- “Tôi đã đến làm việc và học hỏi tại gần 30 quốc gia. Đủ để tôi hiểu những cơ hội và thách thức của đất nước cũng như người dân Việt Nam trong thế giới ngày càng phẳng ra nhưng cũng khó đoán định và đang thay đổi với tốc độ rất lớn.”

LTS: Vóc dáng nhỏ bé, mái tóc ngắn cá tính và nụ cười dịu dàng, thế nhưng 8X Đỗ Thuỳ Dương lại có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho bất kỳ ai. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2001, chị hoàn thành khóa học thạc sỹ quản trị kinh doanh năm 2006. Sau nhiều năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm tại các tập đoàn trong nước và quốc tế, chị startup thành công với Công ty cổ phần Hội tụ nhân tài (TalentPool).

Việc đã lập gia đình và có ba cậu con trai không ngăn cản Dương thành công trong quá trình khởi nghiệp, chị được trao thưởng nhiều danh hiệu: Giải thưởng nữ Doanh nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hiệp hội VCCI, Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam và HNEW năm 2015; Giải thưởng Nữ trí thức xuất sắc tiêu biểu của Hội Nữ trí thức năm 2015; Giải thưởng Nữ doanh nhân Tài năng và Phong cách VCCI & HNEW 2013.

Không dừng lại ở đó, chị còn là một trong những người trẻ nhất được bầu chọn là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Dù ở cương vị nào, chị cũng có những đóng góp thiết thực cho sự tiến bộ. Chính vì vậy, Đỗ Thuỳ Dương được nhìn nhận là một trong những tác nhân trẻ có nhiều nỗ lực đóng góp cho sự thay đổi tại Việt Nam.

Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn với chị sau hai năm tham gia chính trường.

Sau hai năm tham gia HĐND Thành phố, chị thấy cuộc sống của mình thay đổi nhiều không? 

{keywords}
Đỗ Thuỳ Dương được nhìn nhận là một trong những tác nhân trẻ có nhiều nỗ lực đóng góp cho sự thay đổi tại Việt Nam.

Bận rộn và nhiều áp lực là điều không thể phủ nhận, cùng với đó là tầm nhìn được mở rộng, tôi có cơ hội nhìn sâu hơn vào cuộc sống xung quanh mình.

Trước đây khi điều hành TalentPool, đặc thù hoạt động tư vấn quản trị khiến tôi thường tiếp xúc với những doanh nhân lớn, hoặc quản lý cao cấp tại các tập đoàn, cơ hội tương tác với đời sống số đông dân sinh là rất ít.

Bằng lý trí tôi có thể hiểu được sự vất vả và những khó khăn mà mọi người đang phải đối mặt. Nhưng chỉ đến khi trở thành đại biểu dân cử, tham gia các chương trình giám sát do Ban Văn hoá Xã hội của HĐND TP triển khai tôi mới thực sự chạm vào đời sống, đặc biệt là tại các huyện nghèo còn chưa phát triển của Hà Nội.

“Đội” chiếc mũ doanh nhân thì mọi điều mình muốn đều có thể giải quyết được rất nhanh do tác động nhỏ, hệ thống quản lý tinh gọn, thẩm quyền quyết định cao và sự chủ động về ngân sách, trách nhiệm cá nhân cao.

Còn trong vai đại biểu HĐND, mỗi nghị quyết có thể tác động tới cuộc sống của 10 triệu dân, bao trùm các tầng lớp khác nhau, với những nhu cầu rất đa dạng. Ý kiến của đại biểu tại nghị trường nghe có thể rất sắc sảo, minh bạch nhưng để triển khai một sáng kiến như vậy sẽ lại phải thay đổi cách vận hành của một hệ thống. Muốn một sáng kiến được triển khai và có kết quả trong thực tiễn sẽ cần thời gian. 

Trải nghiệm này giúp tôi trưởng thành hơn trong cách suy tư và chuẩn bị tốt hơn trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. 

Thế còn thời gian dành cho gia đình? Chị cân đối thế nào?

Tôi luôn nói không có sự cân bằng theo nghĩa đối xứng, công việc và cuộc sống là một. Tôi may mắn được làm công việc phù hợp với năng lực, lại có cơ hội để liên tục học tập và trưởng thành thông qua các hoạt động xã hội. Được lắng nghe và chia sẻ với cộng đồng mình từ những trăn trở nhỏ đến những vấn đề rất lớn. Đó là hạnh phúc không dễ có mà tôi và gia đình luôn trân trọng.

Chồng tôi vẫn thế, luôn ủng hộ chăm sóc dù anh cũng khá bận. Ba cậu con trai thì được rèn luyện để tự lập từ bé, tôi cũng tôn trọng các cháu cho tự quyết, có thể sai lầm nhưng phải biết rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm. Thời gian tôi ở bên các cháu chỉ để trò chuyện, chia sẻ và định hướng cho sự phát triển cũng như giúp các cháu có nhận thức tốt hơn về những dao động tâm lý mà ở tuổi các cháu có thể gặp.

Trò chuyện với các con cho tôi nhiều năng lượng và quyết tâm hơn trong hoạt động xã hội. Tôi luôn nghĩ mỗi thế hệ đều cần nỗ lực hết sức để dọn đường cho thế hệ tương lai có điều kiện để phát huy tốt nhất.  Đi thăm các cơ sở giáo dục hiện nay, tôi thấy người lớn chúng ta chưa tròn trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Đương nhiên thời gian dành cho doanh nghiệp ít đi và điều đó lại giúp tôi có động lực mạnh mẽ hơn để chuyển giao vai trò quản lý cho thế hệ kế cận. Nhìn thấy đội ngũ ngày càng trưởng thành, hệ thống quản trị vững mạnh không phụ thuộc vào cá nhân nào cũng chính là một mục tiêu lớn mà tôi tin là mình và cộng sự đã đạt được trong thời gian qua.

{keywords}
Đỗ Thùy Dương: "Việc đi nhiều giúp tôi hiểu hơn những tồn tại của đất nước và lúc này tình yêu dành cho Tổ quốc đã được thử thách chứ không còn là thứ tình cảm mặc định như xưa"

Bận rộn như vậy nhưng quan sát qua mạng xã hội, tôi thấy chị vẫn đi nước ngoài rất nhiều?

Tôi may mắn được tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ Châu Á về cải thiện sức khoẻ cộng đồng. Chương trình cho tôi cơ hội học hỏi về hệ thống y tế tại nhiều quốc gia trên thế giới và được tham gia vào mạng lưới những nỗ lực toàn cầu nhằm cải thiện sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt là sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ của não bộ là những vấn đề chưa được quan tâm đúng mức (toàn cầu), cũng như các giải pháp để nâng cao hiệu quả hệ thống Y tế và sự hài lòng của người dân.

Đây là vấn đề hoàn toàn mới với cá nhân tôi, lại thuộc lĩnh vực tôi được giao trách nhiệm giám sát với tư cách là đại biểu HĐND, thành viên ban VHXH. Vì vậy tôi dành gần như trọn vẹn thời gian để học, hiểu và tìm cách đưa vào công việc thực tế. 

Tôi đã đến làm việc và học hỏi tại gần 30 quốc gia. Đủ để tôi hiểu những cơ hội và thách thức của đất nước cũng như người dân Việt Nam trong thế giới ngày càng phẳng ra nhưng cũng khó đoán định và đang thay đổi với tốc độ rất lớn.

Việc đi nhiều giúp tôi hiểu hơn những tồn tại của đất nước và lúc này tình yêu dành cho Tổ quốc đã được thử thách chứ không còn là thứ tình cảm mặc định như xưa.

(Còn tiếp)

Tuần Việt Nam