- Trong bối cảnh điều 4 Hiến pháp đang được thảo luận rộng rãi như hiện nay, việc xây dựng luật về Đảng càng phải được xúc tiến. Ghi nhận bên hành lang hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuần trước tại Hà Nội.

Nguyên Phó Tổng thư ký UB TƯ MTTQ Việt Nam Lê Quang Vịnh:
Để như bây giờ là chậm quá

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã bổ sung một nội dung trong điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng, đó là việc thiết kế thêm khoản 2, quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Ông có ý kiến gì về điểm mới này?

- Khi góp ý cho Hiến pháp 1992 sửa đổi, đa số ý kiến đề nghị giữ điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng song cũng có những ý kiến đề nghị bổ sung.

Ông Lê Quang Vịnh: Không xúc tiến xây dựng luật thì sẽ chỉ là khẩu hiệu, mệnh lệnh

Quan điểm của tôi là phải giữ điều 4, nhưng nên kèm theo điều kiện và đưa ra những bổ sung cần thiết để khắc phục  những hạn chế trong thời gian vừa qua.

Thực tế như Nghị quyết TƯ 4 đã đề cập, hiện trong Đảng vẫn tồn tại một khoảng trống quyền lực chưa được giám sát kịp thời, dễ sinh ra chuyện lạm quyền.

Dự thảo sửa đổi lần này có bổ sung thêm khoản 2 như trên là cần thiết song vẫn còn chưa đủ vì chưa rõ cơ chế cho nhân dân giám sát. Theo tôi, cần tạo ra một khuôn khổ pháp luật, đó là xây dựng luật về Đảng.

Trong bộ máy hiện vẫn tồn tại một số cơ quan kiểm tra, giám sát. Song ở cấp cao nhất trong cơ quan Đảng vẫn còn lại khoảng trống quyền lực chưa được giám sát. Những người có chức có quyền đã vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm làm lu mờ đi lợi ích chung.

Do đó, các luồng ý kiến mới đưa ra đề xuất ủng hộ phải có được luật về sự lãnh đạo của Đảng. Nếu chỉ nói về chuyện tổ chức Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân song không xúc tiến để ban hành luật thì sẽ chỉ là khẩu hiệu, là mệnh lệnh mà thôi. Hiệu lực của Hiến pháp sẽ chỉ được thực thi khi luật ra đời.

Cần làm sớm, làm nhanh chứ để như bây giờ thì chậm quá.

Nguyên Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền:
Cần khơi lại câu chuyện luật về Đảng

Lâu nay Đảng vẫn nói Đảng vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Nhưng đã đến lúc phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng để bảo đảm mọi hoạt động của anh có cơ sở pháp lý, đồng thời để cho việc thực hiện những quyền giám sát, phản biện của nhân dân có nền tảng cơ sở rõ ràng. Theo tôi, khi người dân đang thảo luận về điều 4 Hiến pháp một cách rộng rãi như thế này càng chứng tỏ phải sớm có luật về Đảng.


Dự thảo đã bổ sung thêm khoản 2 về việc tổ chức đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, tức là cũng mở ra một hướng để xây dựng luật về Đảng. Tôi mong rằng đây sẽ là cơ sở, tiền đề để sau khi thông qua Hiến pháp sẽ bắt tay vào xây dựng luật. Chuyện này vốn đã được nói đến từ rất lâu nhưng rồi lại rơi vào im lặng. Bây giờ, nhân cơ hội bàn sửa Hiến pháp theo tôi cần phải khơi lại.

Rõ ràng, trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền, mọi tổ chức, cá nhân không ai có thể đứng ngoài pháp luật. Việc xây dựng luật về Đảng cũng nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đảm bảo cơ sở cho sự lãnh đạo của Đảng phải gắn với luật pháp, với sự giám sát của dân. Đây là thời điểm phù hợp và chín muồi để soạn thảo và ban hành luật về Đảng.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc:
Sớm xây dựng luật về phản biện xã hội

Vấn đề xây dựng luật về Đảng đến nay nhắc lại không còn là chuyện mới. Từ thời đồng chí Lê Quang Đạo còn là Bí thư TƯ Đảng, là Chủ tịch Quốc hội cũng như khi chuyển sang làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thì vẫn kiên trì đề xuất nên xây dựng luật về Đảng.


Năm 1993, khi chúng tôi soạn nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, vấn đề soạn luật về Đảng cũng đã được đặt ra trong Bộ Chính trị nhưng rồi từ đó đến nay vì nhiều lý do vẫn chưa ra đời.

Theo quan điểm của tôi, nếu không có luật về Đảng thì hiện tượng thoái hóa biến chất trong Đảng không thể đẩy lùi. Đây cũng là câu chuyện đã được đặt ra suốt từ Đại hội Đảng 6 (năm 1986) cho đến nay.

Cùng với xây dựng luật về Đảng, cần bắt tay làm luật về phản biện xã hội nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân và tổ chức Đảng cũng phải được dân giám sát như giám sát các cơ quan, tổ chức khác.

Tất cả những vấn đề này cần được bắt tay vào làm ngay khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua. Đây là thời điểm phù hợp. Bởi sang năm chúng ta sẽ phải chuẩn bị xây dựng đề cương cho Đại hội Đảng lần thứ 12.

Lê Nhung - nh: Minh Thăng

Mời bạn đọc theo dõi các bài viết về Hiến pháp tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/sua-hien-phap/

Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin gửi về banchinhtri@vietnamnet.vn