- Bộ quy tắc ứng xử chỉ là đối phó. Môi trường giáo dục cần một cuộc cách mạng mềm, với sự tôn trọng và yêu thương. Mời bạn đọc xem bản text phần III và là cuối của Bàn tròn trực tuyến “Làm gì khi môi trường giáo dục bị khủng hoảng?”


Bốn khách mời tham gia chương trình gồm:

-TS Tâm lý học TRẦN THÀNH NAM - Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội.

- PGS.TS CHU CẨM THƠ - Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo.

- Dịch giả NGUYỄN QUỐC VƯƠNG, Nghiên cứu sinh Giáo dục tại Trường Đại học Kanazawa, Nhật Bản, nổi tiếng với cuốn sách "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản".

- Nhà văn HOÀNG ANH TÚ, là anh "Chánh văn" quen thuộc với thế hệ 8x, 7x đọc báo Hoa Học Trò. 

XEM PHẦN III CỦA TALKSHOW BẢN EMAGAZINE- VIDEO

Cuộc cách mạng mềm cho giáo dục: Tôn trọng và yêu thương

Cuộc cách mạng mềm cho giáo dục: Tôn trọng và yêu thương

Môi trường giáo dục hiện nay cần một cuộc cách mạng mềm, với nền tảng của sự tôn trọng và yêu thương. Một Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường chỉ là đối phó

XEM LẠI PHẦN II:

Nhồi nhét khiến con cái trở thành nạn nhân của chính chúng ta

Nhồi nhét khiến con cái trở thành nạn nhân của chính chúng ta

Đổ tội cho ngành sư phạm là một sự thất bại! Nhồi nhét và chạy đua thành tích đã khiến con cái trở thành nạn nhân của chính phụ huynh chúng ta. 

XEM LẠI PHẦN I:

Giáo dục "ăn miếng trả miếng": Sau phẫn nộ là hoang mang

Giáo dục "ăn miếng trả miếng": Sau phẫn nộ là hoang mang

Sau phẫn nộ là hoang mang! Người thầy đã nhầm lẫn quyền lực. Bạo lực còn leo thang... Thông điệp từ chính những nhà giáo, nhà văn.

TA KHÔNG THIẾU QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG

ĐẠO ĐỨC NGHỀ GIÁO

Nhà báo Phạm Huyền: Với những chia sẻ của các khách mời, điều tôi muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng này?” Quan sát các vụ việc vừa qua, lại thấy, em làm việc chính nghĩa như em Toàn cuối cùng lại bị chính đám đông tẩy chay và phải chuyển trường, em bị uống nước giặt giẻ lau bảng cũng không biết cách tự bảo vệ mình và bạn học cùng lớp lại chính người đi giặt giẻ vắt nước.

Nếu trẻ em, học sinh được dạy cách bảo vệ chính mình và phân biệt được tính đúng- sai của hành vi ứng xử có lẽ đã không xảy những tình huống đau lòng như vậy.

Thưa PGS. TS Chu Cẩm Thơ, chúng ta phải làm gì để thay đổi tình trạng này? Quyền của thầy cô giáo và quyền của học sinh cần hiểu như thế nào? Quan niệm thầy cô luôn luôn đúng, học sinh phải nghe liệu còn phù hợp với xã hội hiện nay?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Tôi muốn bàn luận vài ý trước khi trả lời câu hỏi của bạn. Chúng ta cứ nghĩ rằng, chúng ta đang thiếu gì đó nhưng thực ra, về mặt thể chế, chúng ta không thiếu.

Luật Giáo dục năm 2005 đã được giới nghiên cứu đánh giá là một trong những luật cởi mở vấn đề của trường học, đã áp dụng mô hình quản lý dựa trên nhà trường ở Việt Nam, tính đến nay, 2018, đã là 13 năm.

Chúng ta nói đến Bộ Quy tắc ứng xử, như vừa nãy bạn nói, rất mừng vì nó sắp được ban hành trong năm học tới, nhưng nếu giờ chúng ta search google, sẽ thấy, không thiếu những quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, những quy tắc ứng xử, các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh, sinh viên.

Chúng ta có nhiều lắm những quy tắc, quy chuẩn đó, nhưng chỉ cần soi mình vào đó thì mới thấy, à, chúng ta làm sai nhiều lắm, rằng mình chưa dũng cảm để làm cho đúng thôi.

Nhưng tôi có một tư duy như thế này. Qua câu chuyện của các vị khách mời, tôi thấy, anh Tú sau quá trình tự vấn thì nói, ừ, lỗi của phụ huynh nhiều hơn lỗi của thầy cô giáo, thầy Vương cũng nói, ai cũng có lỗi cả và chúng ta cứ phải tự vấn đi và thầy thấy bức tranh giáo dục như có tảng đá chuẩn bị rơi vào đầu.

{keywords}
PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Tôi thì nhìn tích cực hơn. Giáo dục khác với tất cả các lĩnh vực khác. Vì sao chúng ta thấy những đứa trẻ lại lên án bạn của mình? Vì đơn giản với trẻ em, có những niềm vui mà khi nghĩ đến, lại làm xóa nhanh những nỗi buồn. Tại sao các em lại khóc ở trường hợp cô Hương (cô bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng-PV), vì các em nghĩ rằng, bạn P.A đã làm mất đi của các em một cô giáo- một người cô cũng đã đem đến cho các em niềm vui nào đó.

Tại sao bạn Song Toàn phải chuyển trường? Nhìn ở khía cạnh khác, sẽ thấy, trong những điểm tối, sẽ có những điểm sáng chạm vào trái tim của các học sinh bạn của Song Toàn ấy. Điểm sáng đó dễ dàng xóa đi điều tệ hại dù rằng, nó vốn rất rất tệ hại.

Cho nên, giáo dục khác các lĩnh vực khác ở chỗ, không thể vạch ra những gì phải thật rõ ràng và phải tuân thủ. Giáo dục là lĩnh vực mà phải dễ đi vào lòng người, ươm những mầm cây khô cằn trở thành những cây xanh tươi. Mỗi người cư xử bằng một “ học thuyết” cốt lõi của nghề, đó là xuất phát từ sự tôn trọng và yêu thương, không phải là dăn dạy trong các bộ quy tắc ứng xử.

Giáo viên không thể nào thành công nếu như mình chỉ là người dạy đúng và nếu như không có cảm xúc trong quá trình dạy học. Cô giáo đó sẽ không thể nào tồn tại được nếu như trước đây, cô chưa từng làm những điều tốt đẹp đối với học sinh.

Tôi rất chia sẻ với cô giáo 4 tháng không nói gì và bị cả xã hội lên án. Cô ấy nói rằng, bao nhiêu năm qua, cô chưa có một ngày nghỉ. Rất nhiều giáo viên và rất nhiều phụ huynh khác nhìn thấy rằng, cô đã tận tụy với nghề như thế nào? Cô đã giúp con của họ, dạy miễn phí rất nhiều những học sinh nghèo không có tiền đi học thêm. Đấy là những điều cô đã làm được.

Nhưng chỉ vì một lúc cô sơ sẩy, không nghĩ đến luân lý của nghề, là phải bằng tình yêu thương và sự tôn trọng, cô đã gặp phải phản ứng đó.

Đối với tôi, làm nghề rất đơn giản, hãy làm cho mọi người và chính mình nghĩ đến những cái phút tích cực, cảm xúc tích cực mang đến cho học trò, cho đồng nghiệp, cho phụ huynh thì những xảy ra mà chúng ta phải ứng xử, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng.

Còn nếu làm việc mà cứ bị áp lực, bị ràng buộc bởi những điều đó thì chắc chắn chúng sẽ sẽ bị phạm sai thôi. Không ai có thể làm đúng với một “mớ” những quy định như thế.

Nhưng lâu nay, như anh Tú nói đúng, khi xã hội mở cửa, mỗi một phụ huynh phải tìm cho mình một hệ giá trị trước khi chọn đến trường học. Tôi nói điều này không phải để đổ lỗi cho phụ huynh, nhưng nó giống như câu chuyện con gà quả trứng.

Có một điều chắc chắn rằng, chúng ta đang tiến hành đánh giá các vụ việc, đánh giá một con người thường chỉ dựa vào các hiện tượng mà quên đi yếu tố cốt lõi là gì? Ta xử lý các hiện tượng phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người khác, những đứa trẻ đã từng được hưởng hạnh phúc và sẽ nhớ mãi điều ấy, và khi có những đứa trẻ khác tước đi niềm hạnh phúc đó, cơ hội hạnh phúc đó thì sẽ phản ứng. Không ai có lỗi trong chuyện đó.

Vấn đề cần phải làm cho môi trường giáo dục này bằng sự tôn trọng và yêu thương thì sẽ khác. Tôi có kêu gọi hãy dùng một cuộc cách mạng mềm hơn là cuộc cách mạng về hành chính.

Luật Giáo dục 2005 tới đây sẽ được sửa đổi, nhưng hiện nay, nó cũng đã cực kỳ cởi mở, tạo điều kiện cho môi trường nhà trường phát triển rồi, nhưng chúng ta đã không thực thi được và chúng ta quên mất điều đó.

KHỦNG HOẢNG XẢY RA, PHẢI CÓ CHUYÊN GIA

SƠ CỨU TÂM LÝ

CHO CẢ HỌC TRÒ LẪN GIÁO VIÊN

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa TS Trần Thành Nam, anh nghĩ gì về ý kiến của PGS.TS Thơ?

Đặc biệt, tới đây Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu phải ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường. Liệu điều này có giải quyết được các căn bệnh trong môi trường giáo dục hiện nay?

PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi rất suy nghĩ về vấn đề đó. Lấy lại ví dụ về Luật Giao thông cho dễ hình dung, Luật yêu cầu không được vượt đèn đỏ, mọi người đều hiểu rõ mà rồi, vẫn cứ vượt đèn đỏ.

{keywords}
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục, DDHQGHN (ảnh: Lê Thanh Hùng)

Giờ đưa ra Luật kiểu gì, cũng chỉ để quy định hành vi như vậy mà họ không vượt đèn đỏ nữa? Cho nên, giải pháp có những bộ quy tắc ứng xử hướng đến hành vi cụ thể, đo đếm được là cần thiết, nhưng quan trọng hơn, phải tạo ra một môi trường có nhiều giải pháp tổng thể thực hiện cùng lúc thì mới giải quyết được các vấn đề đó.

Chúng ta đã bàn luận với nhau rất nhiều. Làm thế nào để môi trường giáo dục hiện nay, giảm được cả áp lực cho cả giáo viên và học sinh và cả phụ huynh? Làm sao để mọi người cảm thấy môi trường an toàn hơn, và khi đó, mọi người cũng sẽ đối xử với nhau mềm mỏng hơn, yêu thương nhau hơn. Đó là một câu hỏi lớn.

Có thể, một bộ phận chuyên trách tâm lý hỗ trợ cho cả giáo viên và học sinh là cần thiết. Và khi vấn đề này chưa được định hình, những vụ việc như vừa xảy ra, truyền thông cần giới hạn ở một mức độ nào đó thôi. Các nhà trường, các sở giáo dục phải hành động nhanh lên.

Nếu chưa có giải pháp, anh phải liên lạc với các khoa tâm lý giáo dục của các trường đại học lớn, có uy tín, sẽ có người xuống sơ cứu tâm lý cho cả học trò lẫn giáo viên, để không có những sự việc nối tiếp xảy ra như thế. Điều đó cần thiết cho các vụ việc xử lý khủng hoảng, mang tính cấp bách.

Về lâu dài, cần nhìn xa hơn chương trình đào tạo, nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức không phải chỉ biết về nguyên tắc đạo đức mà thực hành hành vi đạo đức trong trường học, gia đình và xã hội như thế nào? Và khi thực hành, cần có những tấm gương.

Giáo viên cũng phải là một tấm gương, anh phải học lại hành vi đạo đức đó, phụ huynh cũng phải thực hành lại hành vi đạo đức đó đi và sau đó là môi trường xã hội.

Và như vậy, sau một tiết học đạo đức ở trong trường, các con cảm thấy không bị “trái” khi ra ngoài xã hội. Ở trường, cô chỉ dạy một tiết, dạy yêu thương nhưng ra ngoài khỏi cổng trường là thấy đánh nhau, là thấy bà hàng xóm hành hạ thú cưng.., ví dụ thế. Ngoài đúng tiết học ấy ra, khi các con nhìn thấy xã hội ngoài cổng trường không thấy đâu là yêu thương. Cuối cùng, các bạn ấy sẽ nghĩ rằng, cô chỉ nói thế thôi, chứ thực tế, có áp dụng được đâu.

{keywords}
TS Trần Thành Nam

Bản thân giáo viên cũng thế, một mặt giảm áp lực cho họ, nhưng một mặt cũng phải tạo môi trường để họ trải nghiệm chính những điều họ được học để chuyển thành hành vi. Thời gian thực tập nghề là cần thiết. Như gia đình cô Thơ là 10.000 giờ.

Tôi cũng nghĩ rằng, chúng ta cần phải có những quy định như thế nào đó để những giáo viên ra trường không phải là lên lớp dạy ngay, mà phải dạy dưới sự giám sát nào đó của giáo viên kỳ cựu có kinh nghiệm.

Những nội quy của nhà trường cần xóa bảo rào cản quyền uy người thầy đi. Mỗi  người có quyền được nêu chính kiến và không bị phán xét. Học sinh được quyền đưa ý kiến mà không phải chịu hệ quả là bị trù dập… Giáo viên cũng có quyền được đưa ý kiến với cấp trên, với phụ huynh mà không bị phán xét.

Phụ huynh cũng được quyền đưa ý kiến phản ánh dựa trên dữ liệu biết từ con họ, mà không bị ảnh hưởng gì.

Khi đã có một quy chế công bằng như vậy và họ biết, ai cũng được bảo vệ thì những việc ta đang bàn ở đây mới được giải quyết rốt ráo. Còn nếu dựa trên uy quyền, chỉ đưa ý kiến lên và cấp trên là người quyết định giải quyết thì sẽ không giải quyết được đâu.

Để cải tạo môi trường này, cần nhiều bên tham gia. Môi trường học đường an toàn cần có sự quan tâm của cả địa phương, bên an ninh… tạo ra một môi trường ngoài trường học cũng phải an toàn. Giáo viên được cập nhật kỹ năng cụ thể quản lý lớp học. Bản thân phụ huynh cần phải được trang bị kiến thức về kỷ luật tích cực.

Anh phải tạo ra một môi trường gia đình an toàn và con khi đến trường phải biết cách ứng xử, tôn trọng và yêu thương người xung quanh mình.. Giải pháp phải rất tổng thể.

Về mặt hành chính Nhà nước, chúng ta không nên hành chính hóa, nhưng nếu đưa ra một quy tắc nào đó và trông chờ mọi người tự thực hiện theo thì e là không có. Lúc đầu, cần có chế tài, thiết chế để kiểm soát và làm cho nó minh bạch ra.

Chúng ta phải đi theo nhiều con đường, như thành lập những Hội học sinh, hội phụ huynh cùng định hướng, cùng ủng hộ theo các chế tài như vậy, trên cơ sở hiểu biết về giá trị, mục đích thì mới giải quyết toàn diện vấn đề này.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong môi trường học đường, phải chăng chúng ta cần mô hình bác sĩ tâm lý? Giống như gia đình ở nước ngoài luôn có luật sư riêng, bác sĩ riêng? TS nghĩ như thế nào về mô hình như vậy?

TS Trần Thành Nam: Đó là điều rất cần thiết. Trước đây, chúng ta mới chỉ quan tâm dạy chữ thôi, bây giờ là dạy người. Phát triển tiềm năng của cá nhân, làm tối đa hóa hiệu suất hoạt động của họ thì sức khỏe tinh thần là rất quan trọng, vì vậy, cần phải có những người chăm sóc sức khỏe tinh thần trong trường học.

Tôi cũng nghĩ rằng, chúng ta có thể học hỏi mô hình các nước. Có những vị trí là mang tính phòng ngừa, làm cho tất cả học sinh ở trong trường như tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội học đường, nhưng có thể 15% em gặp khó khăn hơn về tâm lý, thì cần đội ngũ chuyên gia tâm lý trị liệu chuyên sâu. Còn những em rơi vào rối nhiễu tâm lý học học đường, trở thành bệnh, quá lo âu, gặp sang chấn tâm lý… thì sẽ phải có đội ngũ như bạn nói, là bác sĩ tâm lý.

Chúng ta có thể xây một hệ thống phù hợp cho vấn đề này, có thể là giáo viên kiêm nhiệm, giải quyết được 80% trường hợp mang tính phòng ngừa, còn hoạt động cấp cao hơn thì sở, phòng giáo dục cần tập hợp một đội ngũ chuyên gia tâm lý, để khi có bất kỳ việc gì xảy ra, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, giáo viên thì cần can thiệp ngay.

Qua can thiệp ban đầu, nếu vẫn còn sang chấn tâm lý không thể cân bằng đường thì lúc đó, phải chuyển đến chuyên gia tâm lý học lâm sàng, bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần trong bệnh viện để được hỗ trợ tối đa.

Hiện giờ, cũng cần phải nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Tôi còn nghĩ rằng, một trong những nguyên tắc của những người làm nghề liên quan đến con người, như bác sĩ, giáo viên thì anh phải tự biết chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình.

Nếu sức khỏe tinh thần của anh không tốt, anh đang chịu chứng bệnh nào đó thì anh không thể làm tốt công việc của anh được mà lại còn gây ra nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh nghề nghiệp.

TẠM ỨNG NIỀM TIN CHO THẦY CÔ GIÁO

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa nhà văn Hoàng Anh Tú, anh mong chờ Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ làm gì để khắc phục tình trạng hiện nay?

{keywords}
Nhà báo Phạm Huyền và nhà văn Hoàng Anh Tú trong bàn tròn trực tuyến về môi trường giáo dục

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Thật sự, chia sẻ của mọi người cũng là một mơ ước của tôi. Nếu làm được như những gì anh Nam, chị Thơ, anh Vương nói thì tôi cũng chẳng còn mong chờ gì nữa.

Nhưng để làm được những điều đó, thực sự, tôi thấy còn quá xa vời. Đơn giản như bây giờ, làm sao chúng ta thoát khỏi cảm giác ai cũng giống như là nạn nhân dự bị trong xã hội như hiện nay. Tôi chỉ mong rằng, trong các trường hợp đã xảy ra, sự xuất hiện của cơ quan chức năng, kể cả phản ứng của các giáo viên tâm huyết được mạnh mẽ hơn nữa để mà ít nhất, phụ huynh chúng tôi nhìn thấy, à đây chỉ là trường hợp “con sâu bỏ rầu nồi canh” thôi, thực tế còn nhiều trường hợp giáo viên tâm huyết khác.

Tuy nhiên, trong những trường hợp vừa qua, tôi chưa nhìn thấy giáo viên lên tiếng. Nói như anh Vương, họ trốn né hơn, tránh hết, không ai muốn xuất hiện trong câu chuyện này. Họ cảm thấy đau đớn và bản thân họ cũng cảm thấy xấu hổ với cái nghề của họ thì chúng tôi không trông chờ gì được.

Tôi chờ đợi những cái “share” mạnh mẽ nhất từ giáo viên, tôi chờ đợi chính những giáo viên sẽ lên tiếng mạnh mẽ, tẩy chay những hành vi đó. Bản thân các phụ huynh cũng như thế, cần thể hiện sức mạnh của mình trên mạng xã hội, phản ứng với các phụ huynh đã có những hành vi bạo lực với thầy cô giáo.

Và hơn cả, tôi mong muốn, lũ trẻ con sẽ không phải đối diện với những hành vi bạo lực như thế nữa. Thực sự, có xem hàng tập phim bạo lực trên tivi cũng không bằng nhìn thấy phụ huynh tát cô giáo, cô giáo tát học trò. Tôi nghĩ những điều đó có tác động tới “giáo dục” mạnh hơn hàng trăm tập phim.

Thay vì phán xét, phân tích, đổ lỗi, mỗi người chúng ta góp vào một chút thì mọi thứ sẽ thay đổi.

Với truyền thông, tôi không đồng tình với hàm ý anh Nam bảo truyền thông nói ít đi. Tôi muốn truyền thông nói mạnh hơn nữa ,vì nó tạo ra sự tác động để vụ việc không chìm xuống, dù có chút rối  nhiễu. Bởi vì, tôi trải qua khoảng thời gian ra cuốn sách “30 ngày cùng con chống xâm hại tình dục”, đó là lúc đang nổ ra những vụ xâm hại ầm ĩ.

Cuốn sách được mọi người đón nhận nhưng khi xã hội có câu chuyện khác, những ta lại quên nó đi, không quan tâm nữa, chẳng ai để ý đến những vụ xâm hại và bây giờ, người ta quan tâm đến chuyện bạo hành. Đó cũng là lỗi truyền thông, ta đẩy ra rồi lại để chìm đi, không biến nó thành thứ để cả xã hội phải giải quyết dứt điểm.

Giống như việc các quy tắc ứng xử ở nhà trường, ta đưa ra trong Luật từ 2005 mà chẳng ai dùng, đến nay đã là 13 năm. Giờ lại như mới.

{keywords}
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy cuối cùng thì môi trường giáo dục của chúng ta hiện nay có phải đang trong cơn khủng hoảng không? Trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục và đạo tạo phải thể hiện ra sao để thay đổi môi trường này?

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Tôi là người thẳng thắn, nên tôi nói luôn, giáo dục Việt Nam đang trong cơn đại khủng hoảng. Nếu như không giải quyết được thì chắc chắn, sẽ phải chịu hậu quả rất xấu. Tôi nói thì tôi chịu trách nhiệm về lời nói của tôi.

Các anh chị có thể chứng kiến điều đó trong 10-15 năm tới. Tôi không kỳ vọng nhiều vào bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường. Ở đây, tôi kỳ vọng ở ngành giáo dục là cần một cuộc cải cách hành chính giáo dục để tạo ra một môi trường giáo dục thực sự. Khi một môi trường mà lại trường học không ra trường học…

Trường học đúng nghĩa của nó là phải có vị trí độc lập tương đối giữa cả phụ huynh với khối hành chính. Nó là nơi của thày và trò. Nếu bị can thiệp cả hai bên thì không phải là trường học nữa.

Bộ Quy tắc ứng xử chỉ là đối phó nhất thời. Cải cách giáo dục là con đường duy nhất để giáo dục trở lại đúng quỹ đạo tốt đẹp vốn có của nó. Khi đó, không phải anh A, anh B hưởng lợi mà đó là tất cả hiện tại và tương lai của chúng ta.

XEM LẠI BẢN TEXT TALKSHOW PHẦN I VÀ II:

Làm gì khi môi trường giáo dục bị khủng hoảng? (phần I)

Làm gì khi môi trường giáo dục bị khủng hoảng? (phần I)

Sau phẫn nộ là hoang mang! Người thầy đã nhầm lẫn quyền lực. Bạo lực còn leo thang...  Mời bạn đọc xem thêm bản text phần I chương trình bàn tròn trực tuyến về môi trường giáo dục. 

Làm gì khi môi trường giáo dục bị khủng hoảng?(Phần II)

Làm gì khi môi trường giáo dục bị khủng hoảng?(Phần II)

Tâm sự của nhà văn Hoàng Anh Tú "chạy đua thành tích đã khiến con cái trở thành nạn nhân" càng trở nên đúng sau vụ học sinh tự tử. Mời bạn đọc xem thêm bản text của bàn tròn trực tuyến về môi trường giáo dục phần II.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Xuân Quý, Huy Phúc, Đức Yên, Bạt Tuấn

Ảnh: Lê Thanh Hùng

Email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn​

 Tin liên quan khác: