây liệu có phải là vụ duy nhất từ trước đến giờ?

Có hàng mấy chục công ty dược nước ngoài đầu tư, bán thuốc vào VN, tôi nghĩ chỗ nào cũng có hoa hồng. Hoa hồng có nhiều cách lắm, chứ không đơn giản chạy từ tài khoản của người này sang người kia. Họ tài trợ đi nước ngoài, đi tham quan, trả tiền trực tiếp, trả hoa hồng theo đơn thuốc...

- Liệu luật Đấu thầu và các quy định của pháp luật có nên ra chế tài cấm cán bộ lĩnh vực chuyên môn đi nước ngoài với đối tác không?

Tôi nghĩ là khó, việc các doanh nghiệp với danh nghĩa mời cán bộ đi dự hội nghị khoa học về lĩnh vực chuyên môn là dịp tốt cho cán bộ nâng cao trình độ. Còn vấn đề tài chính bên trong mình rất khó kiểm soát. Vấn đề này tôi nghĩ tính tự giác là một, ý thức là hai, và ba là cơ quan quản lý cán bộ.

- Tại sao trong nước không phát hiện ra được những vụ việc này, như vụ JTC, mà luôn là do nước ngoài đưa ra?

Trong nước, tôi đã nói, rất khó, họ mời đi hội thảo, trả hoa hồng rất tinh vi, không qua tài khoản, ngân hàng hay gì cả, rất khó phát hiện.

- Vậy phải có cơ chế kiểm soát thu nhập, tài sản như thế nào?

Ta đã có một là thuế thu nhập, hai là chính sách kê khai tài sản. Nhưng thực tế, văn hóa tiền mặt rất khó kiểm soát. Nhật Bản kiểm soát rất chặt thu nhập của bác sĩ, bệnh viện, do đó lương của bác sĩ cao gấp 3 lần so với mức bình quân của xã hội, xã hội chấp nhận mức đó. Còn ta, hệ thống lương vẫn chung chung, lương một số bác sĩ ở một số bệnh viện rất cao.

Đảng, Nhà nước quyết tâm kiểm soát thu nhập nhưng cũng rất vất vả. Tôi nghĩ khi nào chúng ta kiểm soát được thu nhập cá nhân qua tài khoản thì chống tham nhũng mới thuận lợi.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền: Về hưu cũng phải xử lý

- Ông có bất ngờ trước thông tin một công ty y tế Mỹ thừa nhận đã hối lộ các cơ sở y tế ở VN để có lợi ích trong mua bán không?

Tôi không bất ngờ vì cơ chế quản lý của chúng ta quá lỏng lẻo, nhất là thiết chế kiểm soát quá trình thực hiện các đề án, mua bán tài sản công. Cơ chế lỏng lẻo như vậy nên xảy ra như thông tin cũng không khác nhiều.

{keywords}

- Bộ Y tế đã nhanh chóng yêu cầu Bộ Công an điều tra, theo ông khả năng tìm ra phía nhận hối lộ ở VN có lớn không?

VN đã có hợp tác về tội phạm quốc tế với Interpol rồi, nếu có sự việc như vậy thì chắc chắn sẽ tìm ra thôi.

- Công an mà tìm ra được những người nhận hối lộ thì theo ông nên xử lý như thế nào?

Nếu đúng vậy thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự, phải đưa họ ra trước vành móng ngựa.

- Vậy còn trách nhiệm của bộ chủ quản như Bộ Y tế là như thế nào?

Trách nhiệm của họ sẽ liên quan đến việc quản lý cán bộ, sau đó là trách nhiệm liên đới. Nhưng trách nhiệm ở đây là của từng thế hệ. Có thể sự việc đã xảy ra ở thế hệ trước, thì phải xem liên quan tới ai. 

Nói chung quản lý nhà nước cũng như công dân, liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nào, tính chất mức độ ra sao thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề đó, kể cả thế hệ nào chăng nữa, kể cả về hưu đi nữa vẫn phải chịu trách nhiệm.

Anh về hưu mà nhận hối lộ thì vẫn phải xử lý. Đảng đã chủ trương rồi, không có vùng cấm nào cho quá trình xử lý đối với hành vi tham nhũng.

Chung Hoàng - Hồng Nhì - Ảnh: Minh Thăng