- “Chúng ta cần cù lụi hụi thế thôi, chứ cần cù sáng tạo thì thiếu rất nhiều”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan lo ngại về sự thích nghi của người lao động Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Xem đầy đủ:

Xem phần I:


Nhân Hội nghị Quan chức cấp cao APEC lần thứ 2 vừa diễn ra tại Hà Nội, báo VietNamNet phối hợp với báo Thế giới và Việt Nam thực hiện.
Bàn tròn trực tuyến “Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số: Thách thức ở Việt Nam”. Đây cũng chính là chủ đề của một phiên Đối thoại chính sách cấp cao trong khuôn khổ hội nghị này.

Chương trình với sự tham dự của 4 vị khách mời.

- Ông Vũ Khoan, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

- TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH

- PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT (FPT Software)

Ở phần 1 của bàn tròn, sự thất nghiệp hàng loạt bởi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực những ngành nghề mới cao gấp 2-4 lần so với khả năng đào tạo. Chủ tịch Công ty FPT Software, ông Hoàng Nam Tiến đã khẳng định quan niệm tuyển dung: “Không cần bằng cấp, làm được là được”. Điều này đã được các khách mời đồng tình với góc nhìn, chính tư duy nặng bằng cấp đang là một rào cản phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Ở phần 2, câu chuyện bằng cấp và trình độ tiếp tục được xới xáo, song, quan trọng hơn là bản thân chính mỗi người lao động Việt Nam cũng cần phải thay đổi đặc tính “xấu xí” để nhập cuộc thời đại mới.

Chúng tôi mời quý bạn đọc theo dõi tiếp đoạn lược trích phần 2 của bàn tròn tại video sau:

Xem thêm phóng sự: Doanh nghiệp nói gì về đào tạo nhân lực?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: APEC tập hợp 21 nền kinh tế, nhiều trong số đó rất tiên tiến trong lĩnh vực khoa học công nghệ như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… Họ tự sáng tạo rồi tự đào tạo ra người lao động, thế mà họ vẫn thiếu nhân lực. 

Chính bởi vậy, chúng ta đứng trước một thách thức mới. Đó là việc các nước tiên tiến có nhu cầu nhân lực như vậy nên chất xám mà Việt Nam đạo tào ra, lại chảy ra bên ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay cũng đã mở cửa cho lao động nước ngoài nên chính những lao động ở các nước tiên tiến này cũng đã “chiếm” mất một phần việc làm của người lao động trong nước.

Ở đây, nảy sinh một vấn đề mà tôi nghĩ chúng ta vừa rồi trao đổi chưa đề cập đến. Chúng ta mới nhắc đến đối tượng là những người sử dụng (sử dụng công nghệ số- PV), còn có hai loại đối tượng nữa chưa bàn đến. Nếu không giải quyết vấn đề này thì sẽ không thể thay đổi được tình hình thách thức nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Đó là nhóm đối tượng đang làm việc trong bộ máy của chúng ta. Chưa thấy ai bàn đến chuyện đào tạo lại họ cả. Nếu không đào tạo lại họ thì họ làm sao thích ứng được với tình hình mới này. Ngay như các công nhân ở các nhà máy giờ cũng đã đạt trình độ và sử dụng nhiều thứ tiên tiến. Giờ, ưu thế lao động rẻ của ta không còn ăn thua nữa rồi. Bây giờ, tất cả đều đặt vấn đề yêu cầu lao động chất lượng cao rồi. Việc đào tạo lại những nhóm đối tượng này, chúng ta chưa giải quyết được.

{keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (ảnh: Lê Anh Dũng)

Nhóm thứ hai, tôi rất lo. Đó là số lao động thừa ra, số mà chúng ta nói rằng sẽ bị thất nghiệp (vì robot, máy móc thay thế… PV), giờ đào tạo họ như thế nào? Số này, chúng ta làm thế nào đây? Họ phải sống chứ! Ai lo chuyện đó, làm thế nào đây? Tôi thấy vấn đề này cũng chưa được bàn kỹ tới.

Nếu cứ bàn theo cách vừa qua, những nhóm người này sẽ bị đẩy ra khỏi guồng máy, dưới tác động của các phát minh ra, rồi họ sẽ làm sao?

Tôi nghĩ là nên mở rộng chủ đề này ra.

Ngoài ra, một phương diện lớn nữa là sự bao trùm của chính sách. Chính sách giáo dục phải thế nào, cơ cấu sản xuất thế nào? Chính sách đối với người lao động sẽ phải thế nào? Đó là việc ở tầm cấp quốc gia.

Tôi nghĩ, các nước đều sử dụng chính sách để giải quyết vấn đề này. Các nước, người ta thay đổi chính sách giáo dục rất nhanh để đáp ứng kịp thời, còn ta cứ bàn đi bàn lại mãi, vẫn còn rất lúng túng.

Chính trong khuôn khổ hợp tác đa quốc gia, như trong khuôn khổ APEC, các hợp tác chính sách có rất nhiều.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, một vấn đề đặt ra nữa là trong khuôn khổ APEC, các nền kinh tế phát triển hơn sẽ cần có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy, giúp đỡ phát triển các quốc gia, các nền kinh tế kém hơn để cùng phát triển, kéo gần khoảng cách chênh lệch giữa các bên. Ông nhìn nhận vấn đề này trong APEC được giải quyết thế nào?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Trong khuôn khổ các tổ chức đa phương như ASEAN, APEC hay tổ chức khác,…ý tưởng giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau để thu hẹp khoảng cách luôn được đặt ra. Ý tưởng này cũng đã hình thành những văn kiện thỏa thuận chính thức, nhưng việc thực hiện lại được dựa trên hợp tác song phương. Bởi các tổ chức này không phải là một thực thể để làm các việc cụ thể đó mà chỉ đưa ra những khuôn khổ, định hướng, nguyên tắc thôi. Khi thực hiện cụ thể, ta phải có hợp tác song phương.

{keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Software, TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội (ảnh: Lê Anh Dũng)

Trong khối APEC, nước ta cũng có những chương trình riêng hợp tác với các nước tiên tiến.

Ví dụ như khi hợp tác với Mỹ, chúng ta có trường Đại học Fullbright được thành lập, cũng là một hướng. Rồi phía Mỹ cũng đã nhận học sinh của ta đưa đi đào tạo và đến giờ, có khoảng 16.000- 17000 học sinh sinh viên Việt được đào tạo theo các chương trình hợp tác này. Con số này không phải là ít.

Hay như hợp tác với Nhật, Nhật đã mở trường đại học của Nhật tại Việt Nam. Một mặt, họ giúp chúng ta trong việc đào tạo nhân lực nhưng cũng chính là giúp cho chính họ, phục vụ cho nhu cầu của họ nữa. Ví dụ, họ đào tạo những nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, cũng chính là đáp ứng nhu cầu ở Nhật với tình trạng dân số già. Hợp tác song phương là có đi có lại như vậy.

Ngoài ra, chúng ta cũng có chương trình hợp tác đào tạo với Nga ngay tại Việt Nam, rồi với Hàn Quốc… Như vậy, Việt Nam và các nước có những hợp tác chính sách rất nhiều trong lĩnh vực đào tạo nói riêng và lĩnh vực công nghệ số nói chung.

Tuy nhiên, mức độ kết quả cũng vừa phải và so với nhu cầu thì hãy còn xa lắm.

Ở đây, nếu Việt Nam không nâng trình độ của các trường đại học lên, chất xám sẽ chảy ra ngoài, các em đi học, đi làm rồi ở lại nước ngoài. Nếu không có chính sách và cách tiếp cận tổng thể thì sẽ rất lúng túng và khoảng cách tụt hậu sẽ ngày càng xa hơn. Lần này, sẽ là xa về chất chứ không phải xa về lượng.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Đào Quang Vinh, dưới góc nhìn của Viện Khoa học Lao động và xã hội, theo ông, trách nhiệm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong vấn đề này ra sao? Các chính sách tới đây làm thế nào để giải quyết những nút thắt này?

TS Đào Quang Vinh: Trước hết, tôi quay trở lại về Khuôn khổ hợp tác APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Khuôn khổ có 3 nội dung quan trọng. Thứ nhất là tương lai của việc làm và thị trường lao động, nội dung này bàn đến những hình thức việc làm, những thách thức cơ hội việc làm và thông tin thị trường lao động.

{keywords}
TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội (ảnh: Lê Anh Dũng)

Thứ hai là nội dung kỹ năng giáo dục và đào tạo, đưa ra các đòi hỏi kỹ năng trong kỷ nguyên mới mà doanh nghiệp đang cần, từ đó đặt ra yêu cầu đối với hệ thống giáo dục và đào tạo.

Thứ ba, chính là nội dung bác Vũ Khoan vừa nói, đó là nội dung về an sinh xã hội. Các nước cần có chính sách an sinh xã hội như thế nào để đối phó với tác động bất lợi khi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhiều lo lắng về sự thất nghiệp hàng loạt, người lao động có tay nghề thấp sẽ bị các robot tự động thay thế, rồi vấn đề trong bối cảnh già hoá dân số, tác dộng của biến đổi khí hậu… Nhiều thứ cùng tác động một lúc thì hệ thống an sinh xã hội cần được thiết kế như thế nào?

Ví dụ, ta thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội như thế nào, trợ giúp xã hội như thế nào? Các hệ thống chính sách xoá đói giảm nghèo tiếp cận đa chiều rồi phải thiết kế ra sao? Các hệ thống chính sách để giúp cho các nhóm đặc thù bị rơi vào những hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh mới…

Cụ thể hơn, hệ thống bảo hiểm xã hội phải thiết kế lại cho những hình thức việc làm mới… Ví dụ, việc làm trong nền kinh tế chia sẻ, chăm sóc. Với Uber, Grab, nảy sinh vấn đề là một người cùng lúc làm nhiều công ty khác nhau thì căn cứ hợp đồng lao động nào để đóng bảo hiểm xã hội? Trước đây, theo truyền thống, anh làm việc ở một nơi thì căn cứ theo hợp đồng đó để đóng bảo hiểm, giờ khác.

Về đào tạo, giáo dục kỹ năng, có thể thấy qua nhiều nghiên cứu gần đây rằng, giáo dục từ phổ thông cũng cần căn cứ vào yêu cầu thực tiễn như thế nào.

Có thể thấy, thứ nhất là kỹ năng về chuyên môn kỹ thuật, vấn đề này đã rõ. Nhưng kỹ năng thứ hai là nhóm kỹ năng về nhận thức. Vấn đề này không thể thay đổi một sớm một chiều. Đó là vấn đề về tư duy logic, khả năng làm việc nhóm, tính sáng tạo, khả năng phản biện, khả năng độc lập suy nghĩ khi giải quyết vấn đề. Những kỹ năng này khó có thể được cung cấp trong trường đại học mà cần được dạy cho các em ngay từ chương trình từ phổ thông, thậm chí là cấp 1. Nhiều người nói chỉ cần 2 thứ, một là IT, hai là ngoại ngữ, IT giỏi, tiếng Anh giỏi, là có thể tìm việc rất dễ.

Nhưng những thứ đó không phải bỗng dưng có mà nền tảng nhận thức kỹ năng như vậy phải được cung cấp cho các em từ rất sớm.

Như vậy trong thiết kế chính sách cần đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục chuyên nghiệp. Điều đó đặt ra những thách thức về thay đổi chính sách thị trường lao động, chính sách an sinh xã hội… như thế nào. Rất nhiều nội dung này đã được bàn thảo trong Khung hợp tác APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy trong tương lai tới, theo ông, cơ cấu việc làm và đặc trưng của người lao động sẽ thay đổi ra sao trong kỷ nguyên số?

TS Đào Quang Vinh: Tôi nghĩ trong thời gian tới, sự thay đổi sẽ diễn ra rất nhanh. Những nghiên cứu từ năm ngoái đến năm nay đã có những đánh giá nhận định đã khác nhau rồi. Theo khảo sát gần đây, việc đưa công nghệ mới vào các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến thực phẩm đã diễn ra rất nhanh. Nhiều robot tự động đã thay thế rất nhiều người lao động. Sự thay thế đó đã không còn là nguy cơ nữa.

{keywords}
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Software trao đổi với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (ảnh: Lê Anh Dũng)

Điều này đặt ra một loạt thách thức trong hoạch định chính sách đào tạo. Một số lượng lớn lao động đang cần được đào tạo lại, như nhóm lao động 30- 35-40 tuổi trong các doanh nghiệp may mặc, da giày… có trình độ tay nghề rất thấp. Số này phải giải quyết như thế nào? Rõ ràng, các chính sách hỗ trợ như bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ hỗ trợ thất nghiệp là chưa đủ. Chính phủ cần nhanh chóng có một chính sách mới để hỗ trợ nhóm lao động này.

Theo chúng tôi, vấn đề bây giờ không phải làm hay không mà là làm như thế nào, với tốc độ nhan như thế nào?

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa TS Huỳnh Quyết thắng, ông nghĩ thế nào về vai trò, trách nhiệm của các nhà trường trong vấn đề này. Liệu các trường cao đẳng, đại học có thể theo kịp tốc độ chóng mặt của cuộc CMCN 4.0 trong vấn đề đáp ứng đào tạo lao động hay không?

TS Huỳnh Quyết Thắng: Kỷ nguyên số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra rất nhiều thách thức đối với các trường Đại học. Tôi cho là, kỷ nguyên số sẽ định hướng lại cho các trường đại học một số việc.

Thứ nhất, nhu cầu nghề nghiệp thay đổi, thứ hai là các kỹ năng cá nhân rất quan trọng và thứ ba là người lao động Việt Nam cần tiếp cận với các nền tri thức tiên tiến trên thế giới.

{keywords}
TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh: Lê Anh Dũng)

Theo chu kỳ của nhà trường, đến thời điểm này là năm bắt đầu thay đổi chương trình đào tạo. Chúng tôi đang thay đổi chương trình theo hướng tích hợp. Trong đó, quan trọng nhất là thay đổi tư duy trong giảng dạy, học tập… Ví dụ, chúng ta có thể sử dụng được ngay nguồn tài nguyên học liệu mở trên thế giới, sử dụng các khóa học mở, các phòng thí nghiệm cho phép sinh viên làm việc tới khuya, các giáo sư online kết nối khắp thế giới, tạo thành một môi trường học tập mọi nơi, mọi lúc.

Cái cuối cùng rất quan trọng là làm việc hợp tác với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dưới góc độ của nhà trường, chúng tôi kiến nghị một vấn đề bất cập với chính phủ. Hiện nay, trong xã hội có những ngành nghề rất hot được nhiều sinh viên lựa chọn, có nhu cầu đào tạo rất lớn, nhưng cũng có những ngành nghề trụ cột quan trọng với nền kinh tế quốc gia thì ở thời điểm hiện tại, lại không hấp dẫn người học. Thế thì, Nhà nước cần có chính sách quyết liệt để giữ vững được những ngành nghề đào tạo này.

Ví dụ như trong quá trình đổi mới, công nghiệp hoá, ngành cơ khí, vật liệu… rất cần, Nhà nước phải có chính sách quyết liệt để hỗ trợ, giúp thúc đẩy đào tạo và thu hút người học những ngành nghề này, từ đó, chúng tôi có điều kiện hoàn thành trách nhiệm của mình với xã hội, đảm bảo cung cấp lực lượng kỹ sư cho sự phát triển trong dài hạn của đất nước. Chứ không phải là sự đào tạo lệch, chỉ có ngành hot rồi 10-15 nữa, quay lại thì lao động ở những ngành trụ cột lại không có. Như vậy thì rất nguy hiểm.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin được chia sẻ cùng ông Vũ Khoan! Với câu chuyện vừa đặt ra tại đây gắn với đặc tính của người Việt Nam, thường được nói là thông minh, tiếp thu nhanh nhưng bên cạnh đó, lại có không ít những hạn chế so với người Nhật Bản, hay người Mỹ về tác phong làm việc. Vậy, theo ông tới đây, mỗi người lao động Việt Nam sẽ cần phải thay đổi bản thân thế nào để có thể nhập cuộc với thời đại mới?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tôi nghĩ, thứ nhất việc cần thay đổi đầu tiên là tư duy ở cấp vĩ mô, cần nhận thức đầy đủ đặc điểm, tính chất diễn biến hiện nay trên thế giới tác động như thế nào đến nước ta, từ đó để đưa ra chính sách thích hợp.

{keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và ông Hoàng Nam Tiến (ảnh: Lê Anh Dũng)

Thứ hai, chúng ta cần thay đổi truyền thống văn hoá của con người Việt Nam về việc học. Đó là lối tư duy học để lấy bằng, học để làm quan. Nếu không giải thoát được tư duy này, cứ chạy theo kiểu học để lấy bằng, để làm quan thì sẽ không có người làm. Thay đổi văn hoá như vậy trong cả một xã hội là rất quan trọng và lâu dài.

Lâu nay, người Việt Nam có nhiều mặt mạnh về văn hoá nhưng cũng có mặt yếu như việc nặng về lý thuyết nhưng thực hành thì không nhiều lắm. Nói về sức sáng tạo là sáng tạo sửa chữa thôi, chứ còn sáng tạo tạo ra cái mới thì người Việt Nam không phải là thế mạnh.

Chúng ta cần cù là cần cù lụi hụi như vậy thôi, chứ cần cù sáng tạo thì rất thiếu… Chúng ta thường né tránh những mặt khiếm khuyết trong văn hóa và thường chỉ nhấn mạnh những mặt mạnh. Nếu chúng ta không khắc phục điểm yếu này thì làm sao chúng ta mạnh hơn được để mà thay đổi xã hội.

Từ nền tảng đó, mới tính đến tổ chức những việc cụ thể như vấn đề đại học, doanh nghiệp, lao động. Điểm đầu là thay đổi tư duy quản lý, điểm cuối là thay đổi tâm lý xã hội.

Nhưng tôi cũng xin nhấn mạnh là, không thể vội được. Muốn làm, phải thật căn cơ, chúng ta phải làm đến nơi đến chốn, từ tư duy, đến chính sách, đến xã hội. Bên cạnh đó, phải có những thích nghi nhanh, thích nghi ngay, không thể chờ được nữa rồi.

Trong cái thích nghi này, hợp tác quốc tế là một trong những điều có thể tận dụng được. Lợi thế là Việt Nam đang có quan hệ và hợp tác nhiều nước, từ đó thông qua hợp tác để nâng mình lên và để giải quyết vấn đề quốc gia của mình. Tôi nghĩ đó là những việc cần phải làm.

Thực hiện: Phạm Huyền- Thanh Trúc

Ảnh: Lê Anh Dũng

Video: Xuân Quý, Đức Yên, Huy Phúc, Bạt Tuấn, Thúy Hồng, Duy Tiến

Email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn