- Nhưng, xin hãy bàn rộng ra, không chỉ những giọt nước mắt của những người đang bị luận tội và khép tội. Nước mắt gợi Nước mắt. Từ nước mắt đến Nước mắt. 

Mấy hôm nay, nơi công sở, quán cà phê, mạng xã hội, người ta chưa thôi bàn tán về câu chuyện giọt nước mắt của các bị cáo trong phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm.

Có người nói, đó là giọt nước mắt biết sợ, thường bắt gặp ở nhiều phiên toà, khi bị cáo nghĩ tới bản án nặng ký mà hội đồng xử án sẽ tuyên. “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Đó là chuyện bình thường. Ở vụ án này, có bị cáo còn bộc lộ tâm trạng sợ hãi phải làm “ma trong tù”, khao khát được làm “ma tự do”...

Có người nhận xét, đó là nước mắt uất nghẹn không thể nuốt vào trong của bị cáo “yếu nhân”, từng ở những đỉnh cao quyền lực, một đời phán xét thiên hạ, giờ cúi đầu để thiên hạ phán xét, luận tội. Âu đó cũng là chuyện thường tình. “Làm thần nơi nọ, đứng xó nơi kia”. “Thời đã thế thế thời phải thế”.

Cũng có người nói, đó là nước mắt hối hận của những người từng được Đảng tin Dân mến, nhưng đã gây bao chuyện sóng gió bẽ bàng, khiến phụ lòng Đảng, cạn tình Dân. Giọt nước mắt như thế, quá muộn màng, vừa đáng giận mà cũng đáng thương.

{keywords}
Hình ảnh ông Đinh La Thăng trước tòa. Ảnh: TTXVN

Có người nhìn sâu xa hơn, từ nước mắt của bị cáo từng là lãnh đạo, thấy nỗi ân hận của họ, khi vì họ mà bao người từng là đồng chí, đồng nghiệp trở thành đồng phạm, vướng vào lao lý, kéo theo bao hệ lụy không chút ngọt ngào cho gia đình,người thân, dòng họ mỗi người. Đấy là giọt nước mắt có thể chấp nhận được, dù rất đáng trách.

Lại cũng có người cho rằng, giọt nước mắt của các bị cáo biểu hiện thái độ phản ứng vì cảm thấy bị luận tội oan, kết tội nặng; vì họ có công hơn là có tội... Không hiếm người đã cảm thương, khóc cùng; không hiếm người ngợi ca bị cáo như người anh hùng...

Con người, trước mỗi biến thiên thế sự, khi gặp tâm trạng ái, ố, hỉ, nộ còn được trào dâng nước mắt, như thế còn được là con người. Trừ khi là thứ nước mắt “khóc mướn thương vay”, “nước mắt cá sấu”, còn lại, rất đáng trân trọng.

Vào lúc phiên toà xét xử đại án “cố ý làm trái” và “tham ô tài sản” chưa kết thúc, công chúng luận bàn về nước mắt bị cáo, cũng là điều hay.

Nhưng, xin hãy bàn rộng ra, không chỉ những giọt nước mắt của những người đang bị pháp luật luận tội và khép tội. Nước mắt gợi nước mắt. Từ nước mắt đến nước mắt...

Những vụ đại án được đưa ra xét xử trong mấy năm qua, hầu hết ở lĩnh vực tài chính ngân hàng và tập đoàn kinh tế Nhà nước. Một nơi, cái “kho tiền”, một nơi, “cỗ máy tiêu tiền”, đều có những sai phạm kinh hoàng. Đồng tiền chắt chiu dành cho phát triển phút chốc tiêu tán. Những bị cáo trong các vụ án này sử dụng đồng tiền của dân cứ như tiền từ trên trời rơi xuống. Trăm tỉ, ngàn tỉ từ công quỹ, ngân sách, tiền của dân, qua họ, biến thành tiền chùa, cơ hội cho kẻ tham ô, tham nhũng, chia chác, quà cáp...Trong khi đó, bao nhiêu dự án dở dang, thua lỗ, trễ hẹn, đội vốn, bao nhiêu dự án có nguy cơ mất vốn?

Hãy nhìn vào nước mắt của người dân khi đồng tiền của mình bị nhóm lợi ích ăn cắp, phù phép thành thất thoát, lãng phí, để không phí hoài nước mắt cho chuyện không đâu.

Hãy chiêm nghiệm nước mắt từ rừng, từ biển, từ những trận siêu bão, siêu lũ, để đo công, định tội và định chế dòng nước mắt.

Hãy nhìn vào thực trạng nền kinh tế đất nước với nợ công, nợ xấu đang làm khó cho sự ổn định và phát triển, để thấy hậu quả và chủ nhân của lối làm ăn tuỳ tiện, tự tung tự tác một thời, để nhận ra ai anh hùng, ai tội đồ, ai đáng được nhận nước mắt giận, nước mắt thương.

Chắc chúng ta chưa quên hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi bế mạc hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, khoá XI, tháng 10 năm 2012. Khi nhắc đến những sai lầm, khuyết điểm của tập thể và cá nhân trong Đảng, khi nhắc đến những cái tên Vinashin, Vinalines...ông đã nghẹn ngào, đúng hơn, là uất nghẹn. Đấy là lúc người đứng đầu của Đảng muốn truyền thông điệp đến đồng chí, đồng bào về quyết tâm đấu tranh đến cùng loại trừ tiêu cực, tham nhũng, tình trạng tha hoá trong đội ngũ.

Lại nhớ câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ:

“Đất nước mình nghèo lắm, hỡi em yêu!

Cho đến giọt lệ của cha ông còn có ích với ta nhiều...”

Học tiền nhân, hãy nên là những giọt nước mắt có ích. 

Uông Ngọc Dậu

Xét xử các vụ đại án tham nhũng: “Cùng tắc biến, biến tắc thông"

Xét xử các vụ đại án tham nhũng: “Cùng tắc biến, biến tắc thông"

Khi người ta ăn hết của “trời cho”, “ăn không từ một thứ gì”, kể cả ăn cắp, thì nền kinh tế còn gì?

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Nghiêm khắc và nhân văn

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Nghiêm khắc và nhân văn

Nếu ai lợi dụng chức quyền để đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật thì trước sau cũng phải chịu sự phán xét nghiêm khắc của pháp luật.

Bản án dù nghiêm khắc nhất, chưa phải là hình phạt duy nhất

Bản án dù nghiêm khắc nhất, chưa phải là hình phạt duy nhất

Sau mỗi phiên toà xét xử vụ đại án “cố ý làm trái” hay “tham ô tài sản”, người ta thường quan tâm đến tổng số năm tù mà hội đồng xét xử tuyên cho từng bị cáo và các bị cáo. 

Muốn dân tin, hãy điểm rõ mặt ‘một bộ phận không nhỏ’

Muốn dân tin, hãy điểm rõ mặt ‘một bộ phận không nhỏ’

Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, câu hỏi những ai là thành viên trong cái “một bộ phận không nhỏ” suy thoái về đạo đức, lối sống được trả lời và điểm từng mặt, chỉ từng tên nhiều đến thế.   

Đâu chỉ là ông Đinh La Thăng?

Đâu chỉ là ông Đinh La Thăng?

Dư luận đừng quá ồn ào, cũng đừng hoan hỉ thái quá về việc ông Đinh La Thăng và một loạt nhân vật nguyên là quan chức lớn thuộc tập đoàn dầu khí lần lượt bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam.