- Ở một diện hẹp hơn về đối tượng, chương trình hợp tác con nuôi giữa VN và Mỹ chính thức nối lại từ hôm nay (16/9) được hai bên kỳ vọng đảm bảo minh bạch, nhân đạo, tuân thủ luật pháp trong nước và quốc tế.

Sáng nay, tại trụ sở Bộ Tư pháp, 2 tổ chức con nuôi của Mỹ là Dillon International và Holt International Children’s Services đã được trao giấy phép hoạt động trong lĩnh vực con nuôi nước ngoài tại VN, sau 6 năm ngừng chương trình hợp tác giữa hai nước.

Trao đổi với báo giới, bà Tiffany Murphy, trưởng phòng lãnh sự, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho hay, chương trình được nối lại sau khi Chính phủ VN triển khai hàng loạt các bước nhằm cải tiến việc thực thi Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, cũng như luật Con nuôi, các nghị định,  thông tư đã lần lượt được thông qua.

{keywords}

Bà Tiffany Murphy, trưởng phòng lãnh sự, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Điểm khác biệt của chương trình hợp tác so với trước 2008, đó là hai tổ chức Dillon International và Holt International Children’s Services sẽ chỉ tiến hành chương trình con nuôi nước ngoài với đối tượng hẹp hơn, là những trẻ em có nhu cầu đặc biệt, từ 5 tuổi trở lên và nhóm trẻ em là anh chị em ruột (gọi tắt là Chương trình con nuôi đặc biệt). Ngoài trường hợp này, Mỹ sẽ không giải quyết các trường hợp nhận con nuôi mà không thuộc các tiêu chí của Chương trình con nuôi đặc biệt.

Bà Tiffany Murphy giải thích, nếu như “danh sách 1” theo phân loại của Bộ Tư pháp là những trẻ em bình thường cần được chăm sóc, nuôi dưỡng và giải quyết làm con nuôi thì đối tượng của Chương trình con nuôi đặc biệt thuộc “danh sách 2”, tức những trẻ có nhu cầu chăm sóc đặc biệt, cần sự giúp đỡ nhất, thuộc nhóm thiệt thòi nhất mà không còn bất kỳ lựa chọn nào khác trong nước khác. Hai danh sách này có quy trình xem xét khác nhau.

“Bộ Tư pháp kiểm soát toàn bộ danh sách, ghép trẻ với danh sách bố mẹ nuôi… Chúng tôi tin VN có thể giải quyết minh bạch, đạo đức, nhân văn thông qua hệ thống quy trình cho con nuôi chặt chẽ.

Điều này cũng phù hợp với việc thực hiện quy định của Công ước La Hay mà VN là một thành viên, đó là ưu tiên việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước, chỉ coi việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài là biện pháp thay thế cuối cùng khi không thể thu xếp được gia đình nuôi ở trong nước, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em”.

Trước câu hỏi về các biện pháp kiểm soát khả năng tham nhũng cũng như buôn bán người có thể nảy sinh, bà Tiffany Murphy cho hay đã từng có lo ngại từ cả phía VN và Mỹ nhưng hai bên đã có đàm phán chặt chẽ các quy định trong Chương trình con nuôi đặc biệt. Trong khi đó, VN đã có những bước luật hóa quy định bài bản liên quan hệ thống con nuôi, nhất là khi gia nhập Công ước La Hay.

Bà tin tưởng chương trình hai bên đàm phán đảm bảo việc cho nhận con nuôi tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và minh bạch.

Năm 2013, VN đã giải quyết 334 trường hợp cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài, trong đó có 200 trẻ đặc biệt.

Thống kê từ cơ quan chức năng của Mỹ cho thấy xu hướng giảm đều qua các năm trẻ làm con nuôi quốc tế đến nước này. Nếu như 2009 có 12.744 trường hợp trẻ thì đến 2013 con số là 7.092.

Theo bà Tiffany Murphy, đây là xu hướng tích cực cho thấy quy định của Công ước La Hay tác động đến các quốc gia, trong đó có VN.

7 tháng đầu năm nay, VN đã giải quyết 274 trường hợp cho làm con nuôi quốc tế. Pháp là quốc gia nhận nhiều trẻ làm con nuôi từ VN nhất, sau đó là Italy, Canada, Tây Ban Nha.

Linh Thư