- Dự thảo luật Bầu cử đại biểu QH, HĐND được trình lần đầu tiên trước UB Thường vụ QH hôm nay, với một số đề xuất liên quan đến người tự ứng cử.

>> Nhiều bài học từ cuộc bầu cử
>> Bầu cử Việt Nam qua ống kính quốc tế
>> Toàn cảnh bầu cử

Theo đó, trong hồ sơ ứng cử của những người tự ứng cử phải có giới thiệu của ít nhất 30% cử tri ở tổ dân phố, thôn nơi họ cư trú.

Ban soạn thảo giải trình: Người được cơ quan, tổ chức giới thiệu có sự sàng lọc qua nhiều khâu, phải được tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cử tri nơi công tác giới thiệu mới được nộp hồ sơ ứng cử, nhưng người tự ứng cử thì không có sự sàng lọc này, rất dễ dàng nộp hồ sơ ứng cử vào thẳng bước 3 của quy trình hiệp thương, do vậy thiếu sự bình đẳng giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

{keywords}
Cử tri xem danh sách ứng viên trước khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2011. Ảnh: LNhung

Đề nghị này khiến các thành viên UB Thường vụ QH băn khoăn: Làm thế nào để có được con số 30% đó? Người tự ứng cử đi xin ý kiến từng người trong tổ dân phố hay chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tổ chức cho họ?

Chủ tịch HĐ Dân tộc QH Ksor Phước nêu: Tôi đã ứng cử cả QH và HĐND mấy khóa, dự tất cả các hội nghị của tổ dân phố để cho ý kiến về người ứng cử, thấy đều là đại diện người dân tham dự, thế thì lấy đâu ra toàn bộ người dân trong tổ dân số để mà có 30% người giới thiệu.

Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý giải trình thêm: Đây chỉ là một trong nhiều phương án để đảm bảo công bằng trong ứng cử.

"Có nhiều ý kiến rằng người được giới thiệu phải qua nhiều thủ tục, nhiều lần sàng lc, lấy ý kiến mới được vào danh sách hiệp thương của Mặt trận, trong khi người tự ứng cử không phải qua ý kiến của ai để nộp đơn. Họ cũng cần có một mức độ tín nhiệm nào đấy, cần được tổ dân phố xác nhận về tư cách, đạo đức, phẩm chất, gia đình..., giống như một lần bầu cử quy mô nhỏ mà những người được giới thiệu phải trải qua", ông Lý nói.

Chủ nhiệm UB Pháp luật QH thừa nhận chưa cụ thể cách thực hiện, nhưng nếu phương án này được đồng ý đưa vào dự thảo luật, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu thiết kế cách làm khả thi.

Dự thảo cũng chưa mở cho những người ứng cử đại biểu QH và HĐND tự mình vận động bầu cử. Theo đó vẫn chỉ có hai hình thức vận động là thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ban soạn thảo cho biết có ý kiến đề nghị quy định việc người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri. Nhưng ý kiến khác lo rằng sẽ là bất lợi cho người được giới thiệu so với người tự ứng cử.

"Thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác", ban soạn thảo cho rằng để công bằng, khách quan thì không nên có việc tự vận động bầu cử.

Chung Hoàng