Philippines và Thái Lan hôm nay cùng kêu gọi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông và tăng tốc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và quyền Ngoại trưởng Thái Lan Sihasak Phuangketkeow đã trao đổi vấn đề trên trong cuộc gặp song phương ở Manila - nơi hai bên thảo luận về tình hình hiện nay ở Thái Lan cũng như các vấn đề khác cùng quan tâm.

{keywords}
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và quyền Ngoại trưởng Thái Lan Sihasak Phuangketkeow. Ảnh: gmanetwork

Hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình ở Biển Đông và tái khẳng định cam kết về nhanh chóng thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử cũng như một giải pháp hòa bình cho tranh chấp”, thông cáo báo chí của Philippines đưa ra sau cuộc họp cho hay.

Tại cuộc họp báo chung với ông Del Rosario sau gặp gỡ, ông Sihasak nhấn mạnh rằng, giải quyết tranh chấp là “rất quan trọng với hòa bình và ổn định trong khu vực”. “Chúng tôi muốn làm dịu căng thẳng đang leo thang, nhìn thấy tất cả các bên liên quan tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác nhiều hơn nữa”, ông nói.

Căng thẳng trên Biển Đông gần đây đang leo thang mạnh với những hành động đơn phương nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền từ TQ. Việc nước này mở rộng thẩm quyền thực thi pháp luật và tuần tra các khu vực gần như bao gồm toàn bộ Biển Đông đã khiến Philippines hết sức lo ngại. Thêm vào đó là nỗ lực của TQ nhằm cải tạo các đảo ở Biển Đông trong đó có đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

“Chúng tôi chắc chắn chú tâm và quan ngại đến các diễn biến trên thực địa”, quyền Ngoại trưởng Thái Lan khẳng định. Trong cuộc họp báo, ông đã thể hiện sự ủng hộ động thái của Philippines khi quốc đảo tìm kiếm vai trò hòa giải quốc tế - một hành động mà Thái Lan xem như là biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp.

“Điều quan trọng là các bên phải tự kiềm chế, cam kết giải pháp hòa bình. Chúng tôi coi mượn trọng tài phân xử là cách thức giải quyết hòa bình”, ông Sihasak nhấn mạnh.

Ông nói, chính phủ Thái Lan hy vọng sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) cũng như việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuyên bố này được ký kết giữa TQ và ASEAN năm 2002 kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền kiềm chế và không chiếm giữ những vùng lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên, nó không mang tính ràng buộc về pháp lý.

Theo quyền Ngoại trưởng Thái Lan Sihasak, ASEAN sẽ tổ chức một cuộc họp với TQ tại nước này trong tháng 10 để cố gắng thúc đẩy việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, tiến tới hoàn tất COC.

Bất chấp các nước khác có chủ quyền ở Biển Đông, TQ vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết vùng biển với cái gọi là bản đồ 9 đoạn (gần đây là 10 đoạn) gồm các ranh giới lượn sát bờ biển của nước khác.

Thái An (theo gmanetwork)