Tuần báo Tin tức Quốc phòng Mỹ đưa tin, Philippines đã đề xuất chi ngân sách 1,5 tỉ USD cho các nhà thầu quốc phòng thế giới cho giai đoạn một trong chương trình gồm ba giai đoạn hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

{keywords}
Philippines đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội giữa lúc tranh chấp với TQ leo thang ở Biển Đông. Ảnh: wordpress

Nỗ lực của Philippines diễn ra trong bối cảnh tranh chấp giữa quốc đảo với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông đang ngày một leo thang. Philippines cũng đã nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ và hỗ trợ quân sự từ cộng đồng quốc tế để cải tổ các thiết bị quân sự lạc hậu.

Động lực chính của chương trình hiện đại hóa chính là yêu sách chủ quyền ngày càng lớn của TQ ở Biển Đông. Gần đây, Philippines đã quyết định cho phép hải quân Mỹ và Nhật tiếp cận nhiều hơn các căn cứ hải quân của quốc đảo. Ngoài ra, những buổi trao đổi hội thảo có sự tham dự của sĩ quan cấp cao Mỹ sẽ được tổ chức để nắm rõ nhu cầu củng cố và tăng cường khả năng cho các lực lượng vũ trang Philippines.

Các nhà thầu quốc phòng mà Manila ngắm tới gồm những công ty lớn từ châu Âu, Israel, Hàn Quốc và Mỹ.

Thông qua ngân sách khổng lồ này, Manila hy vọng tới năm 2027 có thể kiểm soát được không phận trên vùng lãnh thổ của mình cũng như nâng cao các khả năng tuần tra hàng hải như tuần tra và giám sát khu vực 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra, Philippines cũng cần trang bị cho lực lượng mặt đất để chuyển đổi các khả năng nhanh chóng từ thời binh sang thời chiến.

Giai đoạn đầu của quá trình mua sắm thiết bị quốc phòng đã bắt đầu và kéo dài tới năm 2017. Hải quân Philippines đã mua hai tàu hải vận chiến lược và đang xem xét hợp đồng mua các loại trực thăng mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, Hải quân Philippines cần có các tàu khu trục, trực thăng chống ngầm, tàu tấn công đa nhiệm, tàu đổ bộ, hệ thống hỗ trợ hình ảnh và giám sát mục tiêu hàng hải, các hệ thống hậu cần mới. Lực lượng không quân nước này cần rađa giám sát, máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra tầm xa, máy bay tiếp dầu, đơn vị trực thăng chiến đấu, các hệ thống hỗ trợ cho rađa và máy bay. Lực lượng bộ binh gần đây đã ký hợp đồng nâng cấp 142 xe bọc thép M113A2.

Philippines gần đây đã liên tục phản đối sự hiện diện về quân sự và cả dân sự của TQ trên các đảo và vùng biển được coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế quốc đảo. Manila hiện vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện TQ ra tòa án quốc tế về Luật biển do những yêu sách chủ quyền thái quá của Bắc Kinh nhằm độc chiếm Biển Đông.

TQ ngang nhiên cấm khai thác dầu ở Biển Đông

Tờ Inquirer của Philippines hôm qua đưa tin, Bắc Kinh ra tuyên bố rằng, các hoạt động khai thác dầu khí của công ty nước ngoài ở vùng biển TQ tranh giành với các nước trên Biển Đông mà không có sự cho phép của TQ là “bất hợp pháp”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi nói: “Không có sự cho phép của TQ, việc khai thác dầu khí của bất kỳ công ty nước ngoài nào trong vùng biển dưới quyền thực thi pháp lý của TQ phi pháp và không có giá trị”.

Thái An (theo wantchinatimes)