-Có nhiều ý kiến quanh việc Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp hạ đê sông Hồng xuống cao độ dương 12,4 mét, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Liên quan đến kế hoạch xây cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên, Hà Nội đã 2 lần gửi văn bản tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Lần thứ nhất là vào ngày 31/10/2016. Tháng 12/2016, trong văn bản hồi âm, Bộ Nông nghiệp thống nhất với đề nghị của Hà Nội điều chỉnh kết cấu đoạn đê hữu sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, chiều dài khoảng 1.100m. Trong đó thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị.

{keywords}

Nhiều ý kiến trái chiều trước đề xuất hạ đê sông Hồng của Hà Nội

Khẳng định đây là tuyến đê cấp đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn lũ trong khu vực trung tâm Hà Nội, Bộ Nông nghiệp đã đề nghị Hà Nội chỉ đạo thực hiện phương án thiết kế phải đảm bảo cao trình mặt đê đất (đỉnh đê hiện là dương 15,6 mét) sau khi hạ không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình, tức là dương 13,5 mét.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án hộ đê, quản lý vận hành đảm bảo an toàn khi có lũ, đặc biệt là trường hợp tường chắn, cửa khẩu bị sự cố. Hà Nội cần tiếp tục tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của Hội Thủy lợi Việt Nam, ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi.

Ngày 24/1/2017 Hà Nội lần thứ hai có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp cho hạ cao trình mặt đê đoạn từ khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ dương 12,4 mét và muốn Bộ Nông nghiệp xem xét.

Trước thông tin này, nhiều người dân sống ven đoạn đê này khá lo lắng vì đây là tuyến đê cấp đặc biệt quan trọng đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội. Việc hạ một đoạn cốt đê có thể làm ảnh hưởng đến kết cấu toàn bộ đê sông Hồng.

Bà Sáu – người dân sống tại khu vực này cho rằng: “Đê này thực chất là đê để chống lũ của Hà Nội, nên không biết hạ đê có ảnh hưởng đến tính mạng của dân hay không, nhất là những khi mưa lũ về”. Nhiều người dân cũng lo lắng: “Nếu mặt đê hạ thấp thì chúng tôi lo ngại sẽ bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt”.

Một số chuyên gia cho rằng, lo lắng của người dân hoàn toàn có cơ sở bởi khi thay thế một phần đê đất bằng tường bê tông chưa khẳng định có đảm bảo an toàn cho việc chống lũ hay không.

GS – TS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, Hà Nội xin phép từ 12,4 đến 13,4m thay phần đất của đê để ngăn nước lũ bằng bức tường bê tông nằm ở phía sông. Việc thay đất bằng tường bê tông đừng gọi là hạ đê. Điều quan trọng là bức tường đó phải đảm bảo được ổn định.

“Trong thủy lợi quy định không bị lật, không bị trượt, thấm thì bây giờ Hà Nội đang mời các chuyên gia mời góp ý và cũng đã gửi bộ NN&PTNN xin ý kiến và bộ đã có ý kiến phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Bảo đảm tuyệt đối an toàn cũng chính là trông vào bức tường bê tông đó” – ông Hồng nói.

Trong khi đó, nêu ý kiến về vấn đề này TS Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị cho rằng, việc hạ thấp đê xuống để xây đường giao thông cần hết sức lưu ý, hết sức cẩn trọng. Vì đê của chúng ta đã được hình thành lên từ bao năm qua nhiều thế hệ ông cha ta đã đào đắp lên và hình thành nó. Tại sao hình thành ở độ cao như vậy đều có lí do cả.

“Có lí luận cho rằng bây giờ chúng ta đã xây 3 bậc thủy điện rồi ở Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình cho nên nước sông Hồng nhiều năm nay không dâng cao lên như trước và thậm chí sông Hồng nhiều khi rất cạn nước. Tôi cũng biết điều này nhưng cũng lưu ý rằng chúng ta đang trong thời kỳ biến đổi khí hậu và biến đổi khí hậu thì sự biến động của thời tiết của thiên nhiên là không thể lường hết được. Thực tế ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia hay ngay chính ở Việt Nam thời gian qua ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung có thể nói bão và mưa với cường độ rất cao. Mà sông Hồng hiện đã cạn rồi lòng sông không còn rộng như ngày xưa nên việc nước dâng cao là có thể có. Nếu không cẩn thận thì sẽ xảy ra thảm họa” – TS Thủy phân tích.

“Những năm 70-80 thế hệ chúng tôi đã chứng kiến nước sông Hồng đã mấp mé đê. Lúc đó Hà Nội gần như nằm dưới mực nước và khả năng gây ra lũ lụt thảm họa rất cao. Vì vậy trải qua hàng nghìn năm nay ông cha ta đã xây hệ thống đê như vậy. Theo tôi không nên hạ thấp độ đê ảnh hưởng đến an toàn của Hà Nội”.

Cũng theo vị chuyên gia giao thông này, những năm tôi làm ở Bộ Giao thông tôi chứng kiến Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên lúc ấy đã chỉ đạo việc biến đê Nguyễn Khoái đi qua bến xe Lương Yên từ con đê trở thành đường giao thông thì vẫn giữ nguyên độ cao của con đê đó chỉ có bồi đắp lên tạo độ cứng và độ vững chãi. Tất cả các tuyến liên quan đến dòng nước lên xuống chảy ra sông vẫn giữ nguyên. Hạ thấp độ cao là điều cần hết sức chú ý không tác động đến phần đê đã có.

“Tôi cho rằng làm gì thì làm nhưng cũng không nên hạ độ cao so với trước đây. Đê phải có móng của nó. Chúng ta không thể lường hết được diễn biến của thời tiết, thay đổi khí hậu. Phải cẩn trọng có thể mươi mười lăm năm không xảy ra nhưng nếu xảy ra thì sẽ là thảm họa” – vị chuyên gia nhấn mạnh.

Còn theo TS – KTS Đào Ngọc Nghiêm, vấn đề này liên quan nhiều đến việc trị thủy sông Hồng liên quan đến quy hoạch hai bên sông Hồng. Quy hoạch hai bên sông Hồng đang nghiên cứu mà đã làm thế thì chưa ổn.

Công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên là1 trong 8 công trình cấp bách, trọng điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội đã được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù tại Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 5/4/2016. Tuy nhiên đến nay sau gần 10 tháng công trình cấp bách trên vẫn chưa được khởi công.

VietNamNet tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Hồng Khanh

Hà Nội đề xuất hạ cốt đê sông Hồng: Bộ Nông nghiệp nói gì?

Hà Nội đề xuất hạ cốt đê sông Hồng: Bộ Nông nghiệp nói gì?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đây là tuyến đê cấp đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội đề xuất hạ đê sông Hồng mở đường giao thông

Hà Nội đề xuất hạ đê sông Hồng mở đường giao thông

UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến thống nhất với phương án hạ cốt đê sông Hồng đến cao độ dương 12,4m

2 phương án quy hoạch hai bên sông Hồng

2 phương án quy hoạch hai bên sông Hồng

Ba nhà đầu tư là Vingroup, Sungroup và Geleximco sẽ lập đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Chủ tịch Hà Nội làm trưởng ban chỉ đạo lập quy hoạch đô thị sông Hồng

Chủ tịch Hà Nội làm trưởng ban chỉ đạo lập quy hoạch đô thị sông Hồng

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung làm Trưởng Ban chỉ đạo.

22 năm trên giấy, siêu dự án Trấn sông Hồng được tái khởi động

22 năm trên giấy, siêu dự án Trấn sông Hồng được tái khởi động

UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định tái khởi động lại dự án siêu đô thị ven sông Hồng sau 22 năm dự án này chỉ nằm trên giấy.

Đề xuất siêu dự án giao thông, thủy điện trên Sông Hồng

Đề xuất siêu dự án giao thông, thủy điện trên Sông Hồng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua đề xuất đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với Thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành).