Bộ phim truyền hình dài tập ‘Sống chung với mẹ chồng’ mới phát được những tập đầu tiên đã làm nóng các diễn đàn xã hội. 

Bộ phim đang hấp dẫn người xem bởi câu chuyện gần gũi, phần nào phản ánh chính cuộc sống trong nhiều gia đình. Câu chuyện xoay quanh một đôi trẻ yêu nhau, ngập tràn hạnh phúc. Đột nghiên mọi việc trở nên phức tạp khi họ quyết định cưới nhau. Lý do bởi mẹ chồng đã có những can thiệp thô bạo vào gần như mọi quyết định của họ. Từ chuyện mua nhẫn cưới thế nào, đến dùng chăn mền loại gì… đỉnh điểm là đêm tân hôn, bà mẹ xông vào la mắng con dâu té tát vì dám “cưỡi” lên con trai bà… Không dừng ở đó, rất nhiều tưởng chừng đơn giản những đã trở nên nặng nề trong mối quan hệ phức tạp giữa mẹ chồng-nàng dâu.

Dù ở vị trí nào: mẹ chồng hay con dâu đều có những tâm sự riêng, và đều tìm thấy chính mình ở một tình huống nào đó trong bộ phim đang chiếu trên VTV1.

Vì sao mối quan hệ gia đình này lúc nào cũng nhạy cảm, gay cấn không bao giờ có hồi kết như vậy? Tôi cho rằng một phần nguyên nhân từ truyền thống, và phần còn lại do chính những người trong cuộc.

Trong truyền thống gia đình lâu nay ở ta, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu luôn đan xen phức tạp. Nghĩa vụ con cái phải có trách nhiệm thờ phụng, hương khói sau này vẫn ăn sâu vào nhiều nếp nhà, gia tộc. Nhiều gia đình, bố mẹ chồng luôn tìm cách can thiệp hoặc giúp con cái quản lý tài sản, cho dù họ đã có gia đình riêng.

{keywords}
Sống chung với mẹ chồng, bộ phim đang gây sốt các diễn đàn xã hội

Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, luôn là tâm điểm tranh luận trong nhiều diễn đàn. Có lẽ vì vậy nên bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đang thu hút sự quan tâm của công luận. Mẹ chồng nào, cũng từng trải qua phận làm dâu, hẳn ít nhiều cũng trải nghiệm những khúc mắc khó nói. Sau đó một số mẹ khó tính thường có xu hướng áp lực lại với các cô con dâu của mình, nhiều trường hợp có khi còn hăng hái, nghiêm khắc hơn từ chuyện sinh con đến chuyện đi đứng nằm ngồi…

Người đàn ông – đối tượng hai người phụ nữ cạnh tranh tình yêu và sự chú ý – nhiều khi lâm vào bế tắc, và họ phải gồng lên giải quyết tình hình, đôi khi phải bằng bạo lực; và họ đều mệt mỏi.

Cách đây mấy năm, nữ MC Quỳnh Chi từng gây ồn ào khi về làm dâu đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền sau một đám cưới xa hoa nhiều siêu xe. Những tưởng cô sẽ may mắn hạnh phúc. Tuy nhiên sau đó một thời gian, cô lên báo chia sẻ hôn nhân tan vỡ và lý do là mâu thuẫn với mẹ chồng. Cô cho rằng bà Diệu Hiền can thiệp quá mức vào hôn nhân khiến cô không chịu nổi và phải đi khỏi nhà chồng. Chồng cô và bà Diệu Hiền sau đó ra nước ngoài sinh sống.

Trên thực tế, những câu chuyện như vậy không hiếm, mâu thuẫn gia đình xoay quanh mấy yếu tố chính:

Mâu thuẫn vị thế: do mức chi phí ở đô thị đắt đỏ, với đồng lương mới đi làm, nhiều cặp vợ chồng hầu như không thể đóng góp nhiều cho gia đình lớn. Có cặp phải “ăn bám” bố mẹ chồng. Vị thế và tiếng nói của cặp vợ chồng – đặc biệt người con dâu – bị giảm đáng kể. Cô không dám có chính kiến hay vị thế để thẳng thắn đàm phán những vấn đề mâu thuẫn với gia đình chồng, chỉ dám trút ấm ức đâu đó. Từ đây mâu thuẫn phát sinh.

Mâu thuẫn văn hóa: toàn cầu hóa, internet và thay đổi của thời đại đóng góp đáng kể vào tư duy của những người trẻ. Họ đồng thời vừa muốn độc lập tư tưởng, cái tôi lớn, đề cao khát vọng cá nhân; không muốn sống theo những phép tắc cũ mòn và có phần bảo thủ. Trong khi thế hệ cha mẹ chưa theo kịp tốc độ thay đổi này. Mâu thuẫn thế hệ nảy sinh.

Mâu thuẫn tư duy: một mặt, nhiều cặp vợ chồng trẻ coi việc gia đình là quyền của họ, lựa chọn của họ. Họ quyết định lập gia đình khi nào, với ai; những người này thường có tư duy và hành động độc lập. Tuy nhiên, nếp tư duy của thế hệ trước, và của chính xã hội gây áp lực cho họ. Từ việc “bố mẹ thèm cháu” đến “bạn bè lấy chồng/vợ hết rồi” dẫn đến những xung đột tư duy. Rất nhiều cuộc hôn nhân được gắn kết vội vàng, miễn cưỡng, và tan vỡ nhanh chóng.

Mâu thuẫn quyền lợi: Một mặt, các cô gái kêu ca cuộc sống làm dâu bị soi xét và mất tự do. Nhưng mặt khác, họ mong muốn lấy được người đàn ông gia đình khá giả, ít nhất có nhà cửa tài sản đầy đủ. Nhiều cô mong muốn dựa vào nhà chồng; bên cạnh hỗ trợ tài chính, họ còn muốn mẹ chồng giúp chăm sóc con cái. Ngược lại, không ít gia đình chồng tự thấy có quyền đòi hỏi người con dâu những nghĩa vụ đáp lại. Cả hai bên, vừa muốn quyền lợi cho mình, vừa khó chịu với sự phiền lụy căng thẳng từ mối quan hệ đó.

Ngoài ra, còn rất nhiều lý do khiến quan hệ gia đình này phức tạp, và dường như sẽ chẳng bao giờ có hồi kết. Chỉ có thể trong tương lai, những người phụ nữ sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng sống đầy đủ; được tạo cơ hội sự nghiệp tốt hơn. Họ sẽ có sự vững vàng cả về vị thế, kiến thức và kinh tế. Khi đó, họ độc lập quyết định về cuộc đời và hạnh phúc của họ.

Gia đình bên chồng – cũng như nhiều mối quan hệ khác – là yếu tố hỗ trợ và tương tác với hạnh phúc của hai người trẻ. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu lúc đó dù muốn dù không, cuộc sống cũng buộc phải thay đổi theo hướng văn minh tiến bộ.

Hoàng Hường