- Kỷ luật ngân sách luôn phải được đặt ra hàng đầu. Không lúc nào được phép buông lỏng - Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách nói.

Ngày 3/6, Chính phủ đã có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội khẳng định nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Trong đó, nợ công dưới 65% GDP, nợ Chính phủ dưới 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia dưới 50% GDP.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, sau gần 3 năm triển khai luật Quản lý nợ công, Chính phủ đã huy động được khối lượng vốn vay khoảng 690.910 tỷ đồng (năm 2010 là 208.957 tỷ đồng, 2011: 207.088 tỷ đồng, năm 2012 ước khoảng 264.865 tỷ đồng).

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, kỷ luật ngân sách phải được đặt lên hàng đầu, không được phép buông lỏng:

Vấn đề của nợ công không phải là cao hay thấp mà phải tính đến khả năng trả nợ của chúng ta. Cho nên nhiều quốc gia có thể nợ đến 200% GDP, người ta không làm sao cả bởi nền tài chính của người ta như thế. Có những quốc gia nợ công chỉ nằm trong khoảng 60-70% GDP thôi nhưng mà đã thấy là khó khăn lắm rồi.

Trong báo cáo, Chính phủ có khẳng định lãi suất ân hạn của những khoản vay đang nằm trong ngưỡng an toàn. Nhưng với những đề xuất mới đây của QH đã có một vài phương án khác. Theo ông, cần phải xử lý chính sách tài khóa như thế nào để đảm bảo không bị đe dọa đến khung an toàn?

Trước hết, phải xem lại cơ cấu nợ của ta như thế nào. Trước đây, chúng ta là một nước kinh tế - xã hội còn kém phát triển thì những khoản vay nước ngoài bao giờ cũng được ưu ái hơn về thời gian vay, lãi suất vay và thời gian ân hạn.

Bây giờ chúng ta đã trở thành nước đang phát triển, GDP trên đầu người vượt quá ngưỡng 1.000 USD, thì những cơ chế ưu đãi đó sẽ khó khăn hơn.

Chính vì thế, bây giờ vay sẽ khó khăn hơn, thời gian ân hạn lãi suất không được như trước nữa. Chúng ta phải thận trọng hơn khi vay. Khi vay rồi chúng ta tính câu chuyện đầu tư vào đâu cho hiệu quả để kích thích nền kinh tế và phải tính đến yếu tố trả nợ nữa.

{keywords}
Ông Phùng Quốc Hiển: Chúng ta phải thận trọng hơn khi vay. Ảnh: Minh Thăng.

Nhiều đại biểu QH lo lắng vấn đề kỷ luật ngân sách. Đang có ý kiến nên đưa vào một chỉ tiêu để đánh giá lấy phiếu tín nhiệm. Theo ông, trong thời gian tới, vấn đề này cần được xử lý ra sao?

Kỷ luật ngân sách luôn luôn phải được đặt ra hàng đầu. Bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn nào chúng ta đều đặt ra vấn đề kỷ luật ngân sách, không lúc nào được phép buông lỏng chuyện đó.

Rõ ràng, kỷ luật tài chính của chúng ta trong thời gian qua chưa được chặt chẽ lắm, có những biểu hiện buông lỏng và có những thắc mắc của các đại biểu. Các báo cáo đã đánh giá như vậy. Cho nên phải tăng cường kiểm tra tài chính.

Chúng ta phải thực hiện theo luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Những anh nào làm sai hoặc chi vượt chế độ, định mức không đúng qui định thì phải có những biện pháp xử lý như bồi thường hoặc thu hồi…

Vừa rồi, các tập đoàn được bảo lãnh để vay nợ sử dụng tỏ ra không hiệu quả. Vậy sắp tới đây chúng ta phải có biện pháp gì?

Tăng cường quản lý và giám sát. Các khoản cho vay đó, đầu tư thế nào thì người ta đăng hẳn trên website, thậm chí công bố từng năm một số nợ công là bao nhiêu. Tuy nhiên, ta phải căn cứ vào số liệu của Bộ Tài chính và Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm về số liệu này.

  • Tá Lâm (ghi)