- Phó Chánh Thanh tra TP HCM nói có không ít đơn thư nặc danh khi kiểm tra thấy tố cáo đúng nhưng không biết xử lý sao do quy định pháp luật hiện hành không xử lý đơn thư nặc danh.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm sáng nay, Phó Chánh Thanh tra TP HCM Lê Văn Hùng kiến nghị cơ chế chính sách tháo gỡ. Kiến nghị trực tiếp đến lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, ông Hùng cho rằng điều này nhằm đảm bảo không để bỏ lọt sai phạm.

{keywords}

Một vụ khiếu nại đất đai đông người. Ảnh: ĐĐK

Cũng liên quan chất lượng thanh tra, ông Mai Văn Hưởng - Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Tháp dẫn kinh nghiệm của tỉnh này, đó là đánh giá kết quả dựa trên việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết hay không, chứ không tính kết quả theo hướng giải quyết được bao nhiêu vụ việc. Ngoài ra, ông cho rằng, cần phải xác định từng trường hợp cụ thể để xem xét giải quyết, dựa vào hoàn cảnh, điều kiện để xác định việc giải quyết khiếu nại, oan sai theo thẩm quyền.

Ông Hưởng cũng nêu thực trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tần suất nhiều khiến không ít doanh nghiệp phải "kêu".

Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mức độ chồng chéo nếu chỉ trong ngành đã dễ xử lý, có thể điều phối. Ông chỉ ra khó khăn của ngành là "vào đâu cũng gặp kiểm toán", thậm chí cùng một thời điểm, địa điểm có thể có hai cấp kiểm toán vào thanh tra. Có những dự án đầu tư xây dựng mà kiểm toán vào thanh tra không thiếu các bước, "y hệt" như thanh tra làm.

Ông Sơn quả quyết, công tác kiểm toán với các cơ chế, ưu thế cho phép hiện nay, còn làm nhiều việc thanh tra hơn cả thanh tra. "Liệu nhiệm vụ có trùng lắp không?". Ông lo ngại rằng, luật kiểm toán đang sửa đổi tới đây có thể còn làm cho việc chồng chéo nặng nề hơn.

Đất đai phức tạp nhất

Báo cáo của toàn ngành tại hội nghị cho hay, số lượng đơn thư các loại trong 6 tháng đầu năm nay tăng khoảng 26%, tuy nhiên đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm (15,8%). Nội dung khiếu nại vẫn chủ yếu trong lĩnh vực đất đai như khiếu nại việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ, chiếm tỉ lệ cao (75% đơn khiếu nại).

Một trong những điểm đáng chú ý, đó là nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 66% đơn tố cáo, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức cố ý làm trái, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội...

Cho đến nay, cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 17.630/22.535 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Về phát hiện xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho hay đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trong 6 tháng qua, thanh tra phát hiện 5 vụ, 13 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền là 2 tỷ 327 triệu đồng, thu về 630 triệu đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 20 tập thể, 15 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 1 vụ và 5 đối tượng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 16 vụ, 16 đối tượng. Một trong những mục tiêu đề ra thời gian tới đó là giải quyết dứt điểm 34 vụ việc phức tạp, tồn đọng còn lại.

Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến lưu ý các sai phạm liên quan tố cáo trong lĩnh vực hành chính. Theo ông, các cơ chế, quy định xử lý cá nhân sai phạm chưa rõ ràng. Như về xử lý trách nhiệm hành chính cán bộ nếu là lãnh đạo sở thì do ban thường vụ, cán sự xem xét trong khi cán bộ cấp dưới thuộc trách nhiệm xử lý của lãnh đạo sở ngành. Trong khi đó, quy định về xử lý cán bộ công chức vi phạm nhưng chưa đến mức hình sự cũng chưa quy định rõ.

Linh Thư