Việc lựa chọn một hoạt động thể dục theo sở thích, phù hợp với thể chất, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu phát triển của từng học sinh, vốn là kinh nghiệm phổ biến của các nước trên thế giới thì ở nước ta hiện nay, vẫn là điều xa xỉ.

Lâu nay, khi nhắc đến áp lực trong giáo dục, người ta hay nhắc đến các môn văn hóa, tự nhiên… Nhưng mới đây, khi bảng điểm tổng kết của một học sinh lớp 8 lan truyền trên mạng xã hội, người ta giật mình nhận ra, giáo dục thể chất, môn học mà mục đích chính là giúp học sinh vận động, rèn luyện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng đầu óc sau những tiết học kiến thức… cũng có thể làm áp lực học hành trở nên nặng nề hơn.

Theo bảng điểm nêu trên thì học sinh này có điểm tổng kết trung bình các môn văn hóa lên tới 9,3, trong đó, có những môn đạt 10 điểm như Toán, Hóa, Sinh, Giáo dục Công dân, Công nghệ. Điều đáng nói là, mặc dù được giáo viên chủ nhiệm đánh giá là học rất giỏi, chăm và ngoan nhưng học sinh này lại bị xếp loại học lực trung bình và xếp hạng thứ 42 trong lớp. Nguyên nhân là bởi em “chưa đạt” ở môn thể dục. Không biết trường hợp của học sinh nêu trên phổ biến đến mức độ nào nhưng ngay cả khi đó là trường hợp hy hữu thì vẫn đặt ra rất nhiều câu hỏi về giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục.

Một cuộc tranh luận cũng đã nhanh chóng bùng lên sau khi bảng điểm này xuất hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, thể trạng và năng lực của mỗi học sinh không giống nhau, vì môn thể dục chưa đạt mà xếp loại như vậy là phi lý và “oan uổng” cho các em… Nhưng nhiều ý kiến, trong đó có cả các nhà giáo dục lại cho rằng, em học sinh trên bị xếp học lực trung bình là đúng vì giáo dục phải toàn diện, phải giỏi cả trí lực và thể lực chứ ai còn “học gạo” như trước nữa; nếu không muốn “đội sổ”, muốn giỏi toàn diện thì buộc học sinh này phải rèn luyện thể chất nhiều hơn…

Quả thực, giáo dục thể chất trong trường học rất cần, thậm chí là cấp bách bởi tầm vóc, thể lực của học sinh Việt Nam hiện nay vẫn nhỏ bé và yếu ớt so với học sinh cùng lứa của các nước trong khu vực. Vì thế, đầu năm học này, khi nhận được phiếu khảo sát ý kiến phụ huynh về việc giảm bớt chương trình học kiến thức, tăng thời lượng giáo dục thể chất, kỹ năng sống… cho học sinh, người viết đã không chút ngần ngừ mà tích ngay vào ô “đồng ý” với hy vọng, đề xuất này sẽ được nghiêm túc xem xét và đưa vào thực hiện. Nhưng khi xem lại chương trình, nhất là ở các trường tiểu học và trung học hiện nay thì có lẽ, nếu có tăng thời lượng giáo dục thể chất cũng sẽ chỉ làm tăng thêm áp lực cho học sinh mà thôi. Vì điều quan trọng là cách thức giáo dục thể chất như thế nào. Mặc dù có sự khác biệt đôi chút trong việc lựa chọn các môn thể dục cụ thể ở mỗi trường nhưng trong cùng một lớp, các em học sinh sẽ đều phải học một môn giống nhau.

Thậm chí, nhiều trường còn lựa chọn những môn năng khiếu nặng nhọc dành cho vận động viên để dạy cho học sinh phổ thông. Việc lựa chọn một hoạt động thể dục theo sở thích, phù hợp với thể chất, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu phát triển của từng học sinh, vốn là kinh nghiệm phổ biến của các nước trên thế giới thì ở nước ta hiện nay, vẫn là điều xa xỉ.

Trong một cuộc trò chuyện cách đây ít lâu, PGS.TS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ từng chia sẻ rằng, điều ông lo lắng hiện nay là, sau khi tốt nghiệp bậc học phổ thông, học sinh của ta có rất nhiều kiến thức trong đầu nhưng sự vững vàng, tự tin, tự chủ với tương lai của mình thì rất ít. Nhấn mạnh sự trưởng thành, đóng góp của một người trẻ là quá trình dài và sẽ được phát huy khi người đó cảm thấy thoải mái, hạnh phúc, yêu thương và gắn bó với đất nước, ông Phan Thanh Bình cũng cho rằng, giáo dục phổ thông phải trở về với đúng nghĩa của hai chữ “phổ thông”, tức là tập trung vào việc đào tạo con người, chuẩn bị cho học sinh trở thành những công dân có nhận thức chứ không phải là trở thành những thiên tài. Từ lúc nhìn thấy bảng điểm nêu trên, người viết cứ băn khoăn tự hỏi rằng, có bao nhiêu em học sinh thực sự thấy thoải mái và hạnh phúc? Và các nhà hoạch định chính sách giáo dục đã khi nào đặt mình vào vị trí của các em để xem các em thực sự cần gì và muốn gì?

An Nhiên/ theo Đại biểu Nhân dân

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt