- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan sẽ là 1 trong 4 vị khách mời tham dự buổi bàn tròn trực tuyến về chủ đề: “ Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số: Thách thức ở Việt Nam”, chương trình sẽ diễn ra 10h sáng mai 23/5.


Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, dù đang ở giai đoạn đầu đã thực sự lan tỏa và bùng nổ trên khắp các quốc gia và nền kinh tế. Ở thế kỷ 21, nền sản xuất của con người đạt đỉnh cao của sự thông minh, với các ứng dụng kỹ thuật sáng tạo không ngừng, với nền tảng công nghệ số, với mạng lưới internet của vạn vật và trí tuệ nhân tạo… Và câu hỏi nguồn nhân lực nào cho kỷ nguyên số đã trở thành một yêu cầu cấp thiết của mọi quốc gia.

Tầm quan trọng và tính cấp bách đã đưa vấn đề này trở thành một trong những nội dung quan trọng mà đại biểu của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vừa họp bàn tại Hội nghị Quan chức cấp cao APEC lần thứ 2 (SOM 2)- sự kiện đã diễn ra tại Hà Nội trong các ngày từ 9-21/5 vừa qua.

Có thể nói, tất cả các nền kinh tế thành viên APEC, dù là nước phát triển hay đang phát triển, đều đang đối mặt những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với vấn đề này như thế nào?

Mời bạn đọc theo dõi bối cảnh vấn đề tại video phóng sự sau: 


Chia sẻ với VietNamNet, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nói: “Trong điều kiện bình thường, việc nhân cao chất lượng nguồn nhân lực đã là quan trọng. Nhưng đặc biệt, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tái cấu trúc lại cơ cấu sản xuất toàn cầu với sự tham gia mạnh mẽ của trí tuệ thông minh, người máy”

“Một loạt lao động giản đơn sẽ bị thay thế bởi người máy. Ngay cả các lao động kỹ thuật chuyên nghiệp ở mức trung bình cũng sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời gian tới, rút ngắn khoảng cách đối với các nước, thậm chí có thể vượt lên, chắc chắn là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao rất là cấp thiết”, ông Lộc nhấn mạnh.

Để góp một tiếng nói về vấn đề này, bàn tròn trực tuyến “Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số: Thách thức ở Việt Nam” do báo VietNamNet phối hợp với báo Thế giới và Việt Nam thực hiện sẽ diễn ra lúc 10h ngày 23/5/2017.

Chương trình đồng thời live stream qua fanpage Vietnamnet.vn.

Bàn tròn trực tuyến có sự tham dự của 4 vị khách mời:

{keywords}
4 khách mời: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (bên trái), TS Huỳnh Quyết Thắng (bên trên), ông Hoàng Nam Tiến (giữa, bên dưới), TS Đào Quang Vinh (góc phải) (ảnh: VietNamnet)

- Ông Vũ Khoan, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

- TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH

- PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT (FPT Sofware)

Trước đó, theo ghi nhận của VietNamNet, các vấn đề về lao động- việc làm ở Việt Nam cũng bắt đầu có những biến chuyển mạnh mẽ. Áp dụng công nghệ cao đang được các doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đầu tư.

Tại công ty TNHH 4P (nhà cung cấp linh kiện cấp 1 cho hãng LG), để hoàn thiện một bản mạch điện tử, những thao tác dán linh kiện mà công nhân đang đảm nhiệm sẽ được thay thế hoàn toàn bởi các con robot trong tương lai không xa. Mục tiêu ở công ty này là sẽ giảm tới 10% lao động sau khi áp dụng công nghệ mới vào nhà máy.

Tương tự, tại nhà máy Hyundai Thành Công, việc sắp xếp, lưu trữ, giao nhận linh kiện ô tô trong kho linh kiện, dự kiến sẽ vận hành vào tháng 7 tới đều tự động hoá hoàn toàn với sự trợ giúp của robot và phần mềm máy tính.

Rõ ràng ngay tại Việt Nam, những nhà máy thông minh sẽ ra đời. Dây chuyền sản xuất ngày càng vắng bóng người. Máy móc sẽ tự động chạy để làm thay con người mọi công đoạn khó. Toàn bộ quá trình quản trị sản xuất hay quan trị con người cũng đều được số hoá.

Bởi vậy, bài toán nguồn nhân lực thích ứng, nhập cuộc với một nền sản xuất hiện đại, công nghệ cao này không phải là vấn đề đơn giản.

Trân trọng mời bạn đọc đón xem và theo dõi chương trình, xin cảm ơn!

VietNamNet