Học ngoại ngữ, nhưng không phải theo cách mà phần đông chúng ta đã và đang làm.

LTS: Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người đầu tư tiền bạc và thời gian vào việc học ngoại ngữ cho bản thân và con cái. Nhưng học ngoại ngữ thế nào để thực sự hiệu quả vẫn luôn là vấn đề nan giải.

Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây như một góc nhìn tham chiếu để độc giả cùng thảo luận.

Tháng 10/2017, giới phiên dịch trên toàn thế giới chấn động khi Google trình làng tai nghe phiên dịch Pixel Buds, có khả năng dịch 40 ngôn ngữ. Nguy cơ máy móc thay thế con người trở nên hiện hữu.

Nhiều người vẫn thờ ơ cho rằng: Công cụ dịch Google translate vẫn chưa đưa ra được các phương án chuyển ngữ chuẩn xác , nên không cần lo vội.

Hãy nhớ rằng, cách mạng 4.0 đang phát triển như vũ bão. Giữa những năm 1990, cả thế giới vẫn dùng các dòng điện thoại phổ thông của Motorola và Nokia với những chức năng nghe gọi và nhắn tin đơn giản. Hình ảnh vừa đi đường vừa video call bằng những chiếc điện thoại cá nhân mới chỉ xuất hiện trong các phim khoa học viễn tưởng. Hơn 10 năm sau, iPhone ra đời, biến những hình ảnh đó trở thành hiện thực.

Với trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data), trong một tương lai không xa, tai nghe và các công cụ dịch sẽ đạt đến độ chính xác cao. Nhanh là 5 năm, chậm là 15 năm nữa, nghề phiên dịch sẽ bị thu hẹp đáng kể, chỉ còn tồn tại ở các ngôn ngữ hiếm hoặc các lĩnh vực hẹp đặc thù. Và điều đó cũng có nghĩa là mọi người trên thế giới có thể dễ dàng giao tiếp, làm việc với nhau, hay tiếp cận các nguồn tài liệu mà không còn bị cản trở bởi bức tường ngôn ngữ.

Chỉ giới phiên dịch bị ảnh hưởng?

Ở Việt Nam, cơn sốt học ngoại ngữ bùng lên với một số quan điểm nổi bật:

“Là công dân toàn cầu thì chỉ cần giỏi tiếng Anh, để sau này làm việc bằng tiếng Anh, không cần tiếng Việt”. Kết quả là không ít trẻ là người Việt 100%, sống tại Việt Nam mà nói tiếng Anh như gió trong khi tiếng Việt ngây ngô như người nước ngoài.

“Cần phát âm chuẩn như người bản xứ”. Kết quả là các trung tâm tiếng Anh trẻ em mọc lên như nấm, cha mẹ tốn vài triệu mỗi tháng chỉ để con biết giao tiếp tiếng Anh. “Tây balo” ào ạt sang Việt Nam kiếm ăn.

“Cần phải giỏi ngữ pháp để đi thi được điểm cao”. Do trẻ được đầu tư học tiếng Anh từ nhỏ, nên các đề thi chuyên và học sinh giỏi càng ngày càng khó tới mức đánh đố. Các giáo viên phải dựa vào từ điển để làm tài liệu dạy và thi. Người bản xứ đọc đề cũng nhăn nhó. 

{keywords}
Học ngoại ngữ thế nào thời 4.0? Ảnh minh họa: EFC.edu

“Cần học tiếng Anh hàn lâm”. Kết quả là cụm từ “Academic English” trở thành mốt. Học sinh lớp 6, 7 đã được luyện IELTS, được khuyến khích đọc nghe CNN, BBC hàng ngày, với những kiến thức và vấn đề vốn dành cho người trưởng thành. Các kỳ thi năng lực tiếng Nhật vốn dành cho người đi làm, giờ được các trung tâm đem ra luyện cho học sinh cấp 2.

Khi chúng ta đầu tư hẳn một khoản tiền và thời gian của con cái chỉ để học một ngoại ngữ, tất yếu con sẽ yếu kỹ năng quan trọng, sẽ học qua loa các môn đáng lẽ phải học cho tử tế. Chẳng hạn, trẻ sẽ chỉ tập trung học các kỹ thuật viết văn trong khi vốn tiếng Việt và trí tưởng tượng nghèo nàn, hiếm khi biết rung động trước một áng thơ hay. Không nhiều trẻ biết làm việc nhà. Và đặc biệt ít trẻ đủ thời gian rèn luyện thể chất.

Người Việt Nam, sống tại Việt Nam dù giỏi tiếng Anh hay một ngoại ngữ đến đâu cũng vẫn không thể nào bằng người bản ngữ. Và khả năng đó sẽ giúp gì cho chúng ta khi rào cản ngôn ngữ được dỡ bỏ? Trong tương lai không xa, nếu giỏi một chuyên môn nào đó, rất có thể con bạn sẽ làm việc ở Pháp mà không cần giỏi tiếng Pháp. Một kiến trúc sư sẽ dễ dàng tìm việc ở Hàn Quốc kể cả chỉ bập bẹ được vài câu chào tiếng Hàn. Nhưng chỉ giỏi tiếng Anh, con bạn sẽ làm nghề gì? Ngay cả tại Việt Nam?

Vậy không cần học ngoại ngữ nữa sao?

Nếu học chỉ để phát âm hay, giỏi khoanh và điền các câu hỏi về ngữ pháp và ngữ dụng thì có thể nói là không cần.

Đến đây, mọi người sẽ rất lo lắng rằng: thế thì làm sao con tôi được điểm cao ở trường? Làm sao con tôi làm sao thi nổi vào lớp chuyên?

Việt Nam hiện tụt rất xa so với các nước phát triển, nền giáo dục đôi khi giậm chân tại chỗ, thậm chí còn có những bước thụt lùi. Cha mẹ có 2 lựa chọn: đi lùi cùng cả nền giáo dục, hoặc dũng cảm tách riêng ra để tiến lên. Hoặc để con “cày cuốc” theo phong trào, và 10-15 năm nữa sẽ lơ ngơ trước sự thay đổi của thời đại. Hoặc chấp nhận kết quả không xuất sắc ở trường, nhưng giỏi nổi bật lĩnh vực nào đó là thế mạnh của con, và có được những kỹ năng cần thiết để đương đầu với một thế giới luôn biến động. Tất nhiên, vẫn có 1 số học sinh giỏi đều các môn, tốt các kỹ năng và có thể chất khoẻ mạnh. Nhưng con số đó chắc chắn khá ít, và phần nhiều nằm ở các học sinh học tại các trường quốc tế chuẩn.

Tuy vậy, chúng ta vẫn phải học ngoại ngữ!

Ngôn ngữ là một hệ thống biểu tượng của một nền văn hoá. Biết thêm một ngoại ngữ tức là chúng ta được tiếp cận một chân trời mới, học hỏi những cách tư duy mới và một hệ thống các giá trị vật chất, tinh thần mới. Đó là lý do những người thạo một ngoại ngữ thường có tư duy, thói quen và những nét tính cách tương đối giống dân tộc đó. Người giỏi tiếng Nhật thường cẩn thận, kỹ tính, người giỏi tiếng Anh thường cởi mở, dễ gần.

Tiếng Anh là cánh cửa để giúp người Việt có tư duy phóng khoáng tự do, thậm chí là thực tế kiểu Mỹ. Tiếng Đức sẽ giúp chúng ta học được ý chí quật cường và bản lĩnh thép làm nên một đất nước Đức hùng mạnh. Tiếng Nhật sẽ giúp chúng ta học hỏi được đức tính tự giác, kiên trì, tiết kiệm và nỗ lực bền bỉ vượt lên mọi khó khăn khiến người Nhật không bao giờ bị thiên nhiên hay con người quật ngã…

Nếu muốn học được điều đó, thì dứt khoát không phải học ngoại ngữ theo cách mà phần đông chúng ta đã và đang làm. Không phải luyện các dạng đề, không phải học các cấu trúc ngữ pháp đã bị tách ra khỏi văn cảnh, không viết mỗi từ mấy dòng.

Chúng ta phải thông qua các tài liệu, các chương trình về khoa học và xã hội đúng độ tuổi của học sinh, các tác phẩm văn học từ đơn giản tới phức tạp tuỳ trình độ để học ngôn ngữ; phải thông qua từ vựng và cấu trúc câu để hiểu các nét đẹp văn hoá. Nếu chúng ta biết nguồn gốc của câu “Gochisosamadeshita” (xin cảm ơn về bữa ăn) trong tiếng Nhật, thì hẳn chúng ta sẽ hiểu người Nhật trân trọng công sức của người nông dân, người thương nhân, người đầu bếp như thế nào, và từ đó việc nhớ và vận dụng sẽ dễ dàng vô cùng.

Học theo phương pháp đó sẽ khiến việc học ngoại ngữ trở nên thú vị, dễ dàng, và rất nhanh giỏi. Khi đó, học sinh sẽ chỉ cần tốn một chút công sức ôn trước mỗi kỳ thi để đạt các kết quả như mong đợi.

Phạm Nha Trang

*Tác giả là giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Nhật Bản, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội.

>> Bạn nghĩ sao về cách học và đầu tư vào ngoại ngữ của người Việt hiện nay? Mời độc giả quan tâm hoặc làm việc trong lĩnh vực liên quan đến ngôn ngữ/ ngoại ngữ gửi bài viết tranh luận về email: Tuanvietnam@Vietnamnet.vn.

Phải học đại học mới có tiền và địa vị?

Phải học đại học mới có tiền và địa vị?

Câu hỏi lớn nhất là liệu Bộ Giáo dục và cả hệ thống chính trị có ủng hộ và có đủ quyết tâm theo đuổi những mục tiêu này cho toàn bộ hệ thống giáo dục hay không?

Qua Nhật, tôi hiểu thế nào là ‘tất cả vì học sinh’

Qua Nhật, tôi hiểu thế nào là ‘tất cả vì học sinh’

Mục tiêu "tất cả vì học sinh" của giáo dục Nhật Bản ít khi được “nắn nót” bằng lời lại hiển hiện nơi đây trong từng việc làm nhỏ nhất.   

Chứng kiến cháu đi học, tôi ngạc nhiên không ngừng

Chứng kiến cháu đi học, tôi ngạc nhiên không ngừng

Càng tìm hiểu cái sự học hành ở Đức tôi càng thấy nhiều điều ngạc nhiên đáng nể.

Khi cuộc sống đã tiến lên, giáo dục vẫn giẫm chân ở chỗ cũ?

Khi cuộc sống đã tiến lên, giáo dục vẫn giẫm chân ở chỗ cũ?

Tụt hậu của đất nước, về phương diện nào đó, chính là tụt hậu về giáo dục, mà trước tiên là chậm đổi mới giáo dục.