-Đằng sau những bộ cánh sang trọng và lịch lãm của nghề sale bất động sản vừa có nụ cười mãn nguyện, vinh quang cũng không thiếu nụ cười chua chát, méo mó.

Từ tưởng tượng đến thực tế

Cảm nhận của người mới bước vào nghề BĐS đa phần bị sự hào nhoáng, người người sang trọng, những bữa tiệc đều tổ chức ở những hội nghị đẳng cấp; nghe kể về những chiến tích lẫy lừng của các Best Sellers và số hoa hồng khủng mỗi năm họ thu về: 1 năm đi làm bằng 1 đời người ta dành dụm!

Lăn vô làm được vài tuần, 1 nửa số lượng training đã “cáo từ” hẹn không gặp lại nghề. Cũng dễ hiểu thôi, vì cái nắng 12 giờ như thiêu đốt sẽ làm bạn hoảng sợ và đôi chân mỏi rã rời khi rong ruổi đi phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp... dễ khiến người ta hoài niệm về quá khứ, với máy lạnh “phà phà” lim dim lướt facebook.

{keywords}

Môi giới địa ốc kiếm tiền tỷ có thực như lời đồn?

Khi 1 nửa đợt training còn sót lại với quyết tâm làm giàu, lại được nghe đàn chị chia sẻ là cứ mỗi đợt training vào 20 đứa vậy là còn được 1 – 2 đứa theo nghề! Một nghề có lượng đào thải khủng khiếp!

Rồi thì lại phải tìm kiếm khách hàng để bán nhà. Mò mẫm lại các mối quan hệ cũ để tư vấn, bạn bè thì chọc: ra trường rồi đi làm BĐS à?; đồng nghiệp và họ hàng thì có phần ngại nên né vì mang tâm lí sợ bị dụ mua nhà, mất thời gian... Vậy là khai thác từ data công ty cung cấp, mà đã là công ty cấp thì data cũng bị “xào nát” mấy chục lần rồi, nên chua lắm, nào là “không quan tâm”, “không nhu cầu nhé”, “không rảnh, gọi hoài!!!”. Người lịch sự thì từ chối vội rồi cúp máy như tránh tà, còn xui hơn là bị mắng vào mặt cũng là bình thường. Sau này rồi mới biết là những cách đó không sai chỉ là mình chưa có kỹ năng, cứ chăm chăm muốn bán hàng nên ai gặp cũng sợ là đúng rồi.

“Cái duyên với nghề” là cái cụm từ được tôn sùng trong nghề này –vì những câu chuyện về những bạn sale mới vô nghề mà tình cờ gặp được khách mua đầu tư nguyên tầng (nghĩa là mua nguyên 1 tầng lầu 15 căn!), hay chị khách mua rồi rủ bạn bè mua chung 3, 4 căn nữa. Đó là những câu chuyện làm mê lòng các sale mới vào nghề. Tuy nhiên làm 1 thời gian rồi mới có cảm giác dường như cái duyên với nghề đó chỉ đến với “con nhà người ta”. Chưa kể khi chuẩn bị có giao dịch rồi thì bao nhiêu là thứ trên trời rơi xuống: bị cướp khách, khách gặp vấn đề tài chính đột ngột, nhà có việc...

Nhân viên sale lão làng thì sẽ có vô vàn công cụ hỗ trợ như thuê người phát tờ rơi, spam mail, spam tin nhắn, đăng tin quảng cáo, lập web riêng,... nhưng tất cả đều cần tiền, tiền, và tiền! Nên những ai không đủ điều kiện thì đành chọn cách miễn phí thôi, vậy là dang nắng dầm mưa phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp, “bào” data...

Hoa hồng khủng và thành công có thực như lời đồn?

Những hào nhoáng tôi kể ở đầu bài về hoa hồng và thành công là hoàn toàn có thật chứ không phải các sếp dựng lên để lừa bạn, và nó chỉ dành cho người thành công và lao động nghiêm túc chứ không dành cho những người muốn làm việc nhàn hạ mà tiền rủng rỉnh.

Những cực khổ tôi kể là có thực và còn cực hơn thế, khổ hơn thế gấp nhiều lần nữa. Và, phải đủ cực, đủ khổ để mình tức giận, để không chấp nhận thực tại như vậy, để nhìn ra được mình sai ở chỗ nào, sao người ta làm được còn mình thì không!

Chặng đường đi đến thành công trong lĩnh vực BĐS cũng giống như bạn leo núi vậy, những cực khổ bạn nếm trải như những viên đá rơi trúng bạn, những vết cắt vào da khi bạn chinh phục ngọn núi. Những chua chát bạn gặp là phần tất yếu phải vượt qua để đến đỉnh núi, ai không chịu nổi thì bỏ cuộc để đi chinh phục ngọn núi khác thấp hơn, dễ đi hơn. Có câu “thuyền to thì sóng lớn”, BĐS cũng vậy, vinh quang lớn thì hy sinh cũng phải nhiều.

Bạn nghĩ những sếp BĐS từ đâu mà có? Họ cũng xuất phát điểm như mình! Cũng mượn tiền gia đình, cũng 3,4 tháng không bán được nên vào danh sách “chuẩn bị bị đuổi”, cũng nản lên nản xuống khóc lóc đòi nghỉ mà lúc đó sếp trên không cho vì đánh giá là “có tố chất, chỉ cần cố gắng”.

Vậy cái gì làm cho họ thành công? Họ có quyết tâm. Khi dấn thân vào làm là chỉ có thể thành công, không có khái niệm “không hợp thì nghỉ”, hay chăng trong số họ có 1 câu chuyện, 1 hoàn cảnh riêng không cho phép họ bỏ cuộc. Từ lối tư duy đó họ vạch ra mục tiêu cho bản thân phải làm gì để khắc phục điểm yếu, phải nỗ lực thêm gì nữa để bổ sung kỹ năng, tạo ra cảm giác yêu nghề mỗi ngày. Ngày qua ngày phấn đấu hoàn thiện, dù đã hay sẽ thì mục đích của họ nhất định phải là The Best Seller, và cao hơn nữa!

Độc giả Kim Cương