- GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định Đảng với dân là thống nhất, phủ nhận Đảng tức là phủ nhận vai trò của dân. Vì dân mà phải bảo vệ Đảng, phải hiến định điều 4.

Chiều 7/3, báo Quân đội nhân dân tổ chức tọa đàm góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với trọng tâm là bàn về điều 4.

Một trong những mục tiêu của buổi tọa đàm là đưa ra những quan điểm phản bác nhằm đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong việc lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tồn tại hợp hiến, hợp pháp

Hầu hết đại biểu đều viện dẫn các luận cứ lịch sử để khẳng định vai trò của Đảng. Việc hiến định điều 4 được cho là phù hợp ý chí nguyện vọng, khát vọng của nhân dân.

GS.TS Hoàng Chí Bảo, ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ giải thích, mọi khác biệt về tư tưởng cũng nên coi là bình thường trong tiến trình dân chủ hiện nay. Quan trọng là xuất phát từ động cơ chính trị, động cơ đạo đức gì, vì xây dựng, kiến tạo hay phá hoại.

Ông Hoàng Chí Bảo: Điều 4 lần này đã hiến định địa vị pháp lý của Đảng một cách rõ ràng, thuận lòng dân

Có hai nguyên nhân, theo ông Bảo, một là do không hiểu biết, chưa đủ thông tin hoặc do nhận thức chưa đầy đủ nên đưa ra những kiến nghị không chính xác. Nhưng cũng không loại trừ sự phủ nhận một cách có ý thức.

Ông Bảo cho rằng, nếu Đảng thực sự vững mạnh, trong sạch thì tự thân việc củng cố sức mạnh không cần phải bàn. Song, trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức thì lại mở ra cơ hội cho những luồng tư tưởng xấu phủ nhận vai trò và hạ uy tín của Đảng.

“Tuy nhiên, Đảng với nhân dân là thống nhất, với nhà nước là thống nhất. Phủ nhận vai trò của Đảng tức là phủ nhận vai trò của nhân dân, phủ nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phương hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc. Phương hại đến quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của nhân dân. Vì bảo vệ dân mà phải bảo vệ Đảng. Vì bảo vệ dân mà phải hiến định nó”, ông Bảo khẳng định.

Ông Hoàng Chí Bảo cũng đưa ra hàng loạt luận cứ mang tính lịch sử về vai trò lãnh đạo tất yếu của Đảng. Theo đó, việc tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng chính là nhằm khẳng định tính chính đáng của Đảng về mặt địa vị pháp lý, cũng là gắn trách nhiệm pháp lý chính trị của Đảng với nhân dân và xã hội.

Không những thế, Đảng còn có đầy đủ phẩm chất đạo đức xứng đáng cho lực lượng cầm quyền thông qua đánh giá của nhân dân và lịch sử. “Sự tồn tại của Đảng là sự tồn tại hợp hiến, hợp pháp”, ông Bảo khẳng định.

“Điều 4 lần này đã hiến định địa vị pháp lý của Đảng một cách rõ ràng, thuận lòng dân và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại”, ông Bảo kết luận.

Trung tướng, TS Nguyễn Tiến Bình, nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng bổ sung, nguyên nhân của việc xuất hiện các luồng tư tưởng kích động, chống đối cũng một phần do những yếu kém và sai lầm của bộ máy cầm quyền. Đó là tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, bộ máy lãnh đạo đang để nhóm lợi ích chi phối… Tất cả gây rạn vỡ niềm tin trong dân với đảng cầm quyền.

Không nên chỉ chịu trách nhiệm chính trị

Theo các đại biểu, cách tốt nhất để phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính là Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy dân chủ. Bởi chỉ có làm cho Đảng mạnh, trong sạch mới là con đường bền vững.

Theo các đại biểu, cách tốt nhất để phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính là Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy dân chủ

Trung tướng Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh, Đảng phải thể hiện tính tiền phong trong việc đưa đất nước phát triển. Thời gian tới, cần củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, việc quản lý nhà nước phải bằng pháp luật, kể cả Đảng cũng phải tuân theo pháp luật.

“Tôi đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc: Đảng cầm quyền, dân làm chủ. Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Đảng lãnh đạo chính quyền là để củng cố quyền làm chủ của dân, mọi quyền lực phải thuộc về dân. Trái với nguyên tắc này thì Đảng sẽ thoái hóa, biến chất, đối lập với dân, đứng trên dân còn đảng viên sẽ thành quan cách mạng, vinh thân phì gia”, ông Cư nhắc nhở.

Ông Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nhân quyền, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đề xuất, cần nhất là phát huy dân chủ trong Đảng. Có nhiều cách để hiện thực hóa nguyên tắc này.

Chẳng hạn, các cuộc bầu cử phải có số dư, Tổng bí thư hay ủy viên Bộ Chính trị cũng đều phải có số dư.

Mặt khác, cần nâng cao vai trò của Ủy ban Kiểm tra TƯ, hiện nay tương ứng với một ban đảng, nhưng muốn xử lý vấn đề gì đều do Bộ Chính trị quyết định. Trong khi đó, ủy ban này phải được kiểm tra từ cấp cao nhất cho đến các ủy viên Bộ Chính trị. Cũng theo ông Thái, cần nâng cấp điều lệ Đảng thành luật. Bởi Đảng cần phải chịu trách nhiệm pháp lý về các quyết định của mình thay vì trách nhiệm chính trị như lâu nay.

Một đề xuất khác, đó là hợp nhất chức danh bên chính quyền với chức vụ trong Đảng.

Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Tiến Bình, nguyên chính ủy Học viện Quốc phòng bổ sung thêm, chính bản lĩnh, dũng khí và sự gương mẫu của người đứng đầu có ý nghĩa ảnh hưởng trực tiếp đến an nguy của đất nước. 

“Vừa qua xuất hiện tình trạng nhiều người đứng đầu do bản lĩnh kém và không gương mẫu, lại lạm dụng quyền lực và thủ đoạn để làm giàu. Người dân suy giảm lòng tin với Đảng… Trong khi đó, cốt lõi nhất phải là Đảng phải thực sự vì dân”, ông Bình nói.

Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng