- Thẩm tra dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành, UB Kinh tế QH muốn CP làm rõ hơn nữa sự cần thiết và tầm chiến lược của việc xây dựng này.

Về cơ bản, tờ trình của CP do Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đọc hôm nay (8/10) được đa số thành viên Thường vụ QH ủng hộ, nhất trí đưa ra QH xin chủ trương.

Tuy nhiên, UB Kinh tế QH vẫn muốn Chính phủ làm rõ hơn một số vấn đề để QH có đủ cơ sở ra quyết định.

{keywords}

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: VOV

Trước hết, Chính phủ cần cung cấp thêm số liệu để giải trình lý do chọn phương án Long Thành (Đồng Nai) thay vì mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hay cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).

"Các số liệu về đầu tư cải tạo, mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa mới chỉ đưa ra ở mức tổng thể, thiếu các số liệu chi tiết để thấy tính chính xác, hợp lý của các phương án này", Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Phúc nói.

Nhận định đánh giá của CP về hiệu quả kinh tế của dự án là dựa trên dự báo "lạc quan" về lượng hành khách đạt được, UB Kinh tế QH muốn CP "thực tế" hơn, đánh giá đầy đủ các yếu tố như tiết giảm chi phí khai thác, vận hành, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ… Các tác động về xã hội cũng phải được đánh giá.

Chi phí cũng là vấn đề cần làm rõ: Báo cáo của CP cho biết tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước bao gồm ngân sách NN, trái phiếu CP và ODA chiếm hơn một nửa.

"Đây mới chỉ là giai đoạn 1 của dự án đầu tư, nếu tính cả ba giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn", ông Nguyễn Văn Phúc nêu. "Thực tế thời gian qua cũng cho thấy nhiều dự án giao thông phát sinh chi phí rất lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu".

UB Kinh tế QH cũng thấy trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án này là không đơn giản. Do vậy Chính phủ cần làm rõ sẽ huy động và sử dụng vốn từ các nguồn khác nhau như thế nào khi mà ngân sách NN chắc chắn khó đáp ứng.

Nhất là khi vốn ngân sách sẽ phải dùng chủ yếu vào công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000 ha trong giai đoạn 1 của dự án, dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng. Vấn đề di dân và tái định cư cũng cần được giải trình thấu đáo.

Một vấn đề nữa mà UB Kinh tế QH băn khoăn là việc một cảng hàng không trung chuyển với quy mô lớn và hiện đại như cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đòi hỏi năng lực quản lý, vận hành rất cao.

"Thực tế thời gian qua cho thấy, các sân bay của Việt Nam với quy mô chưa lớn nhưng trình độ quản lý, vận hành còn nhiều hạn chế, bất cập", ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng CP cần phân tích, đánh giá vấn đề này.

Tóm lại, UB này đề nghị CP làm rõ hơn sự cần thiết và tầm chiến lược phải xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; tính hợp lý, khả thi về vốn, đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án, làm rõ các cơ chế, chính sách đặc thù...

Ưu đãi thuế cho hậu cần nghề cá

Chiều nay, Thường vụ QH cũng thảo luận việc sửa đổi các luật về Thuế, theo đó có một điểm mới là ưu đãi thuế cho một số hoạt động ngư nghiệp.

Cụ thể, dự kiến sẽ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam nhận được do làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế và thu nhập của cá nhân là chủ tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ.

Cơ quan thẩm tra, UB Tài chính Ngân sách QH, nhất trí các đề xuất này theo hướng khuyến khích ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ, góp phần bảo đảm an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nhưng để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở trong thực hiện chính sách ưu đãi, UB này đề nghị bổ sung quy định trong luật là tàu trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác hải sản xa bờ.

Chung Hoàng