Hành khách đi máy bay trong nước chỉ còn nhớ láng máng cái tên Air Speed Up, Trãi Thiên Cargo, Indochina Airlines, Air Mekong, mặc dù các hãng máy bay này từ giã đường băng chưa lâu. Trãi Thiên Cargo chưa “go” được chuyến nào đã “thăng thiên”, ông chủ hào hoa và đào hoa Hà Dũng vùi trong đống nợ cùng giấc mơ “Tăng tốc” thành tang tóc, Air Mekong xin tạm ngừng bay để tái cơ cấu trong nỗi tuyệt vọng không thể “tái xuất giang hồ”.

Jetstar Pacific sống sót qua cơn nước lửa nhưng không còn là mình, phải nương nhờ vào ông chủ Vietnam Airlines để chỉ lưu lại cái tên. Xét cho cùng trên bầu trời rộng lớn, chỉ duy nhất Vienam Airlines…

Nếu như, không có một Vietjet Air trẻ măng xuất hiện.

Cậu Vietjet Air trẻ người nhưng không non dạ trong một cuộc cạnh tranh vào thị trường hàng không vô cùng khó khăn. Thực tế đã chứng minh, việc doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước thì lợi thế không thể chia đều cho cả hai bên. Thế nhưng, cục diện thương trường có khi cho ra đáp số không như dự đoán.

{keywords}

Những bước tiến nhanh chóng của Vietjet Air như thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường hàng không. Người dân đã có thêm sự lựa chọn vì sự độc quyền bị phá bỏ. Dù chịu nhiều sức ép cạnh tranh với đối thủ mạnh hơn về thế và lực, nhưng những chuyến bay giá rẻ chở khách “xách túi nilông” (theo cách nói của Bộ trưởng Đinh La Thăng) vẫn cứ bay ngày một nhiều. Các công ty du lịch lữ hành sướng rơn vì có một đối tác sẵn sàng ký hợp đồng chở khách đoàn với giá linh hoạt và phù hợp. Lợi ích của việc phá bỏ độc quyền trước hết là người dân được hưởng, sau đó là hình ảnh của một quốc gia trên bản đồ hàng không quốc tế.

Sự có mặt của Vietjet Air cũng có tác động tích cực đến Vietnam Airlines. Khi có đối thủ cạnh tranh, tất nhiên Vietnam Airlines cũng phải có những cải cách để giữ uy thế của hãng hàng không quốc gia, thu hút hành khách, mở rộng thị trường. Hãy nhìn cuộc cạnh tranh với một cái nhìn tích cực, sẽ thấy sự ra đời của một hãng hàng không tư nhân có lợi cho cả đôi bên và có lợi cho toàn xã hội.

Nhưng thật không may cho Vietjet Air khi sự cố đáp nhầm sân bay xảy ra. Nếu so với việc rơi mất một chiếc bánh máy bay của Vietnam Airlines tháng 10 năm trước thì trường hợp nào nghiêm trọng hơn đã quá rõ. Thế nhưng, cái hãng máy bay mang dòng máu “tư nhân” bị giám sát đặc biệt ngay lập tức.

Giám sát đặc biệt nên làm nếu thấy cần thiết về đảm bảo an toàn và để giúp cho hãng máy bay này hoạt động tốt hơn. Điều này khác với lời bóng gió sẽ không cho Vietjet Air nhận thêm máy bay cuối năm nay vì chưa đủ lực. Vấn đề đặt ra là ngành giao thông và Cục Hàng không VN hỗ trợ cho Vietjet Air đủ lực để nhận thêm máy bay phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân.

Siết chặt quản lý không phải để giết chết doanh nghiệp, mà để cho doanh nghiệp mạnh hơn.

(Theo Lao động)