- TP.HCM đang gánh gần một phần ba tổng thu ngân sách của cả nước, trong khi hầu hết các tỉnh khác thu không đủ chi – Ts Vũ Đình Ánh cho hay.

>> Chênh vênh ngân sách vì nợ công >> "Ăn nhậu vô tội vạ vẫn quyết toán được hết!" >> Ai chịu trách nhiệm nếu DN nhà nước vỡ nợ?

Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, Ts Habib Rab và Ts Vũ Đình Ánh cùng thảo luận về phân cấp ngân sách.


Gần 50 tỉnh thu không đủ chi

Nhà báo Việt Lâm: Lâu nay công chúng vẫn quan tâm hơn về chi tiêu ngân sách của trung ương, nhưng còn nửa kia của bức tranh là chi tiêu ngân sách của địa phương dường như ít được chú ý đến. Trong khi đó, chi của chính quyền địa phương chiếm hơn một nửa ngân sách nhà nước. Ở nửa bên kia bức tranh còn khuất lấp này có gì đáng lưu ý?

Ts Vũ Đình Ánh: Việc thu chi của chính quyền địa phương được quy định một cách rõ ràng trong luật ngân sách nhà nước năm 1996 và sau đó liên tục hoàn chỉnh. Cốt lõi là sự phân cấp rành mạch về thu chi ngân sách giữa TƯ và địa phương. Sự phân cấp này hợp lý hay chưa thì tôi sẽ bàn sau.

Đối với phân cấp nguồn thu chia làm ba phần: một phần là 100% ngân sách TƯ được hưởng, một phần là phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách địa phương, phần thứ ba là 100% ngân sách địa phương được hưởng. Đối với chi ngân sách cũng quy định rõ khoản chi nào do ngân sách TƯ chịu trách nhiệm, khoản nào do ngân sách địa phương chịu trách nhiệm.

Luật quy định ngân sách địa phương không được phép thâm hụt, mà phải cân đối. Trong khi đó, trên thực tế hiện nay, trong 63 tỉnh thành thì có tới gần 50 tỉnh thành thu không đủ chi, kể cả đã giữ lại 100% ngân sách cho địa phương, tức là TƯ không lấy đồng nào cả mà để lại hết cho địa phương. Thậm chí, tôi được biết một số tỉnh thành thu ngân sách chỉ được khoảng 1/3 so với nhu cầu chi.

Vì địa phương không được phép thâm hụt nên TƯ có hai khoản: một là, bổ sung cân đối, tức là toàn bộ chênh lệch thu chi của địa phương sẽ được ngân sách TƯ bổ sung và đưa vào dự toán. Khoản thứ hai là bổ sung có mục tiêu, tức là có những chương trình mục tiêu quốc gia hay những việc mà TƯ muốn làm để phục vụ cho lợi ích của TƯ hay của một khu vực nào đó thì TƯ bổ sung ngân sách cho địa phương đó.

Việc bổ sung ngân sách từ TƯ làm thay đổi bức tranh thu chi ngân sách của VN khá thú vị. Đơn cử hiện nay, khoảng hơn 10 tỉnh thành của VN có khả năng thu chi cân đối và thậm chí có phần nộp về ngân sách TƯ. Điển hình như Tp. Hồ Chí Minh chiếm từ ¼ đến 1/3 tổng thu ngân sách của VN nhưng họ chỉ được giữ lại khoảng 10%-14% trong tổng thu ngân sách của họ trên địa bàn. Còn các tỉnh khác sẽ được thụ hưởng từ việc ngân sách TP. HCM chuyển về cho ngân sách trung ương. Đây là kết cấu ngân sách của VN.

{keywords}
Ts Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính.

 

Bất cập trong phân cấp ngân sách

Việt Lâm: Vậy việc phân cấp này có gì chưa hợp lý, theo ông?

Ts. Vũ Đình Ánh: Có nhiều điều để nói nhưng ở đây tôi chỉ nêu 3 điểm. Thứ nhất, do thu không đủ chi nên đa số ngân sách địa phương phải trông chờ vào TƯ. Đây là sự phụ thuộc rất lớn kể cả về mặt số lượng cũng như quy mô.

Thứ hai, dù ngân sách địa phương có nhận được bổ sung từ TƯ thì vẫn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu chi tại địa phương.

Thứ ba, để bù đắp chênh lệch giữa thu và chi, dù đã xin được bổ sung một phần từ TƯ, địa phương vẫn phải huy động các nguồn lực khác. Việc huy động này có thể công khai hoặc không công khai và vô tình tạo ra nghĩa vụ nợ cho chính quyền địa phương. Đáng lo ngại nhất là nghĩa vụ nợ tiềm ẩn do địa phương không công khai, và do đó, không được đưa vào phần nợ công chính thức của chính quyền địa phương.

Vấn đề này cũng liên quan phần nào đến chuyện phân cấp thu. Dường như chúng ta vẫn giữ quan điểm nguồn thu nào dễ thu nhất, có quy mô lớn nhất thì tập trung về ngân sách TƯ. Những nguồn thu nào quy mô nhỏ hơn, khó thu hơn, thậm chí thu phập phù thì chúng ta dành cho ngân sách địa phương.

Ví dụ nổi bật nhất là thu từ đất đai. Đối với những địa phương có thị trường bất động sản bùng nổ, đặc biệt là sốt đất, tình trạng đầu cơ hay bong bóng thì thu ngân sách những năm đó tuyệt vời, thậm chí không cần trông chờ vào ngân sách TƯ. Rõ ràng thị trường bất động sản không thể cứ tăng vòn vọt mãi. Đất đai cũng không thể có mãi để chúng ta thu được từ đất đai. Khi đó, ngân sách địa phương lập tức bị ảnh hưởng.

Bởi vậy, khi bàn lại về luật ngân sách nhà nước sửa đổi, tôi cho rằng cần phải đặt ra vấn đề cơ cấu lại thu chi ngân sách và khắc phục những điểm bất hợp lý của phân cấp ngân sách hiện nay.

Ts. Habib Rab: Ông Ánh đã nhận định khá chính xác về cơ chế phân cấp ngân sách ở VN. Chúng tôi cũng vừa hoàn thành một báo cáo đánh giá về hiệu quả của khung phân cấp ngân sách trong việc giúp VN đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển. Báo cáo phát hiện một số kết quả tích cực mà tôi muốn nêu ra đây.

Thứ nhất, ngân sách TƯ vẫn đóng vai trò tương đối mạnh và chi phối, mặc dù phần lớn các khoản chi được thực hiện ở địa phương. Tôi nghĩ ngân sách TƯ duy trì được vai trò này nhờ nguồn thu chủ yếu tập trung ở TƯ. Điểm này rất quan trọng, đặc biệt trong những năm gần đây khi Chính phủ phải thực hiện một số chính sách điều tiết nền kinh tế, ví dụ như gói kích thích tài khóa khi kinh tế suy giảm, hay chính sách tài khóa thắt chặt khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.

Thứ hai, do nguồn thu được dồn về ngân sách TƯ nên chính quyền TƯ có đủ khả năng tái phân bổ nguồn thu ở tất cả các tỉnh. Đồng thời đảm bảo định mức chi theo đầu người ở những địa bàn nghèo hơn thì cao hơn so với mức chi bình quân đầu người ở các địa bàn giàu hơn. Kết cấu ngân sách như vậy đảm bảo tính bình đẳng, không chỉ giữa các tỉnh mà ngay giữa các huyện trong cùng tỉnh.

Thứ ba, cơ chế kiểm soát vay nợ của chính quyền địa phương tương đối chặt chẽ, giúp cho mức vay nợ được giữ ở mức thấp. Mặc dù vậy, trong thời gian tới chúng ta cần theo dõi sát sao các hoạt động vay nợ của chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều các quỹ ngoài ngân sách ra thị trường để huy động tài chính cho các công trình cơ sở hạ tầng.

{keywords}
Ts Habib Rab, chuyên gia kinh tế cao cấp WB

 

Công khai chu trình ngân sách

Việt Lâm: Kỳ họp QH lần này bắt đầu thảo luận về dự luật ngân sách nhà nước năm 2002 sửa đổi cũng như cho ý kiến về dự toán ngân sách của năm 2015. Dự luật ngân sách cũng sẽ tiếp tục được thảo luận trong kỳ họp tới. Theo các ông, những điểm mấu chốt nào chúng ta có thể tập trung và cải thiện được qua những lần lấy ý kiến này?

Ts Vũ Đình Ánh: Tôi rất mong dự luật ngân sách sửa đổi được đưa ra bàn một cách rộng rãi, thấu đáo, tiếp thu một cách cẩn trọng và trân trọng những ý kiến muốn góp ý để chúng ta quản lý ngân sách tốt hơn, sử dụng tiền của của dân một cách hiệu quả hơn, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đem lại hạnh phúc cho dân tôi, đất nước tôi.

Những điều tôi mong muốn thì rất nhiều, nhưng có lẽ tôi chỉ xin chia sẻ vài điểm chính.

Thứ nhất, xuyên suốt luật quản lý ngân sách này (chứ tôi không thích gọi là luật ngân sách nhà nước) phải là cơ chế đảm bảo kỷ luật tài chính. Tôi cho rằng đây là điểm còn thiếu rõ ràng trong các văn bản luật trước đây và là hệ lụy cho đến ngày nay khi kỷ luật chi ngân sách lỏng lẻo. Quan trọng hơn là cơ chế đảm bảo kỷ luật tài chính không chỉ được quy định chặt chẽ trong văn bản mà còn phải khả thi để làm được trong thực tế.

Thứ hai, toàn bộ chu trình ngân sách, từ lập dự toán, cho đến thực thi, kiểm toán, kế toán ngân sách phải được công khai và minh bạch, tiến tới được 3 nội hàm của minh bạch mà ông Habib đã chỉ ra: sự công khai, sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham gia vào chu trình ngân sách phải được quy định cụ thể, chi tiết để đảm bảo tính hợp lý trong bối cảnh phải nâng cao trình độ của gần như tất cả những người tham gia vào chu trình đó.

Thứ ba, tôi mong rằng luật ngân sách phải thiết kế sao cho tính dự báo của ngân sách nhà nước VN cao hơn. Như tôi quan sát thì thu ngân sách dường như không quan hệ gì đến sự phát triển kinh tế xã hội ở VN. Nền kinh tế VN lúc tăng trưởng cao lúc tăng trưởng thấp chẳng ảnh hưởng đến việc thu ngân sách liên tục tăng. Chúng ta không lý giải được tại sao nó lại tăng như vậy. Do đó, chúng ta không thể đánh giá được gánh nặng thu nộp ngân sách nhà nước của các thành phần trong xã hội.

Điểm cuối cùng, tôi hi vọng luật ngân sách nhà nước lần này xử lý được hai vấn đề mà 10 năm nay chúng ta đã bàn luận rất nhiều mà chưa giải quyết được. Vấn đề thứ nhất là ngân sách kép, tức là Bộ Kế hoạch Đầu tư thì quản lý ngân sách đầu tư, trong khi Bộ Tài chính quản lý ngân sách thường xuyên và thiếu sự điều phối giữa hai cơ quan này. Vấn đề thứ hai là lồng ghép ngân sách, tức là lồng ghép giữa ngân sách TƯ và ngân sách địa phương, lồng ghép cả thu, cả chi rất khó tách bạch. Rốt cục, cái lõi trong phân cấp quản lý nói chung cũng như phân cấp ngân sách nói riêng là cơ chế gắn trách nhiệm với quyền lợi, quyền và nghĩa vụ lại không rõ. Nếu ông có quyền lại không chịu trách nhiệm thì sự phân cấp chỉ làm tình hình tồi tệ hơn mà thôi, thậm chí cho cả người giao quyền phân cấp cũng như là người nhận quyền phân cấp.

Gắn với vấn đề nợ công đang nóng lên, ít nhất phải có một quy định trong luật ngân sách nhà nước lần này để xử lý tình trạng tách bạch giữa người đi vay nợ và người quản lý sử dụng nợ và người quản lý trả nợ cuối cùng. Bởi nếu không, việc quản lý nợ công sẽ phức tạp và không hiệu quả.

Ts. Habib Rab: Như tôi đã nói lúc đầu, luật ngân sách nhà nước hiện hành cũng đã đưa ra một cái khung tương đối vững chắc. Tuy nhiên, còn nhiều việc cần phải làm để hệ thống ngân sách VN đáp ứng được những thách thức mới như trong bài viết của tôi đã đề cập.

Tôi hoàn toàn đồng ý với kiến nghị của ông Ánh rằng chúng ta phải dần dần chuyển sang cái gọi là khung ngân sách trung hạn, tăng khả năng tiên liệu, dự đoán đối với ngân sách của VN. Đồng thời cũng đảm bảo tính minh bạch, ví dụ như mọi người đều có cơ hội được thảo luận về dự toán ngân sách nộp lên cho QH.Đồng thời, chính phủ cũng phải cung cấp thông tin một cách toàn diện hơn về toàn bộ khu vực công.

Dĩ nhiên, dự luật lần này không thể bỏ qua cơ hội để siết chặt kỷ cương thu chi ngân sách mà chúng ta đã phân tích từ trước. Một số cải cách có thể xem xét như xử lý tốt thu chi chuyển nguồn. Đối với chính quyền địa phương, một mặt vẫn phải đảm bảo kỷ luật vay nợ nhưng mặt khác phải có cơ chế linh hoạt hơn để giúp chính quyền địa phương huy động được nguồn tài chính cho các công trình cơ sở hạ tầng cần thiết.

Việt Lâm: Bức tranh chung còn nhiều vấn đề ngổn ngang nhưng chí ít cũng đang có những định hướng cải cách khá rõ ràng. Một điều may mắn là dự luật ngân sách nhà nước sẽ còn được bàn thảo tại kỳ họp QH tới đây. Hi vọng rằng các chuyên gia và công chúng nói chung sẽ có nhiều cơ hội để tham gia thảo luận về dự luật ngân sách nhà nước này bởi dự luật này cùng với luật đầu tư công, luật quản lý vốn trong DNNN tạo thành linh hồn của cải cách cơ chế. Xin cảm ơn các khách mời!

  • VietNamNet