- Cử tri, nhân dân muốn nhà nước thông tin kịp thời hơn về Biển Đông - Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của dân trước QH sáng nay (20/10).

Tại phiên khai mạc QH, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri được MTTQ VN truyền tải đến các ĐBQH và thành viên Chính phủ.

{keywords}
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe các báo cáo tại phiên khai mạc. Ảnh: Chung Hoàng

Một trong những điểm Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh là “cử tri, nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông và mong muốn các cơ quan chức năng của nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói thêm: Cử tri và nhân dân mong muốn nhà nước có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân thời gian qua.

Tại kỳ họp này, QH sẽ nghe CP báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có việc TQ xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa. Nhưng đây là một phiên họp kín, dự kiến diễn ra chiều thứ bảy 25/10.

Thi tốt nghiệp cần làm thí điểm

Một vấn đề cử tri và nhân dân cũng rất quan tâm là phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố ngày 9/9, nhưng đến nay vẫn chưa có quy chế kỳ thi quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Có ý kiến đề nghị đối với những thay đổi lớn ở quy mô quốc gia như thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển đại học, cần làm thí điểm ở quy mô nhỏ trước, rút kinh nghiệm rồi mới làm toàn quốc.

Người dân cũng lo lắng về tình trạng lạm thu trong trường học vào đầu năm học tuy được kiểm soát nhưng tại nhiều trường ở các địa phương vẫn tiếp tục xảy ra gây khó khăn cho các gia đình nghèo.

Lót tay, chạy chọt

Theo phản ánh của MTTQ, cử tri và nhân dân cho rằng dù công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.

“Tình trạng tham nhũng ‘vặt’ trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp; một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, trong việc thực hiện chế độ, chính sách người có công và các chính sách xã hội khác, trong một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động công ích của địa phương gây bức xúc trong dư luận nhân dân”, báo cáo nêu.

Cử tri và nhân dân cho rằng những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục, như việc kê khai tài sản mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp.

Chung Hoàng