- Trao đổi với báo chí bên hành lang QH chiều 6/11, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền nhận định, cơ quan điều tra ở Việt Nam được coi là một trong cơ quan giỏi nhất thế giới do phá án dựa vào nhân dân.

Trong vụ oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn, có người cho rằng do năng lực của cơ quan điều tra hạn chế. Quan điểm của ông thế nào?

{keywords}
ĐB Nguyễn Đình Quyền: Trách nhiệm trong vụ xử oan sai ông Nguyễn Thanh Chấn liên quan đến hai yếu tố: quá tự tin và cẩu thả. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thực ra, điều tra ở Việt Nam được coi là một trong những cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Khóa trước, tôi có đi cùng chủ nhiệm UB Tư pháp sang làm việc gần một tuần với FBI, rõ ràng khả năng phá án của Việt Nam rất giỏi, đặc biệt là các án về an ninh quốc gia, về giết người cướp của. Bởi vì, cuộc phòng chống tội phạm của chúng ta dựa vào nhân dân.

Tuy nhiên, ở đâu đó năng lực vẫn còn thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là thế hệ chuyển giao. Còn thế hệ trước vô cùng giỏi. Thế hệ trẻ tuy được đào tạo nhiều hơn nhưng kinh nghiệm còn thiếu, khi đánh giá chứng cứ không tổng quát được. Các điều tra viên còn thiếu kinh nghiệm nhất định.

Quy trách nhiệm như thế nào trong vụ oan sai 10 năm, thưa ông?

Tất cả các cấp đều phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Trách nhiệm liên quan đến hai yếu tố: quá tự tin và cẩu thả.

Anh cho rằng anh có kinh nghiệm xét xử và các tình tiết đó anh phán quyết như thế là đúng rồi nhưng trạng thái thì ít. Trước đây có những thẩm phán rất giỏi, vô cùng tin vào khả năng của mình. Còn ở vụ này, năng lực yếu và trách nhiệm chưa cao.

Năng lực ở đây là năng lực về quá trình xét xử, quá trình đánh giá chứng cứ, niềm tin là quá yếu. Bởi vì, nó như bài văn, mọi việc phải logic, thống nhất, đặc biệt trong xét xử, hệ thống nguồn chứng cứ, đánh giá chứng cứ phải khớp với nhau. Rất nhiều vụ án, chỉ một cái nhỏ thôi không khớp cũng phải điều tra lật lại từ đầu. Anh không lật lại cố tình cho qua, nó sẽ gây ra oan sai.

Đôi khi người ta cũng ỷ lại án tại hồ sơ, cứ tin các giai đoạn trước người ta làm đúng rồi.

Bài học lớn nhất rút ra sau vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn là gì, thưa ông?

Đó là bài học về thiết chế kiểm soát. Ví dụ, khi ông điều tra viên tiến hành điều tra, ông thủ trưởng cơ quan phải thường xuyên xem xét, đánh giá ông điều tra viên. Viện kiểm sát thường xuyên kiểm soát hoạt động tư pháp của điều tra viên và ông thủ trưởng cơ quan điều tra. Trong quá trình thực hành công tố, ông công tố lại có quyền kiểm soát lại. Tức là tất cả những thiết chế kiển sát lẫn nhau mà bộ luật Tố tụng hình sự đã đặt ra là phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Nếu thiết chế đó buông lỏng là có sơ suất xảy ra.

Có ý kiến cho rằng, từ vụ oan sai 10 năm đang kéo lùi kết quả cố gắng về cải cách tư pháp trong nhiều năm qua. Ý kiến của ông?

Vụ oan sai này, nói như Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang là rất đáng tiếc. Nhưng phải nhìn trên tổng thể, không thể lấy một vụ cá biệt để đánh giá cả quá trình cải cách tư pháp.

Cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam ai cũng nói, dân chủ hơn, công khai hơn, minh bạch hơn, chặt chẽ hơn và vì quyền con người hơn. Ở đâu đó còn có những vụ việc còn vi phạm, đó là trách nhiệm chưa được tăng cường đúng mức.

Ở các nước, khi hỏi cung cơ quan chức năng lắp đặt thiết bị camara để giám sát. Ở Việt Nam đã bao giờ đặt ra chuyện đó chưa, thưa ông?

Khó, bởi vì trong tố tụng Việt Nam, luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn tạm giữ, và trong quá trình hỏi cung luật sư được tham gia.

Vấn đề là vai trò luật sư trong tiến hành tố tụng phải được nâng cao. Đồng thời, phía cơ quan công quyền, cơ quan điều tra phải tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền của mình trong việc bảo vệ thân chủ.

Hiện nay, trong trại tạm giam, tạm giữ luôn có bàn ghế cho luật sư ngồi. Chúng tôi đi giám sát luôn đặt câu hỏi, chỗ ngồi luật sư ở đâu và khi hỏi cung có luật sư tham gia không.

Những năm gần đây, báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy án oan càng ngày càng giảm. Khi giám sát, ông thấy nguyên nhân án oan giảm do chủ quan và khách quan như thế nào?

Về khách quan, hoạt động tố tụng hiện nay dân chủ và công khai. Trong thế giới phẳng thế này, rõ ràng chỉ một thông tin thôi là nó lan truyền. Một nguyên nhân quan trọng nữa, vai trò trách nhiệm của các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… được nâng cao. Cùng với việc này, quá trình tố tụng chặt chẽ nên đã giảm được oan sai.

Nhưng cái thiếu, thế hệ trẻ kinh nghiệm còn yếu. Xét xử đòi hỏi kinh nghiệm rất lớn, đặc biệt là kinh nghiệm phán đoán. Muốn có nhiều kinh nghiệm phải được hành nghề nhiều.

Theo kết quả giám sát gần đây của UB Tư pháp, tỷ lệ oan sai là bao nhiêu, thưa ông?

Rất thấp. Án phải sửa về hình sự là ít nhất trong các loại án. Tôi không nhớ con số cụ thể, nhưng chỉ không phẩy mấy phần trăm gì đó.

Tá Lâm ghi