Hà Nội dự kiến xây dựng 4 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ có một làn sóng mới trên thị trường bất động sản, giá đất khu vực các cầu đi qua sẽ tăng theo cấp số nhân.

Hà Nội có chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là 4 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống với tổng kinh phí 32.500 tỷ đồng (tương đương hơn 1,4 tỷ USD). Để có kinh phí xây dựng, thành phố sẽ thực hiện theo hình thức BT, dự kiến sẽ phải thanh toán cho các nhà đầu tư quỹ đất là 836ha. Quỹ đất này nằm rải rác tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Dục Tú (huyện Đông Anh); các xã Yên Thường, Yên Viên, Dương Xá, Đông Dư, Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) và các phường Long Biên, Cự Khối (quận Long Biên).

Đáng chú ý nhất là dự án xây dựng cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng nối khu vực trung tâm quận Tây Hồ với khu vực mới đang phát triển ở huyện Đông Anh. Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên được xây dựng đồng bộ, điều này khiến cho giá đất các khu vực ngoại thành Hà Nội đang có bước chuyển động.

Cầu chưa xây, giá đất đã rục rịch tăng

Theo tìm hiểu của PV, khi nghe tin dự án xây cầu Tứ Liên đi qua xã Xuân Trạch, huyện Đông Anh, Hà Nội, người dân khu vực này khá hào hứng, hy vọng có thêm cơ hội chuyển đổi hình thức kinh doanh cũng như giá bất động sản sẽ tăng lên. Thực tế, các nhà môi giới bất động sản đã đưa thông tin dự án cầu Tứ Liên cũng như những công trình trọng điểm đang được triển khai làm điểm cộng cho giá bất động sản của khu vực này tăng lên.

{keywords}

Đất khu vực Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) sẽ tăng mạnh? (Ảnh N.G)

Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua đất, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Hoàn- một tay môi giới bất động sản ở khu vực huyện Đông Anh tư vấn: “Giá đất khu vực này thời gian tới sẽ tăng mạnh, bạn không chớp cơ hội khi giá còn rẻ thì uổng lắm. Nhiều tập đoàn lớn có kế hoạch phát triển các dự án bất động sản tại khu vực này, bạn cứ tìm hiểu thêm, nếu có nhu cầu thì liên hệ lại mình”.

Để câu khách, anh Hoàn không quên “cài” thêm thông tin dự án trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia 3 được xây dựng trên địa bàn xã Xuân Canh, Mai Lâm và Đông Hội thuộc huyện Đông Anh. Anh này cũng cho hay, theo quy hoạch giao thông, cầu Tứ Liên sẽ chạy qua khu vực dự án trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia dự kiến hoàn thành vào năm 2021, giá đất khu vực này sẽ tăng mạnh.

Cũng theo tìm hiểu của PV, đất xung quanh khu vực dự án công viên Kim Quy, nằm tại giao lộ giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường 5 kéo dài thuộc địa phận huyện Đông Anh, có quy mô diện tích hơn 100ha cũng được các môi giới bất động sản đưa ra chào mời khách hàng.

{keywords}

Dự kiến Hà Nội sẽ chi 32.500 tỷ đồng xây các cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống

Tại khu vực huyện Đông Anh, mặt bằng giá đất đã tăng cao hơn khoảng 30% so với cách đây 2 năm, đã có những tín hiệu giao dịch trở lại. Hiện những lô đất ở trục đường lớn có mặt bằng giá khoảng trên 30 triệu đồng/m2, đi sâu vào bên trong các khu dân cư mặt bằng giá dao động từ khoảng 15-20 triệu đồng/m2.

Khu vực phường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nơi đây dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng giá đất rục rịch tăng nhẹ. Theo người dân, giá nhà đất ở khu vực Chương Dương Độ dao động từ 60 - 70 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi có dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, giá nhà đất đã tăng lên thành 70 - 80 triệu đồng/m2.

Thận trọng với “vết xe đổ” đất Ba Vì năm 2010

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc xây dựng 4 cây cầu (cầu Tứ Liên, cầu Đuống, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên-PV) là cần thiết cho việc xây dựng hệ thống mạng lưới chung cho Hà Nội, đảm bảo giao thông cho khu vực trung tâm với các con sông xung quanh Hà Nội. Đây cũng là cú hích cho thị trường bất động sản.

Nhận định về khả năng tăng giá bất động sản ở khu vực trên, các chuyên gia bất động sản cho rằng, khi các cây cầu được hoàn thiện sẽ tạo sự thuận lợi cho việc đi lại cũng như tạo ra sự kết nối tốt hơn với khu vực nội đô. Như vậy có thể thấy đây là động lực rất lớn đối với thị trường bất động sản ở khu vực phía Đông Hà Nội.

Theo ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát, khi có các cây cầu mới, hiển nhiên sẽ có tác động tích cực tới việc phát triển bất động sản cũng như câu chuyện về giá. “Giá bất động sản sẽ tăng nhưng không phải là tăng ảo mà sẽ tăng theo đúng giá trị, một số vị trí sẽ có biên độ tăng giá cao hơn chứ không có khả năng tất cả cùng tăng mạnh”, ông Giang nói.

Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng: “Bốn cây cầu sẽ tạo ra 4 vùng phát triển mới, như ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên. Ngày xưa giá chỉ 1 đồng thì sau khi có cầu giá có thể là 100 đồng. Tất nhiên, phải tính toán hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư. Câu chuyện nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất”.

Mặc dù đánh giá thị trường bất động sản sẽ tăng song đại diện CLB Bất động sản Hà Nội vẫn đưa ra khuyến cáo, các nhà đầu tư nên thận trọng khi đổ tiền vào khu vực này, tránh tình trạng đầu tư không tính đến quy hoạch nhưng lại ôm đất, rơi vào tình cảnh vỡ nợ như khu vực Ba Vì hồi năm 2010.

Theo Người đưa tin

Hà Nội đề xuất xây cầu Vĩnh Tuy 2 với cơ chế đặc thù

Hà Nội đề xuất xây cầu Vĩnh Tuy 2 với cơ chế đặc thù

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo đề xuất với Thủ tướng cho đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Hà Nội hạ cốt đê Nghi Tàm để xây cầu vượt An Dương

Hà Nội hạ cốt đê Nghi Tàm để xây cầu vượt An Dương

Hà Nội sẽ hạ cốt đê Nghi Tàm, thay thế bằng đê bê tông để xây dựng cầu vượt An Dương – đường Thanh Niên.