Bill Clinton thấy ông lạnh lùng và đáng lo ngại, nhưng dự đoán ông sẽ là một lãnh đạo cứng rắn và có khả năng. George W. Bush muốn ông trở thành bạn bè và đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng ngày càng vỡ mộng. Barack Obama thì cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với ông, nhưng mối quan hệ song phương Nga - Mỹ ngày càng xấu đi và hiện ở đỉnh điểm tồi tệ từ khi chiến tranh Lạnh chấm dứt.


Suốt 15 năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến các đời tổng thống Mỹ bối rối và bực dọc khi họ cố gắng đánh giá ông nhưng càng làm càng sai. Ông thách thức các giả định và cự tuyệt các nỗ lực xây dựng tình bạn của họ. Ông tranh luận với họ, thuyết giảng, đánh lừa họ, cáo buộc họ, khiến họ phải chờ đợi, đồn đoán…

{keywords}
Ảnh: Nytimes

Mỗi người trong số ba tổng thống Mỹ kể trên đều cố gắng có cách riêng để tạo dựng một mốc lịch sử, nếu không nói là mối quan hệ mới với Nga. Nhưng nỗ lực của họ đều tan vỡ vì một bậc thầy võ thuật và một cựu đại tá KGB. Họ hình dung ông là một điều gì đó mà ông không phải. Họ nhìn ông bằng ống kính của riêng họ, tin rằng ông nhìn nhận các lợi ích Nga như họ nghĩ ông nên như thế.

Và cuối cùng, họ khó có thể tưởng tượng rằng họ đã không thể thay đổi việc Putin tiếp quản Crưm bất chấp hàng loạt biện pháp cấm vận. Để rồi đây, khi lực lượng Nga hiện diện ngập tràn khu vực biên giới giáp Ukraina, một cuộc tranh luận đã nổ ra về việc nên hay không chuyển từ cách làm việc sang đối đầu với ông như thế nào.

“Ông ấy tự mình công khai bản thân”, Tom Donilon, nguyên là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Obama nói. “Rằng đó là người bạn phải đối phó”.

Nhìn lại, mọi trợ lý của ba người đều có đánh giá tương tự: Tổng thống của họ không ngây thơ về Putin, nhìn nhận ông đúng như những gì ông là thế, nhưng cảm thấy rằng có rất ít chọn lựa ngoài việc cố gắng thiết lập mối quan hệ tốt hơn. Có thể một số chính sách của họ đã làm ảnh hưởng tới cơ hội ấy khi khiến Putin bất bình hơn như mở rộng NATO, chiến tranh Iraq và Libya nhưng cuối cùng, họ vẫn thừa nhận, họ đang đối phó với một lãnh đạo Nga cơ bản là bất hoà với phương Tây.

“Tôi biết có một số chỉ trích rằng nỗ lực thiết lập lại (reset) quan hệ là khờ dại”, Donilon nói. Ông sử dụng cụm từ nói về chính sách của chính quyền Obama. “Nó là vì những lợi ích của Mỹ”.

Một số chuyên gia cho rằng, ông Obama và hai người tiền nhiệm đã chứng kiến những gì họ muốn thấy. “Phương Tây tập trung vào quan điểm Putin là người thực dụng, thực tế, người sẽ hợp tác với chúng tôi bất cứ khi nào thấy lợi ích chung”, James M. Goldgeier, trưởng khoa nghiên cứu quốc tế Đại học Mỹ nhấn mạnh.

Theo Eric S. Edelman, Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời Bush, các nhà lãnh đạo Mỹ đã đánh giá quá cao khả năng của họ trong việc xoa dịu nỗi bất mãn của Putin với phương Tây. Để rồi sau 15 năm, không ai ở Washington còn nghĩ Putin là một đối tác. “Ông ấy đi ngủ với suy nghĩ của Peter Đại đế và thức giấc với tư duy của Stalin”, nghị sĩ Cộng hoà Mike Rogers - Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện nói. “Chúng ta cần hiểu ông ấy là ai và những gì ông muốn”.

Bush vỡ mộng

Clinton là vị tổng thống đầu tiên chạm trán với Putin cho dù không phải trong thời gian dài. Ông dành phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của mình để xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với Tổng thống Boris Yeltsin, người tiền nhiệm của ông Putin và tin tưởng vào việc chọn lựa người kế nhiệm trở thành Thủ tướng Nga năm 1999, sau đó là Tổng thống.

“Tôi ra khỏi cuộc họp và tin rằng, Yeltsin đã chọn một người kế nhiệm có đủ khả năng, kỹ năng để làm những công việc cần thiết, quản lý sự hỗn loạn chính trị cũng như đời sống kinh tế nước Nga tốt hơn Yeltsin có thể”, Clinton viết trong hồi ký. Khi chọn lựa Putin được phê chuẩn trong cuộc bầu cử tháng 3/2000, ông Clinton đã gọi điện chúc mừng ông và như sau này ông viết “gác điện thoại là tôi nghĩ ông ấy đủ cứng rắn để nối kết nước Nga”.

Tuy nhiên, bản thân Clinton cũng lo lắng vì sự cứng rắn ấy. Ông thúc giục Yeltsin “trông nom” người kế nhiệm. Clinton cũng cảm thấy bị gạt sang lề khi Putin dường như thờ ơ trong việc hợp tác với một Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm.

Tuy nhiên, đó là thời điểm Putin nhanh chóng cải tổ hệ thống thuế, đất đai và luật pháp Nga. Như Strobe Talbott, Thứ trưởng Ngoại giao thời Clinton đánh giá, Putin “đủ trẻ, đủ khéo léo và đủ thực tế để hiểu rằng, nước Nga đang diễn ra quá trình dịch chuyển cần thiết mà ông cần phải thúc đẩy nó”.

Bush nhậm chức với sự hoài nghi về Putin, gọi ông là “kẻ lạnh lùng” và có cuộc gặp đầu tiên với Putin tại Slovenia tháng 6/2001. Putin đã tạo sự kết nối với Bush bằng một câu chuyện về đức tin. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục. Phó tổng thống Dick Cheney khi ấy đã nói rằng, lúc ông gặp Putin “Tôi nghĩ K.G.B., K.G.B., K.G.B”. Nhưng ông Bush đã quả quyết xoá nhoà sự chia cắt lịch sử và “ve vãn” Putin khi lãnh đạo Nga thăm trại David cũng như trang trại Texas của Bush.

Putin thích nói rằng, ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện cho ông Bush sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 và ông cho phép quân đội Mỹ vào Trung Á như một cơ sở hoạt động cho cuộc chiến ở Afghanistan.

Nhưng Putin lại không cảm thấy Bush đáp lại, quan hệ hai bên trở nên căng thẳng vì cuộc chiến Iraq và cách Kremlin đối phó với người bất đồng chính kiến ở Nga. Vào nhiệm kỳ thứ hai của Bush, hai bên tranh cãi về nền dân chủ Nga, và lên tới đỉnh điểm trong một cuộc gặp tại Slovakia năm 2005.

“Nó như cuộc tranh cãi thời trung học vậy”, Bush phàn nàn với Thủ tướng Anh Tony Blair. Sự thất vọng của ông về Putin gia tăng hơn nữa vào một năm sau đó. “Ông ấy không thạo tin”, Bush nói với Thủ tướng Đan Mạch năm 2006. “Giống như tranh cãi với học sinh lớp 8 về những lập luận sai lầm của mình”.

Ít tuần sau, Bush nói với một nhà lãnh đạo khác về Putin rằng: “Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã mất ông ấy”.

* Còn tiếp

Thái An (theo Nytimes)