Người dân “khu ổ chuột” Mả Lạng cho biết họ mong sớm được di dời nhưng phải được đền bù với giá hợp lý, tương xứng với giá bán của khu căn hộ siêu sang Alpha City đang được xây dựng ở gần đó.

Lấp sông làm dự án kiếm lời, dân khốn khổ vì ngập lụt

Chấn động miền Tây, đại gia lấp sông làm dự án

Khu “ổ chuột” lớn nhất trung tâm

Khu Mả Lạng được bao bọc bởi 4 tuyến đường lớn là Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh và Trần Đình Xu, đều thuộc phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM).

Một số người dân ở đây cho biết, trước năm 1975, nơi này là nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ nằm lộn xộn, xen lẫn nhà dân. Lạng qua lạng lại đều thấy mả nên người dân gọi là Mả Lạng.

{keywords}
Nhà bà Thu rộng 14m2 nhưng có tới 13 người ở

Năm 1975, cả khu vực này bị cháy rụi sau một trận pháo kích. Sau đó, chính quyền TP đã có chủ trương đưa người dân nơi đây đi xây dựng vùng kinh tế mới. Nhưng những năm sau đó, người dân lại quay trở về Mả Lạng sinh sống. Những năm 1977-1982, các ngôi mộ được dời đi nhường chỗ cho những người đi kinh tế mới trở về. Họ dựng nhà để sinh sống tạm bợ cho đến nay.

Bà Hoàng Thị Hoa (SN 1953) cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở khu Mả Lạng này. Năm 1975, bà và gia đình cũng đi xây dựng vùng kinh tế mới ở khu vực nay thuộc thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

“Chúng tôi là dân thành phố, trước nay đâu biết làm nương làm rẫy thế nào. Tới vùng kinh tế mới, suốt ngày phải đi làm rẫy, đôi khi chỉ cần gặp một tổ kiến trên rẫy cũng đủ làm tôi sợ hãi. Chồng tôi lại có tật bẩm sinh ở chân, không làm được việc nặng nhọc. Cực khổ quá không chịu được, ở đó được hơn 1 năm, chúng tôi dắt díu nhau về lại Mả Lạng”, bà Hoa chia sẻ.

{keywords}
Nhà chật nên nhiều gia đình phải nấu nướng ở trước nhà

Về lại Mả Lạng, gia đình bà Hoa được cấp một mảnh đất rộng hơn 1m dài 6m. Ban đầu bà dựng nhà bằng tre lá, sau đó mới xây tường gạch, lợp mái tôn. Suốt một thời gian dài, đây là nơi trú ngụ của vợ chồng bà và 3 người con.

Hàng ngày, bà Hoa làm hủ tiếu ngay trước cửa nhà để bán cho bà con quanh khu Mả Lạng vào buổi sáng, bằng cách bưng tới tận nhà cho khách. Mỗi ngày bán hàng bà lãi được khoảng hơn 100.000 đồng. Đối với người phụ nữ này, cuộc sống chỉ cần vậy là đủ.

{keywords}
Nhiều nhà dựng xe máy ở ngoài hẻm cả ngày lẫn đêm

Cũng tương tự như gia đình bà Hoa, đa số các hộ dân khác ở khu Mả Lạng đều có nhà rộng khoảng trên dưới 10m2. Nhiều gia đình phải đun nấu ở ngoài cửa, để xe cả ngày lẫn đêm ở dọc hẻm, vì trong nhà quá chật. Cuộc sống của họ chủ yếu nhờ vào công việc buôn bán nhỏ ở lề đường quanh khu vực quận 1.

Phải được đền bù từ 200-300 triệu/m2 mới di dời

Được biết, từ năm 2000 “khu ổ chuột” Mả Lạng được lập dự án rồi giao Tổng công ty địa ốc Sài Gòn thực hiện. Đến năm 2006, dự án được chuyển giao cho tập đoàn Bitexco xây dựng cao ốc Văn phòng - Trung tâm thương mại - Căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị. Theo thống kê, khu vực này có diện tích đất thu hồi hơn 6,8ha, tổng số nhà giải tỏa gồm 1.424 căn. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

{keywords}
Dự án căn hộ hạng sang Alpha City cạnh “khu ổ chuột” lớn nhất trung tâm

Trao đổi với phóng viên VietNamNet về việc này, nhiều người dân ở khu Mả Lạng cho biết, họ có được thông báo về việc khu vực nhà mình nằm trong diện quy hoạch dự án từ hơn chục năm nay. Các cơ quan chức năng đã tới đo đạc, ghi nhận hiện trạng, yêu cầu người dân không sửa chữa cơi nới thêm. Chính quyền cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các hộ dân ở đây để bàn về việc đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa chốt được thời gian giải tỏa và chưa biết giá đền bù ra sao.

Những người dân ở đây cũng cho biết, dù cuộc sống chật chội và còn nhiều khó khăn nhưng đa số đều muốn sinh sống ở đây. Họ cho rằng, quận 1 vẫn là khu vực dễ kiếm tiền nhất, giao thông thuận tiện, nếu phải di dời tới nơi khác họ cũng chưa biết làm gì để sống.

Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải di dời thì những người dân ở đây cũng đồng thuận, với điều kiện giá đền bù phải hợp lý. Theo người dân, họ được biết việc giải tỏa khu đất này là để xây cao ốc, trung tâm thương mại, căn hộ hạng sang. Ngay giáp khu Mả Lạng, cũng đang có dự án căn hộ hạng sang Alpha City, đang xây dựng và được chào bán với giá từ 8.000 - 10.000 USD/m2. Vì vậy giá đền bù cho người dân bị giải tỏa cũng phải tương xứng.

Bà Nguyễn Thị Kim Thu (49 tuổi), cho biết: “Tôi có người bạn ở khu Cô Giang-Cô Bắc, nhà nó trên chung cư mà còn được đền bù 200 triệu đồng/m2, để di dời. Nó nói với tôi, mai mốt có di dời thì cũng phải đòi từ 200-300 triệu đồng/m2. Tôi thấy cũng phải được đền bù với giá đó thì mới di dời đi được. Bởi, nhà tôi có 14m2, 13 người ở nếu đền bù khoảng 100 triệu/m2 thì cũng chỉ được 1,4 tỷ. Số tiền đó chưa đủ để mua một căn chung cư nhỏ ở ngoại thành”.

Còn bà Hoa thì yêu cầu được cấp một mảnh đất, hoặc một căn nhà ở quận 1, dù nhỏ cũng được, chứ bà không quen sống trên chung cư. “Tôi già rồi sống trên chung cư có cháy nổ tôi không chạy được. Hơn nữa, ở chung cư tôi cũng không thể bán hủ tiếu được nữa. Do đó, mong được đền bù tái định cư một cách hợp lý”, bà Hoa chia sẻ.

Mạnh Đức

Dân Vũng Tàu khiếu nại giá đền bù dự án 5,4 tỷ USD

Dân Vũng Tàu khiếu nại giá đền bù dự án 5,4 tỷ USD

Một số gói thầu trong Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam, có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD, gặp khó khăn vì một số người dân địa phương khiếu nại, không đồng ý về giá đền bù.

Người Hà Nội khóc dở, mếu dở vì trót ôm chung cư cũ chờ đền bù

Người Hà Nội khóc dở, mếu dở vì trót ôm chung cư cũ chờ đền bù

Nhiều hộ dân sống tại các chung cư cũ tại Hà Nội đang khóc dở, mếu dở trong những căn phòng cũ nát, ẩm thấp chỉ 18-20m2 và lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi, vì trót bỏ tiền tỷ ra mua nhà tập thể cũ chờ cải tạo.

Cưỡng chế giải phóng mặt bằng chung cư tiền tỷ hoang tàn trên đất vàng Hà Nội

Cưỡng chế giải phóng mặt bằng chung cư tiền tỷ hoang tàn trên đất vàng Hà Nội

UBND quận Đống Đa vừa ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất (thu hồi diện tích căn hộ) đối với 11 hộ dân để thực hiện dự án Cải tạo chung cư cũ L1, L2 (Khu Nam Thành Công) tại số 93 Láng Hạ.