Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, cần nêu rõ cơ sở, lý lẽ, có sự lập luận chặt chẽ. Đối với những ý kiến chưa tiếp thu cần có sự giải trình, trong đó nêu rõ lý do, cơ sở.

{keywords}
Ảnh: TTXVN

Ngày 3/4, tại Hà Nội, phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được tiếp thu chỉnh lý bước đầu theo ý kiến góp ý của nhân dân.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong thời gian qua, nhân dân cả nước với tinh thần trách nhiệm cao đã thể hiện ý chí của mình tham gia đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Công việc của Ban biên tập là phải tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân, trên cơ sở đó tiếp thu các ý kiến đóng góp.

Ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, cần nêu rõ cơ sở, lý lẽ, có sự lập luận chặt chẽ. Đối với những ý kiến chưa tiếp thu cần có sự giải trình, trong đó nêu rõ lý do, cơ sở.

Trên cơ sở tiếp thu trung thực ý kiến của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu những nội dung hay, tốt, có sở sở khoa học, phù hợp với thực tiễn cần được tiếp thu tối đa, chọn lọc khoa học để chắt lọc tinh hoa trí tuệ của nhân dân đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ông nêu rõ, kể từ sau ngày 31/3 vừa qua cho đến thời điểm 30/4 tới và cho đến 30/9 năm nay, trước khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được trình Quốc hội thông qua, nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến.

Các cơ quan, tổ chức, địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của nhân dân và gửi về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến góp ý của nhân dân sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tại phiên họp, các thành viên Ban biên tập đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được Thường trực Ban biên tập tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của nhân dân.

Theo TTXVN