Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả (Albert Einstein).

Không biết từ “mackeno” (mặc kệ nó) xuất hiện lần đầu tự bao giờ, nhưng năm 1986, báo chí ở TPHCM, đặc biệt là tờ Tuổi trẻ, phát động phong trào chống lại chủ nghĩa “mackeno” - một thái độ vô can, dửng dưng trước những gì đang diễn ra trước mắt dù chúng có xấu đến đâu đi chăng nữa, miễn là chúng không làm hại đến chính bản thân mình.

Ba mươi năm đã trôi qua, chữ “mackeno” gần như đã chìm vào quên lãng, nhưng tác hại của thái độ sống “mackeno” đối với xã hội vẫn không hề suy giảm và một cuộc vận động toàn xã hội chống lại lối sống vô cảm vẫn còn nguyên giá trị.

Còn nhớ cách đây không lâu cảnh anh tài xế xe tải gặp nạn đứng khóc van xin đám đông xông vào hôi của - không một ai lên tiếng can ngăn - làm nhiều người phẫn nộ. Thường xuyên hơn, người ta lẳng lặng làm ngơ trước nạn xin đểu, móc túi xảy ra trên các tuyến xe buýt, tại nơi đông người. Nhưng có lẽ một trong những đỉnh điểm của sự vô cảm là chuyện xảy ra năm năm trước trong một tai nạn giao thông liên hoàn làm hai người chết, 17 người bị thương. Những người đi ngang hiện trường không cứu giúp mà còn nhẫn tâm lấy hết tài sản của các nạn nhân. Bi kịch hơn, một phụ nữ tử vong, nhưng đến ba ngày sau gia đình mới biết hung tin vì toàn bộ giấy tờ tùy thân của bà đã bị cướp theo tài sản.

Cùng với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân, có thể được xem là một nguồn cơn góp phần đưa đến thái độ “mackeno”. Mặt trái của chủ nghĩa cá nhân là sự vị kỷ đề cao quá mức bản thân mình không màng gì đến tha nhân dù họ làm điều phải hay trái.

Mặt khác, phải chăng con người chúng ta ngày nay đã chai lì tới mức vô cảm trước nỗi đau của đồng bào, đồng loại? Có lẽ không phải như thế. Bằng chứng là luôn có nhiều tấm lòng vàng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo giúp đỡ các nạn nhân thiên tai, tai nạn... Những Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” cũng không phải là hiếm. Vậy thì, ngoài thói vị kỷ, phía sau sự vô cảm đã trở thành một thái độ sống của đám đông đó là gì?

Có lẽ một trong những lý giải được nhiều người chấp nhận là sự yếu kém của thiết chế xã hội nhằm bảo vệ sự an toàn của những người lên tiếng chống lại cái ác. Đại đa số không vô cảm đến mức bàng quang trước điều xấu, nhưng tôi bảo vệ tha nhân, rồi ai sẽ bảo vệ tôi? Hơn ai hết, lực lượng an ninh phải bảo đảm sự an toàn cho những công dân bình thường đã dám đứng ra bảo vệ lẽ phải chống lại những chuyện bất bình trong cuộc sống.

Trường đoạn ấn tượng nhất trong phim Dinosaur (Khủng long) 16 năm trước là cảnh Aladair - nhân vật chính của phim - dũng cảm ở lại đương đầu và dẫn dắt cả đàn chống lại con Carnotaurus hung tợn. Cuối cùng khủng long Carnotaurus với những chiếc răng nhọn hoắt chuyên ăn thịt và luôn gieo rắc kinh hoàng đã phải lùi bước trước đàn khủng long ăn cỏ hiền lành nay đã biết đoàn kết cùng nhau chống lại kẻ thủ ác. Đây là một hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng. Con quái thú Carnotaurus hiện thân của cái ác được dung dưỡng bằng chủ nghĩa “mackeno” sẽ mãi lùi vào dĩ vãng nếu mọi người không làm ngơ trước những điều xấu trong xã hội và biết đoàn kết chống lại chúng.

Cuối tuần qua ở Hà Nội, nhiều người đi đường đuổi theo một chiếc xe hơi biển số xanh gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy với tốc độ cao, buộc tài xế cuối cùng phải nhận lỗi. Báo chí cũng đưa tin hàng chục người dân đội mưa cùng cảnh sát giao thông gom hàng hóa vung vãi sau vụ tai nạn lật xe tải khiến cả hai tài xế phải nhập viện. Họ đã nói không với chủ nghĩa “mackeno”.

Theo Sơn Tùng/TBKTSG