- "Để xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện, trước hết phải xác định trách nhiệm chủ đầu tư và các bên liên quan, trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước... Trách nhiệm đến đâu phải xử lý đến đó", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng nay 13/6.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2, thuộc lưu vực sông Pô Cô, Bộ Xây dựng đã cử ngay cán bộ của Cục Giám định chất lượng nhà nước vào tận nơi để nắm tình hình và bước đầu xác định nguyên nhân.

Kết quả ban đầu là gì thưa Bộ trưởng?

- Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do chỗ tiếp giáp. Đây là một đập đất nên nới tiếp giáp với cống dẫn dòng, một bên là bê tông cứng, một bên là đất mềm nên rất dễ xảy ra thấm. Khi có việc thấm nước tại đó mà không được kiểm soát tốt thì đất bên trong sẽ bị mơi ra ngoài, tạo ra lỗ hổng kiểu hàm ếch và nó sẽ sụt xuống. Chưa đủ căn cứ để xác định chắc chắn. Nhưng có thể nói, đánh giá ban đầu là do bị thấm. Nguyên nhân bị thấm thì có thể từ rất nhiều hướng khác nhau.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Còn theo như phán đoán của lãnh đạo địa phương là trong sự cố này có vấn đề về lỗi sai sót kỹ thuật?

Ngay tại vị trí tiếp giáp cống dẫn dòng (mở bản báo cáo nhanh chỉ trên ảnh hiện trường. PV), chỗ tiếp giáp này, lẽ ra, trong quá trình thi công phải có chất sét rất tốt để bám rìa này nhưng khi thi công không tốt, không có sét hoặc lượng sét ít, không đủ sẽ gây ra úng suất cục bộ.  Khi đó, nước thấm vào, một bên cứng, một bên mềm sẽ tạo thành khe hở và đất trong thân đập tiếp tục bị moi ra, sụt xuống. Đập đất, tương tự như đê, không như đập bê tông xi măng. Vậy nên khi thấm đê người ta cũng phải có hướng xử lý đặc biệt.

Trữ lượng nước của hồ chứa này theo thiết kế là 8-10 triệu mét khối nước trong khi mới tích được 4-5 triệu (tức khoảng 50-60%) thì  đã xảy ra vấn đề?

-  Phải xét cụ thể về đập thủy điện này. Đây là một đập đất, đồng chất. Dung tích xấp xỉ 3 triệu m3 và dung tích chết xấp xỉ 5,9 triệu m3, công suất 5,5 MW, chiều cao đập 27 m. Công trình được xây dựng từ năm 2010, nằm trên lưu vực sông thuộc địa danh Pôkô.

Như vậy rõ ràng chất lượng công trình có vấn đề, tại sao không được kiểm tra sớm hơn thưa ông?

- Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình, thì Bộ xây dựng đã trình với Chính phủ ra nghị định số 15 về quản lý chất lượng công trình.

Thay vì giao toàn bộ cho chủ đầu tư như trước đây và chỉ tiến hành hậu kiểm như trước đây,  thì theo tinh thần nghị định mới này, chủ đầu tư vẫn là người quyết định. Nhưng ở khâu thẩm định thì chúng tôi yêu cầu phải tiến hành tiền kiểm ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật. Chịu trách nhiệm thẩm định sẽ là các cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước về xây dựng.

Với những công trình thủy điện thì ngành công thương phải chịu trách nhiệm chính.

Chẳng hạn, thủy điện Ia Krêl 2 này là công trình  thuộc loại cấp 3, như vậy Sở Công thương phải chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng công trình.

Vừa rồi Bộ công thương đã gửi báo cáo về kiểm tra an toàn hồ đập. Vậy công trình đập thủy điện này có nằm trong diện chưa được đảm bảo an toàn hay không?

- Đập thủy điện Ia Krel 2, này cũng thuộc diện phải được kiểm tra.

Vậy đến thời điểm này chủ đầu tư đã báo cáo gì về khắc phục sự cố?

- Vỡ đến mức như thế này thì việc khắc phục không thể làm ngay một lúc được, mà cần phải đánh giá tình hình, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và tìm biện pháp khắc phục.

Còn để xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của dân thì phải tập trung giải quyết khó khăn cho dân.

Trước mắt, đây là công trình thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên địa phương phải tập trung nguồn lực khắc phục sự cố. Còn Bộ xây dựng với trách nhiệm quản lý  nhà nước về chất lượng công trình thì phải đứng ra đánh giá chung tình hình, yêu cầu địa phương tìm hiểu rõ nguyên nhân.

Như Bộ trưởng vừa nói là trên là hiện nay mọi vấn đề giao cho chủ đầu tư, vậy nếu tới đây xác định đúng nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập là do chất lượng công trình thì việc xác định trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư hay còn có cơ quan quản lý nhà nước nào khác chịu chung trách nhiệm?

- Thứ nhất là xác định trách nhiệm chủ đầu tư, thứ hai là trách nhiệm của tư vấn thiết kế, rồi đơn vị thi công, giám sát.

Cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn cũng phải có trách nhiệm ở đây. Bởi vì anh phải kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình thực hiện công trình.

Thưa Bộ trưởng, trong những trường hợp xác định rõ nguyên nhân sai phạm như ở sự cố này thì hình thức xử lý là gì?

-  Việc này phải đợi xem xác định trách nhiệm cụ thể  như thế nào,  đến đâu. Trách nhiệm đến đâu phải xử lý đến đó.

  • Lê Nhung (ghi)