Có lẽ, mọi người đều đồng tình rằng hình ảnh người ăn xin là một minh chứng sống động cho sự kém phát triển, kém văn minh. Ở Việt Nam, hình như chỉ có một thành phố tại miền Trung là triệt tiêu được hoàn toàn vấn nạn ăn xin, trong khi các đô thị lớn như TPHCM cũng... bó tay. Nhưng tôi lại nghĩ rằng có khi nào dân ta đã quá khắt khe với người ta không, vì đi đâu tôi cũng thấy người ăn xin mà.

Có nhiều lý do và nhiều cách thức để... xin ăn. Ở nhiều nước trên thế giới, khái niệm “ăn xin” và “vô gia cư” là một. Nhưng cũng có khi người ăn xin vẫn có một chốn đi về, còn người vô gia cư thì không ăn xin. Và đâu phải cứ hễ nước nghèo mới có người ăn xin hay vô gia cư. Họ vẫn nhan nhản ở các quốc gia phát triển đấy thôi.

Hình thức ăn xin dễ thấy nhất ở các nước phát triển là “ăn xin nghệ thuật”. Người ăn xin đổ sức ra đánh trống, chơi nhạc, ca hát, hóa trang thành tượng để dọa cho người ta vui, để mời gọi người ta chụp ảnh với mình. Họ thu hút những ánh mắt hiếu kỳ trên phố. Một ngày của họ cũng như bất cứ người lao động thực thụ nào khác. Không những chăm chỉ, họ còn phải sáng tạo để đỡ nhàm chán và nhiều khi không tránh khỏi việc cạnh tranh với các “đồng nghiệp”. 

{keywords}

Một phụ nữ xin ăn trên đường vào điểm tham quan tượng chú bé tè (Manneken Pis)

Tôi đã từng thấy một “pho tượng” bạc ở đồi Montmartre cụp mắt xuống buồn xo và cả lườm nguýt “pho tượng” vàng gần đó vì du khách cứ xúm xít quanh “pho tượng” này. Tôi vẫn nhớ hình ảnh một thanh niên có mái tóc nâu xoăn ngồi chơi trống với gương mặt rầu rầu mà thánh thiện gần chợ Quý Bà (Hồng Kông). Người nghệ sĩ bất đắc dĩ dường như cũng cảm nhận tiếng trống của mình lạc điệu ở không gian đầy ánh đèn và người mua kẻ bán.

Ngoài “ăn xin nghệ thuật” thì “ăn xin giùm thú nuôi” cũng là một cách mưu sinh hợp lý. Con thú thường không biết lao động nhưng chúng cũng cần ăn uống, thuốc thang như con người. Thế là người ăn xin “sắm” một con thú ngồi cùng mình (thường là chó, vì mèo thì nhỏ quá còn sư tử thì bất khả), treo một tấm biển xin xỏ lên cổ hoặc để phía trước con vật. 

Tôi luôn tin rằng cái tình giữa người ăn xin và con vật là thành thật, nếu không vật chẳng chịu thương chịu khó cùng người như thế. Một tối mùa đông, phố xá Melbourne vắng hoe. Tôi không khỏi xúc động khi thấy một phụ nữ nghỉ đêm dưới mái hiên của một cửa hiệu đóng cửa. Bên cạnh chị là chú chó màu xám to lớn nằm ngoan ngoãn như một em bé. Chị vuốt ve đầu chú chó, kéo chăn lên tận cổ nó. Con vật rúc sát vào cánh tay chủ nhân. Giấc ngủ của họ hẳn bình an lắm, vì không ai cô độc.

Tôi cũng chẳng thể nào quên những “đoàn” hành khất trẻ em ở các nước Đông Nam Á lục địa, đặc biệt là Campuchia và Myanmar. Khi tôi vừa cho đứa này thì đứa kia xuất hiện. Chúng chắp tay, mắt to tròn, lông mi dày cong vút, da đen nhẻm, áo quần lem luốc. Độc đáo hơn, chúng kiên nhẫn theo tôi qua sông, lên đồi hoặc băng qua những đoạn đường đông đúc cho đến khi nhận được sự hồi đáp. Thế mà, có lần, một người dân bản địa ở Yangon thẳng thừng nói với tôi: “Làm ơn đừng cho tiền chúng nữa. Tôi không muốn trong tương lai nước tôi nhiều ăn xin hơn trí thức!”. Tôi giật mình xin lỗi, rồi cũng chẳng thể sửa cái tật dễ mềm lòng của mình.

Và có lẽ, kiểu “ăn xin mà chẳng xin ăn” của người Nhật gây ấn tượng mạnh mẽ hơn cả với tôi. Một người bạn Nhật của tôi bảo rằng đừng gọi người ăn xin ở Nhật là ăn xin, hãy gọi họ là “lãng nhân”. Với một dân tộc mà tính chăm chỉ và lòng tự trọng đã ăn sâu vào máu thịt thì ăn xin là việc chẳng đặng đừng. Lãng nhân thường là người thất chí, người phá sản, nói chung là bất mãn cuộc đời. 

Đi qua công viên xanh tốt đối diện hoàng cư (người Nhật gọi là “hoàng cư” chứ không phải là “hoàng cung”, vì Nhật hoàng vẫn còn ở đấy), ta sẽ thấy những lãng nhân nằm dưới các gốc tùng bonsai trị giá hàng chục ngàn đô la Mỹ. Chân bắt chéo, tay đặt trên ngực, ăn vận tươm tất và ấm áp, họ lặng lẽ thong dong ngửa mặt nếm trải mây trời. Như một cách cự tuyệt sự tàn nhẫn của thế sự, của thời gian. Họ không chìa tay ra trước mặt ai. Khi đói, họ sẽ đến các nhà hàng sushi và tìm trong túi rác những hộp thức ăn được đóng gói cẩn thận, sạch sẽ. 

Các nhà hàng Nhật luôn khắt khe trong việc giữ thực phẩm tươi ngon. Nếu không bán hết bữa trưa, họ sẽ cho thức ăn thừa vào túi rác. Biết hoàn cảnh của các lãng nhân, người bỏ rác sẽ ý tứ để các hộp thức ăn này vào một túi riêng. Của cho không bằng cách cho là vậy. Khi biết được điều này, trái tim tôi thổn thức vì một hành vi nhân bản thầm lặng và đều đặn mỗi ngày ở xứ sở mặt trời. Tôi đồ rằng, ở Nhật, người xin có lẽ thuộc hàng sang chảnh nhất thế giới, còn người cho có tấm lòng Bồ Tát hơn tất thảy.

Tôi hiểu rằng ngoài đói nghèo thì trên đời này còn biết bao tình huống, cảnh ngộ đẩy người ta đến nước xin ăn: vì tàn tật, vì chiến tranh, vì chân ướt chân ráo nhập cư, vì bị cưỡng ép lao động, vì sợ hãi lao động... Còn nói theo tên một vở hài kịch của người Việt - Thà ăn mày hơn ăn cướp - “nghề” ăn xin dù sao cũng lương thiện chán so với kẻ cướp giật, lọc lừa.

Hình ảnh người ăn xin, ở một phương diện khác, lại nhắc nhở cho ta cách biểu hiện lòng thương, niềm cảm thông của con người với cuộc đời. Có lẽ, văn nhân có cơ hội bộc lộ trực tiếp niềm thương với thành phần đặc biệt này của xã hội hơn cả. 

Thuở xưa, Nguyễn Du, trên đường đi sứ sang Trung Quốc, vì cám cảnh cho bốn mẹ con người ăn xin “lê la trên đường nọ” mà làm bài Sở kiến hành. Sang đầu thế kỷ 20, trên đà phát triển rầm rộ của đô thị, giữa không khí “mưa Âu gió Á”, nhà văn Trần Quang Nghiệp khiến chúng ta xót thương cho ông lão ăn xin đói khổ và mộng mơ trong Ăn mày trúng số. Cảm thức đô thị của Vũ Trọng Phụng cũng không thể nào thiếu hình ảnh người ăn xin. 

Một trong những truyện ngắn đầu tay của ông phơi bày cảnh ngộ hết sức thê thảm của người ăn xin là Một cái chết. Ông còn chọn cái tựa Tết ăn mày để nói về phận người nhỏ nhoi, cùng khổ trong một truyện ngắn khác. Trong nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật, nhân vật hóa trang thành ăn xin để dễ dàng tìm hiểu dân tình hay trà trộn vào lòng địch. Người hát rong Homère đã cho chàng Ulysse trí xảo cải dạng hành khất sau hai mươi năm xa cách quê nhà để xác tín lòng chung thủy của Penelope - vợ chàng. 

Riêng với ông vua kiếm hiệp Kim Dung, Cái Bang là “đệ nhất bang”, có tôn chỉ hoạt động và trường phái võ công hẳn hòi. Ở nhiều câu chuyện đời xưa, thần tiên hay ẩn thân trong vỏ bọc ăn xin, chủ yếu để thử thang độ yêu thương của nhân gian và thưởng phạt tương xứng. 

Tôi từng đọc những giai thoại nói về sự giàu có ngầm của người ăn xin. Tại Ấn Độ, có một “tầng lớp” ăn xin giàu đến mức có thể mua được hàng loạt căn hộ cao cấp và cho vay nặng lãi. Tư liệu về người ăn xin hẳn còn phong phú lắm, đủ để thấy cái-nghề-không-phải-là-nghề này thực sự là một hiện trạng đa đoan của đời sống xã hội.

Đương nhiên, tôi viết bài này không phải để bênh vực, khuyến khích hay đả kích việc xin ăn. Chỉ đơn giản là ghi chép những điều mình trông thấy. Chỉ để thấu cảm rằng bất cứ hình thức sinh tồn nào cũng hội tụ nhiều yếu tố lịch sử, giáo dục, văn hóa, thể chế xã hội, tâm lý con người... Tôi chỉ chắc chắn một điều rằng, chừng nào cuộc đời vẫn còn nỗi cay đắng và nhân loại vẫn còn lòng trắc ẩn, chừng ấy vẫn còn người ăn xin. 

Theo Diễm Trang/TBKTSG