- Vượt qua nhiều chủ đề, vụ phát hiện mấy người mẫu đi khách với giá cao nhất lên đến 25.000 đô la ngay lập tức tràn ngập mạng xã hội và thậm chí là một số tờ báo.

Kể cũng đúng thôi, những chủ đề liên quan đến đời sống cá nhân, gây tò mò như vậy bao giờ chả thu hút được số đông độc giả.

Chỉ có điều, thông tin “được xì ra” mất cân đối, chỉ tập trung vào các cô người mẫu bán dâm và lờ tịt đi người mua dâm và số tiền khủng được cho là họ trả.

Người ta nêu tên thật của các cô người mẫu, thoải mái khai thác các góc cạnh đời tư của họ với lời lẽ dung tục đầy khoái trá.

Hình ảnh trong đồn hay trên trang cá nhận của họ bị chụp cận cảnh vào người, vào đùi, vào mặt, được chia sẻ chóng mặt trên mạng với một thái độ hả hê, phấn kích với những bình luận phóng đãng không cần che dấu.

Tôi không bênh vực cho hành vi của các cô người mẫu, cũng chẳng cố thanh minh cho họ, nhưng thật sự là tôi vô cùng dị ứng với cách phản ứng như vậy của số đông đang chà đạp lên nhân phẩm con người.

Sẽ có ai đó phản đối nhận xét này vì cho rằng đã bán dâm thì làm gì có nhân phẩm. Đừng ngộ nhận hay thiên kiến như vậy.

Đưa tin, bình luận theo cách như vậy, dù trên mạng hay ở đâu đi chăng nữa, với người đang ngồi trong đồn cho cảm giác hèn hèn, nhất là khi danh tính của người mua lại không hề được đề cập.

{keywords}
Nhân phẩm con người vẫn cần được tôn trọng. Ảnh Tư Liệu.

Liệu thông tin 25.000 đô la, tức gần 580 triệu đồng, cho một lần mua dâm được xì ra có đúng với thực tế?

Ai là người sẵn sàng bỏ ra số tiền đó ở một đất nước có thu nhập mới chỉ quanh ngưỡng 2.000 đô nếu họ thực sự phải kiếm tiền một cách nặng nhọc, tử tế bằng mồ hôi, nước mắt của mình?

Hay là số tiền đó, nếu đúng, được kiếm một cách dễ dãi, bất chính?

Những câu hỏi đó đã không được đặt ra ít nhất trông những tin bài, bình luận mà tôi đọc được cho đến nay.

Cách đưa tin một chiều như vậy, dù góp phần vén màn những sự việc đang diễn ra ở xã hội này, dường như chỉ thỏa mãn sự tò mò của đám đông, kích động những cảm xúc tiêu cực, tầm thường chứ đâu có cảnh báo gì?

Sự thiên lệch đó cũng phản ánh tâm lý chung hiện nay.

Trong một cuộc hội thảo gần đây mà tôi tham dự, một vị quan chức bày tỏ bất bình nếu việc công khai danh tính người mua dâm được quy định trong văn bản pháp luật. “Không thể như vậy được. Nó phá tan hạnh phúc gia đình, làm thui chột sự nghiệp”, vị ấy nói và bổ sung thêm đầy ngụy biện: “Xã hội này không chấp nhận điều đó”.

Diễn giả là một học giả uy tín mỉm cười và đáp: “Những người như anh làm việc đó thì sao quy định vào văn bản để hại chính mình”.

Thực tế thì pháp luật hiện nay không cho phép công khai danh tính cả người bán lẫn người mua dâm.

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn...”

Bộ Luật Hình sự, Luật xử phạt vi phạm hành chính cũng đều không có quy định cho phép cơ quan chức năng công khai thông tin cá nhân của người vi phạm hành chính liên quan hoạt động mại dâm ra cộng đồng.

Những người mua, bán dâm dù bị xử phạt hành chính song vẫn có quyền được giữ kín danh tính, bảo vệ nhân phẩm.

Rõ ràng, những dòng trạng thái, những hình ảnh chia sẻ và những bài báo nêu đích danh tên tuổi của các cô người mẫu là trái với quy định hiện hành.

Thực tế là quan niệm xã hội và luật pháp hiện nay của Việt Nam đã trở nên cởi mở rất nhiều, chẳng hạn như công nhận đồng tính hay nạo phá thai.

Tuy nhiên, mại dâm, nghề cổ xưa nhất của loài người, vẫn bị đặt ngoài vòng pháp luật dù đã trải qua rất nhiều đợt tranh luận trong vòng hai thập kỷ nay.

Song, mại dâm vẫn phố biến và thậm chí nở rộ ở nhiều điểm du lịch, thậm chí ở nhiều khu phố sầm uất của thành phố này hay thành phố khác, mà thiếu nó, chưa chắc du khách đã tìm đến.

Đó là nhu cầu thật và nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia văn minh và phát triển, đã chính thức thừa nhận nó.

Các quốc gia đó vừa thu được thuế, vừa đảm bảo khống chế được những tác động tiêu cực, như bệnh tật, lan ra cộng đồng.

Có lẽ, tới đây nhiều vụ mại dâm “cấp cao” sẽ tiếp tục “được xì ra” cho các phương tiện truyền thông; nhưng hi vọng rằng, những thông tin đăng tải nên ở mức độ hợp lý, cân bằng bởi điều quan trọng nhất là nhân phẩm con người phải được tôn trọng.

Còn nếu đưa tin một chiều, chỉ chăm chăm khai thác mọi góc cạnh của người bán mà tảng lờ người mua, thì cũng không nên chạnh lòng khi bị cho là “lá cải”.

Tư Giang

Chúng ta đang sử dụng mạng xã hội quá ngây thơ

Chúng ta đang sử dụng mạng xã hội quá ngây thơ

Buông ra những lời nói nặng nề, mạt sát người khác sẽ không làm cho ta cao thêm một chút nào cả. Chúng ta đang sử dụng mạng xã hội quá ngây thơ, hot facebooker Cu Trí nói.

Khen tóc đẹp, rủ sinh viên café, giảng viên ‘có đạo đức’ không?

Khen tóc đẹp, rủ sinh viên café, giảng viên ‘có đạo đức’ không?

Cuộc tranh luận về hành vi của thầy giáo kia đáng lẽ sẽ được giải quyết ổn thỏa, nếu chúng ta có một quy tắc nghề nghiệp chỉ rõ hành vi nào là bị cấm để bảo vệ “đạo đức nhà giáo”.    

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” từ sức mạnh của hệ thống chính trị và cộng đồng

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” từ sức mạnh của hệ thống chính trị và cộng đồng

Khi xuất hiện điểm nóng chính trị, xã hội và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, để nhận diện và xử lý kịp thời là rất khó khăn.