Giàn khoan là bằng chứng cho thấy TQ đang sử dụng các DNNN như “quân cờ chính trị” hơn là tự do khai thác thị trường.


Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN ở Biển Đông hồi đầu tháng 5 vừa qua do tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia TQ (CNOOC) sở hữu và do công ty con là công ty Dịch vụ dầu khí vận hành. Phụ trách chiến dịch thăm dò dầu khí là tổng công ty Dầu khí quốc gia TQ (CNPC).

Ngày 15/7, TQ đã dịch chuyển giàn khoan về phía lãnh thổ của họ. Một thông cáo báo chí của CNPC cho biết, giàn khoan đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất. Giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ phụ thuộc vào những đánh giá toàn diện về trữ lượng hydrocarbon dựa trên các dữ liệu địa chất và phân tích thu được.

Vụ việc giàn khoan 981 không chỉ đặt ra câu hỏi về tính pháp lý trong yêu sách chủ quyền của TQ cũng như vấn đề an ninh khu vực, mà còn cho thấy khía cạnh chính trị liên quan đến vai trò các DNNN TQ ở nước ngoài.

Khi TQ tiếp tục tăng trưởng kinh tế, thì những hoài nghi về động cơ chính trị - hơn là chiến lược thương mại - của các DNNN đã gia tăng ở chính những quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp của TQ.

Năm 2005, nỗ lực của TQ trong việc mua công ty dầu Unocal của Mỹ đã gặp phải "sự phản đối chính trị quyết liệt" dẫn đến căng thẳng trong quan hệ hai nước.

{keywords} 

Giàn khoan Hải Dương 981 của tập đoàn CNOOC. Ảnh: globaltimes

Tại Australia, báo chí gần đây có những bài viết tiêu đề như "Các tập đoàn nhà nước TQ lén lút giành sự phê chuẩn của FIRB" hay "Đừng lẫn chính trị với các hợp đồng"...(FIRB là tên viết tắt của Hội đồng thẩm định đầu tư nước ngoài của Australia).

Trong năm 2012, chính phủ Canada đã sửa đổi luật Đầu tư nêu rõ rằng "nhà đầu tư phải đệ trình rõ ràng các kế hoạch, cam kết, đặc điểm vốn có của DNNN. Các đối tượng sở hữu, kiểm soát hay chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ một chính phủ nước ngoài phải đảm bảo trước Bộ Công nghiệp Canada rằng, dự án là hoàn toàn mang tính thương mại, không có ảnh hưởng chính trị".

Phần lớn, các DNNN TQ theo đuổi những cơ hội thương mại ở nước ngoài giống như các tập đoàn phương Tây đã và tiếp tục làm.

Tuy nhiên, việc nhà điều hành của 53 DNNN quan trọng nhất TQ có vị thế tương đương cấp bộ hay tỉnh rõ ràng cho thấy, cổ đông đang kiểm soát một DNNN đều rất có quyền lực về chính trị cũng như kinh tế.

Sự bất an với các DNNN TQ không chỉ tồn tại ở nước ngoài, mà còn ở chính tại bản địa, khi người dân TQ ngày càng đặt dấu hỏi về đặc quyền dành cho DNNN.

Tại TQ có thực tế ngân hàng và các chính sách cho vay ưu đãi hầu như chỉ có lợi cho DNNN.

Tháng 11 năm trước, TQ đã từng cho thấy nỗ lực làm giảm sự tham gia của nhà nước khi tuyên bố thực hiện "cải cách DNNN theo định hướng thị trường".

Tuy nhiên, vụ việc giàn khoan 981 đã thay đổi tuyên bố này. Nó làm sống lại những hoài nghi về việc TQ sử dụng các DNNN như một chiến lược chính trị để giành lợi thế trong tranh chấp chủ quyền.

Trong khi đó, CNOOC và CNPC vẫn có thể tự bào chữa là hành động hợp pháp khi theo đuổi những mục tiêu thương mại ở khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên. Nói chung, các DNNN có xu thế tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên quốc gia như tài nguyên thiên nhiên, viễn thông, quốc phòng...

Động thái hạ đặt giàn khoan là sự khẳng định chiến lược chính trị của TQ trong yêu sách chủ quyền. Nó là bằng chứng cho thấy TQ đang sử dụng các DNNN như quân cờ chính trị hơn là tự do khai thác thị trường.

Michel Henry Bouchet, nhà phân tích của Trường Kinh doanh Skema tại Pháp tin rằng, TQ đang mạo hiểm trước những chỉ trích của khu vực và quốc tế để thử phản ứng của ASEAN và phương Tây liên quan tới những tham vọng địa chính trị của TQ.

Vụ việc giàn khoan của những DNNN lớn nhất TQ có động cơ thương mại hay chính trị cũng đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện tồn trong khu vực và không hề có lợi cho quan hệ ngoại giao giữa TQ và nhiều láng giềng.

Thái An (theo establishmentpost)