Phía đông châu Âu đang bồn chồn trước những động thái của Nga, Trung Quốc thì có nhiều lo lắng. Vậy kịch bản nào sẽ diễn ra khi phương Tây trở nên yếu đuối?

Quân Anh ở Ba Lan và các nước Baltic

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết, Mỹ nên tăng cường hiện diện quân sự tại nước này và các thành viên khác của NATO tại Đông và Trung Âu vì cuộc khủng hoảng Ukraina.

{keywords}

Để làm điều đó, NATO có thể quyết định gửi đi một tín hiệu quân sự bằng cách củng cố biên giới. “Điều đó có nghĩa là nếu có bất kỳ áp lực nào ở các biên giới này, Nga sẽ đối mặt với lực lượng NATO”, giáo sư Michael Clarke thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nói.

Quân đội Anh sẽ là chọn lựa. “Chúng ta cần sẵn sàng đi tới các đối tác Đông Âu, nhất là Ba Lan hoặc các nước Baltic để thể hiện rằng, chúng ta cam kết bảo vệ tập thể của NATO. Điều này khá quan trọng trong thời gian tới”, Clarke nhấn mạnh.

Quan hệ Trung - Nga có thể xấu đi

Hành động của Nga ở Crưm đã gây khó xử cho Trung Quốc. Trên các trang mạng như Weibo, nhiều người đã tự hỏi phản ứng nào nếu Tây Tạng cũng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Và điều quan trọng là, Trung Quốc không công nhận Nam Ossetia sau khi khu vực này tuyên bố độc lập, tách khỏi Grudia năm 2008.

"Trung Quốc cũng sẽ không công nhận Crưm”, Natasha Kuhrt, chuyên gia về quan hệ Nga - Trung tại Khoa nghiên cứu chiến tranh Trường  King's College nói. "Trung Quốc có thể cho rằng Putin đã liều lĩnh, và sự can thiệp vào một khu vực hay các nhóm dân tộc không bao giờ được hoan nghênh ở trong nước. Quan điểm của Trung Quốc về tự trị rất rõ ràng và nhất quán”.

Tới thời điểm này, phản ứng của Trung Quốc khá âm thầm, họ đã bỏ phiếu trắng một nghị quyết của LHQ nhằm lên án cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm, và tuyên bố, điều này sẽ chỉ “dẫn tới sự đối đầu và làm phức tạp tình hình”.

"Nga đã cảm ơn Trung Quốc về việc bỏ phiếu trắng, nhưng thực tế thì thế nào? Thực ra chỉ là vẻ bề ngoài”, Kurht nhấn mạnh.

Nga có thể tìm kiếm một liên minh gần gũi hơn với Trung Quốc khi quan hệ với châu Âu suy giảm. Nhưng mọi thứ cần chờ xem Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào. "Hành động ở Crưm khiến Putin bị xem là đối tác mạo hiểm, và ưu tiên của Trung Quốc luôn luôn là trật tự, ổn định”, Kurht cho biết.

G8 thành G7 chống lại Nga

Thực tế khá trái ngược với niềm tin phổ biến hiện nay. “Không ai có thể ‘đình chỉ’ Nga hay loại bỏ họ khỏi hàng loạt sự trao đổi và các mạng lưới không chính thức”, TS Andrew Baker, chuyên gia về vai trò quản lý các nhóm G tại Đại học Queen's Belfast nói.

"Nga không vi phạm bất kỳ quy định chính thức nào trong văn bản của nhóm. Và Nga hiện ở ghế chủ tịch. Những gì xảy ra một cách hiệu quả là G7 sẽ tự làm những gì của họ, nhưng điều này hoàn toàn là một quyết định tùy hứng”.

Đức, nước chủ tịch tiếp theo vào năm 2015 có thể quyết định cấm Nga góp phần và Mỹ cũng có thể phủ quyết sự tham dự của họ.

G8 không còn là “diễn đàn chính sách tối ưu”, Baker nói. "G20 nắm giữ điều đó, và Nga nằm trong G20. Do phạm vi của các quốc gia G20 mà khó có thể loại trừ Nga. Quan hệ giữa G7 và Nga có thể trở nên băng giá”.

Thái An (theo huffingtonpost)