- Đầu tháng 1/2017, Báo VietNamNet tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của Bạn đọc

1. Càng gần Tết, tình trạng “chặt chém” ở các điểm trông giữ xe càng “nóng” lên. Bạn Nguyễn Thị Loan gửi email phản ánh: Điểm trông giữ xe tư nhân nằm trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội thu tiền gửi xe máy của người vào Bệnh viện Mắt TW tới 15.000đ. Ai có ý thắc mắc thì bị nghe những lời văng tục, chửi bậy. Còn vào dịp đi chơi Noel, chơi Tết, thì chuyện người gửi xe bị “chặt chém” tới  30-50 ngàn đồng/lượt không phải là hiếm! Hành vi này đã vi phạm Quyết định số 69/2014 của UBND TP. Hà Nội về thu phí trông giữ xe ban ngày 3.000 đồng, ban đêm 5.000 đồng, cả ngày và đêm 7.000 đồng, khiến người dân rất bức xúc. Đề nghị chính quyền TP. Hà Nội xử lý nghiêm các tụ điểm, bãi trông giữ xe (cả tư nhân, tập thể) vi phạm quy định.

2. Bạn đọc Nguyễn Thị Hải qua email gửi lời khuyên “không nên tự làm khổ mình vì …tiền mới dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu”. Bởi lẽ, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ của người dân để đi lễ bái, lì xì…đã tạo cơ hội cho những kẻ buôn tiền, mà mức phí đổi tiền mới gần Tết năm nay thông qua thị trường mạng xã hội là… quá cắt cổ! Tiền mới mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng phí lên tới 40%; các mệnh giá tiền mới 10.000 đồng, 20.000 đồng, phí cũng bị những người kinh doanh buôn tiền lấy tới 30%. Như vậy một người cần khoảng 2 triệu tiền mới, đương nhiên phải rút hầu bao ra trả thêm từ 600-800 ngàn đồng, trong khi ngày Tết một trăm thứ đòi phải chi tiêu! Thay vì dùng tiền mới, chúng ta sử dụng những tờ tiền mệnh giá nhỏ đang lưu hành và còn tương đối mới để lì xì, đi lễ chùa cũng đâu có sao?

{keywords}

Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ để đi lễ bái, lì  đầu năm rất lớn

(ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn Internet)

3. Bạn đọc Trịnh Viết Hiệp gửi email cảnh báo về “những hiểm họa từ tiệc rượu tất niên và gặp mặt đầu Xuân”. Tại các bữa tiệc này, dù nhiều hay ít món ăn, nhưng bia rượu thì luôn “chảy tràn”! Còn người dự tiệc thì thường... hết mình, ngồi vào bàn tiệc là “dô” đến... say xỉn, chẳng lường đến những hiểm họa trực chờ những người say rượu bia, nhất là khi tham gia giao thông! Để tránh những hiểm họa từ rượu bia trong những bữa tiệc tất niên hay  gặp gỡ đầu năm, mọi người không nên uống quá nhiều bia, rượu, bởi quá chén luôn là khởi nguồn của rất nhiều hệ lụy buồn cho bản thân, gia đình, xã hội. Tốt nhất, nếu lỡ vì vui mà quá chén, thì nên ...đi ngủ, tuyệt đối không tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông để tránh những sự cố đáng tiếc cho mình, cho mọi người khác...

4. Sau khi “những nhà xe Nghệ An- Hà Tĩnh bị điều chuyển từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm theo Thông báo số 1635/TB của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội”, bạn đọc Nguyễn Tiến Đạt gửi đơn “kiến nghị giải quyết một số bất cập gây khó khăn cho cả nhà xe và hành khách”. Đó là “xe đến bến lúc 4-5 giờ sáng, trời lạnh và còn rất tối, hành khách không được nghỉ trên xe đợi trời sáng, mà bị đuổi xuống khỏi xe”; “bến xe Nước Ngầm gần như chật kín, nhiều xe phải đậu ở các bãi gửi bên ngoài (như 79 Ngọc Hồi) tạo thành ‘bến cóc, xe dù’, lại còn tốn  thêm 1,5 triệu đồng gửi xe mỗi tháng”; “hành khách từ Nước Ngầm đi Mỹ Đình rất đông, nhà xe chúng tôi phải mua thêm 1-2 xe 16 chỗ trung chuyển khách. Nếu cạnh tranh nhau nhà xe nào cũng làm như vậy thì số xe trung chuyển Nước Ngầm - Mỹ Đình rất nhiều, sẽ rất lộn xộn ở cả 2 bến. Vì thế, cần tăng thêm các chuyến xe buýt giữa 2 bến đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách”. Báo VietNamNet có Công văn số 32/CV-VNN ngày 13/1/2017 gửi Sở Giao thông- Vận tải Hà Nội đề nghị xem xét.

5. Bạn đọc Nguyễn Trường Chinh thường trú tại thôn 1, xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đến Báo VietNamNet trình bày và gửi đơn đề ngày 11/1/2017 kêu oan cho con trai là Nguyễn Văn Chưởng (sinh năm 1983, bị CA Hải Phòng bắt ngày 2/8/2007, bị các cấp Tòa kết án tử hình). BĐ Chinh nêu 5 chứng lý về việc Chưởng không phạm tội giết người; đồng thời “khiếu nại Bản án số 26 GĐT ngày 7/12/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xử theo hồ sơ của 2 cấp Tòa Phúc thẩm 841/HSPT và Sơ thẩm 80/HSST là không đúng người, đúng tội làm tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của con tôi”. Báo VietNamNet có Công văn số 30/CV-VNN ngày 12/1/2017 gửi Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị xem xét.

6. Bạn đọc Trần Thị Thi trú tại khối 1, phường Quán Bàu, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đến Báo VietNamNet trình bày và gửi “đơn kêu cứu” đề ngày 4/1/2017 tiếp tục đề nghị trả lại 1000m2 đất để xây dựng nhà thờ cúng liệt sỹ Trần Công Hạnh, quê xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Vấn đề này, nhiều năm qua bạn đọc Thi đã kêu cứu rất nhiều cơ quan có thẩm quyền. Đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ  giao Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra lại việc giải quyết và làm rõ phản ánh, tố cáo của bà Trần Thị Thi và bà Trần Thị Hường, kiến nghị giải quyết theo pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2016. Tháng 8 cùng năm, VPCP tiếp tục “đề nghị Thanh tra Chính phủ khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khiếu nại, tố cáo của bà Trần Thị Thi” nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

7. Bạn đọc Nguyễn Hùng Sơn gửi email phản ánh về trường hợp bà Lương Thị Lài ở làng Hồ Tây, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh không được nhận chế độ trợ cấp cho vợ Liệt sỹ tái giá đã có công nuôi bố mẹ và em Liệt sỹ. Lý do: Liệt sỹ Nguyễn Văn Hợi, chồng bà hy sinh ngày 10 tháng 9 năm 1967 (theo  Giấy báo tử) nhưng Bằng Tổ Quốc ghi công lại ghi ngày 04 tháng 7 năm 1966!Đầu tháng 4/2016 bà Lài đã viết đơn lên Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh đề nghị chỉnh sửa thời gian trong Bằng Tổ Quốc ghi công liệt sỹ Nguyễn Văn Hợi để bà được hưởng chế độ trợ cấp cho vợ liệt sỹ tái giá. Sở này đã có công văn số 606, ngày 24/5/2016 gửi Cục người có công, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội  về trường hợp nhầm lẫn nói trên đối với Liệt sỹ Nguyễn Văn Hợi và hai trường hợp tương tự khác ở Hà Tĩnh, nhưng đến nay đã 8 tháng, bà Lài và hai bà khác vẫn chưa nhận được hồi âm. Báo VietNamNet đề nghị Cục người có công, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội khẩn trương xem xét.

8. Bạn đọc Nguyễn Thị Nguyệt 76 tuổi đời, gần 49 năm tuổi Đảng, thường trú tại thôn Lam Thượng, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, có thân nhân là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và 5 Liệt sỹ, gửi email “kêu cứu” đề ngày 9 tháng 01 năm 2017 về việc: Thực hiện giải phóng mặt bằng thi công Cầu Sài xã Thuần Lộc, UBND huyện Hậu Lộc thông báo thửa đất 490 chúng tôi đang ở nằm trong hành lang an toàn cầu theo Nghị định 11/NĐ-CP ngày 24/02/2010 nhưng không nói rõ theo Khoản nào, Điều nào; trong khi đó chúng tôi căn cứ theo Điều 16, Khoản 2b, Nghị định trên thì không hề vi phạm: Vì chiều ngang từ nhà tôi tới mép đường bộ là hơn 10m, còn theo Nghị định11/NĐ-CP là chỉ 7m; chiều dọc thì  thửa đất chúng tôi ở phù hợp theo quy hoạch toàn bộ khu dân cư đang sinh sống. Báo VietNamNet đề nghị UBND huyện Hậu Lộc- tỉnh Thanh Hóa xem xét, bảo đảm cho gia đình có công với Nước ổn định chỗ ở và nơi thờ cúng các Liệt sỹ.

9. Bạn đọc Minh Tuan Nguyen gửi email phản ánh tình trạng nhiều chủ đầu tư trì hoãn phát triển Dự án sau khi được bàn giao đất trong trung tâm TP. Hồ Chí Minh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan đô thị. Việc phá hủy các kiến trúc cũ, mang đậm nét Sài Gòn xưa, không phát triển các dự án mới theo cam kết dẫn đến thành phố ngày càng xuất hiện nhiều công trình dở dang, nhiều khu đất trống nham nhở. Có thể điểm mặt những dự án kiểu này: Dự án SIC Tower 4 mặt tiền đường Lê Thánh Tôn – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực; dự án Lavenue Crown bên cạnh Diamond Plaza; dự án BIDV Tower bên cạnh tòa nhà Sunwah trên phố đi bộ Nguyễn Huệ; khu đất 2-4- 6 Hai Bà Trưng của Sabeco Tower; khu đất 87 Cống Quỳnh dự án cao ốc Ngân Bình, v.v… tất cả đều đang… đắp chiếu hoặc làm bãi giữ xe! Đề nghị chính quyền TP.Hồ Chí Minh có chính sách, chế tài đối với các chủ đầu tư chậm trễ trong công tác phát triển dự án.

{keywords}

Ảnh minh họa:  Dự án The One chậm từ 2008 (nguồn Zing)

10. Các bạn đọc Cao Như Vũ, Bùi Đình Lâm, Bùi Văn Lộc và Bùi Văn Lộng cùng trú tại thôn Kim Mẫm 2, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa gửi email khiếu nại về việc bị cưỡng chế thu hồi đất (trong khi Thanh tra tỉnh đang xem xét đơn khiếu nại theo chỉ đạo của UBND tỉnh) để thực hiện dự án xây dựng công trình cầu bê tông cốt thép đi xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa; UBND huyện Cẩm Thủy xem xét.

11. Bạn đọc Hồ Thị Dợ trú tại bản Hồ Chim II, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên gửi đơn đề ngày 22/12/2016 trình bày về việc: Tối 19/3/2015, con trai là Hồ A Dế dùng xe máy chở bó cây mật gấu đi bán, Cảnh sát kinh tế huyện Mường Chà kiểm tra giấy tờ và cho đi; nhưng đến đầu cầu Nà Sang thì bị Lê Khánh Trường dùng côn điện dí vào người và đánh đập đến ngất xỉu phải đi cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Điện Biên, Trường cầm ví có 6 triệu đồng và chiếc điện thoại. BĐ Dợ đã trình báo nhiều cơ quan chức năng nhưng không được hồi âm. Đề nghị Công an huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên xem xét.

12. Bạn đọc Lê Thị Lụa trú tại phường Phương Đông, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh gửi “đơn kêu cứu khẩn cấp” về việc chồng là ông Đỗ Văn Lô, bị phát hiện chết vào 17/11/2015 tại Khu vực bến cảng của Công ty TNHH Đức Phúc, Phú Thứ, Kinh Môn, Hải Dương. BĐ Lụa không nhất trí với kết luận Giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật Hình sự - Công an tỉnh Hải Dương về nguyên nhân cái chết là tai nạn giao thông đường thủy, bởi “tôi nhận thấy có quá nhiều bất thường xung quanh cái chết của chồng… Gia đình tôi đã rất nhiều lần lên trụ sở Công an huyện Kinh Môn để tìm hiểu nhưng không hề được biết về quá trình điều tra và kết quả điều tra liên quan đến cái chết của chồng tôi”. Báo VietNamNet đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, nơi BĐ Lụa đồng gửi đơn này xem xét.

13. Bạn đọc Chử Văn Ngọ và nhiều Bạn đọc ở thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội cùng ký tên trong đơn đề ngày 17/12/2016 kêu cứu về tình trạng “hàng chục tàu rất to (nói là được TP Hà Nội và huyện Thanh Trì cho phép nạo vét lòng sông Hồng)  hút cát liên tục suốt ngày đêm ở đoạn chảy qua thôn chúng tôi…làm sạt lở nghiêm trọng bờ bãi, nhiều diện tích hoa màu ven sông, làm nứt nhà cửa, nguy cơ cả dãy nhà dân  sụp xuống sông Hồng, nguy hiểm đến tính mạng”. Báo VietNamNet đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Hà Nội, nơi các Bạn đọc đồng gửi đơn này xem xét.

14. Bạn đọc Nguyễn Văn Hải, công tác tại TCT Công nghiệp tàu thủy (SBIC) gửi đơn “yêu cầu làm rõ trách nhiệm…trong việc quyết định, lựa chọn phương án đầu tư; lựa chọn công nghệ thiết bị và đặc biệt không tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư; quyết toán khống các hạng mục,v.v…dẫn đến cho ra sản phẩm một nhà máy đóng tàu Dung Quất què quặt, ốm yếu và bị rút ruột”. Đơn này, bạn đọc Hải đồng gửi các cơ quan có thẩm quyền, nhất là Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem xét.

15. Bạn đọc Thanh Huyền gửi email phản ánh bức xúc của người dân sống tại đoạn đường Hạ Long thuộc khu 5 và khu 6 phường Bãi Cháy (Cái Dăm), TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đối với các đơn vị thi công đoạn đường từ Ngân hàng Vietinbank Bãi Cháy tới nhà hàng Phương Thuỳ. Đó là tình trạng bị cắt điện suốt ngày đêm đảo lộn cuộc sống và kinh doanh của người dân; tình trạng đào lên chôn xuống gây lãng phí về tiền và nhân công, kéo dài thời gian dự án; tình trạng bụi bặm và gây tắc đường; tình trạng nắp bê tông trên hệ thống cống bị vỡ, nhiều nguy cơ gây tai nạn cho trẻ em, v.v… Đề nghị các cơ quan chức năng của TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xem xét. 

{keywords}

Ảnh minh họa do BĐ cung cấp: “Bẫy” tại số nhà 235

16. Bạn đọc Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Thi Mời cùng một số BĐ thường trú tại tổ dân phố Ngọc Trục, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đồng đứng tên trong đơn đề ngày 30/12/2016 tố cáo một số cán bộ của phường về việc “nhà máy nước sạch nông thôn của làng Ngọc Trục đang hoạt động tự nhiên bị đóng cửa, bị phá dỡ không thông qua nhân dân, không thông báo lý do”, “tự ý chỉ đạo xây dựng công trình kiên cố không có Giấy phép xây dựng”. Báo VietNamNet đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội, nơi  các BĐ đồng gửi đơn này xem xét.

17. Bạn đọc Nguyễn Thị Chính thường trú tại Tổ dân phố Tháp, phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội gửi đơn đề ngày 4/1/2017 “kêu cứu khẩn cấp” về việc UBND quận Nam Từ Liêm thông báo cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 10/1/2017, trên đó BĐ Chính đang trồng đào thế “chỉ còn hơn 10 ngày nữa là chúng tôi thu hoạch đào bán trước Tết để có thu nhập hàng trăm triệu đồng cải thiện cuộc sống”. BĐ cũng nêu 9 lý do khiếu nại QĐ thu hồi đất của UBND quận Nam Từ Liêm. Báo VietNamNet đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội, nơi  BĐ Nguyễn Thị Chính đồng gửi đơn này xem xét.

18.Bạn đọc Đặng Văn Viên gửi email “khoe” với các Bạn đọc “Mình ở Mỹ Tho, vừa bắt được 1 con lươn vàng cực kỳ quý hiếm”.

{keywords}

Ảnh  do BĐ cung cấp: Lươn vàng quý hiếm

19. Bạn đọc Phạm Mỹ Duyên hiện đang công tác tại một trường trên địa bàn quận 3, TP. Hồ Chí Minh gửi qua email đơn đề ngày 6/1/2017 tố cáo về việc “chạy” bằng của 1 nữ cán bộ, công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Đơn này, BĐ Mỹ Duyên đồng gửi nhiều cơ quan có thẩm quyền của TP Hồ Chí Minh và ngành Giáo dục và Đào tạo đề nghị xem xét.

20. Bạn đọc  Đoàn Ngọc Chúc là nông dân cư ngụ tại ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng qua email gửi đơn tố cáo một nữ giáo viên tin học trường PTTH Ngọc Tố, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; một Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Thới Thuận và một số người khác “đã dùng hung khí là cây cùng đèn pin  đánh, đạp vào đầu và người tôi đến bể đầu, ngất xỉu; lại còn dùng điện thoại quay lại cảnh tôi ngã gục sau khi bị đánh với ý đồ tung lên mạng làm nhục tôi. Công an xã Thạnh Thới Thuận đã lập biên bản tại chỗ và can thiệp để tôi đi bệnh viện Mỹ Xuyên điều trị”. Báo VietNamNet đề nghị các cơ quan chức năng, có thẩm quyền nhất là Công an huyện Trần Đề, nơi bạn đọc Chúc đồng gửi đơn này xem xét.

21. 37 bạn đọc “là các hộ dân- những người bị hại ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa” cùng ký tên trong đơn đề ngày 11/1/2017 tố cáo Mai Thị Vân (trú tại xóm 2, Hậu Trạch, xã Nga Trạch, Nga Sơn, Thanh Hóa) chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 5 tỷ đồng và đã cùng cả gia đình trốn khỏi địa phương. Các Bạn đọc bị hại đã tố cáo với Công an tỉnh Thanh Hóa và “hợp tác cùng Cơ quan Điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của Vân. Tuy nhiên, từ tháng 8/2016 đến nay đã 5 tháng, Cơ quan Điều tra Công an Thanh Hóa vẫn chưa thông báo cho chúng tôi về kết quả điều tra”. Báo VietNamNet có Công văn gửi Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét.

Ban Bạn đọc

(ảnh minh họa “anhchukien” Dự án The One chậm từ 2008)
(ảnh minh họa “anhchukien” Dự án The One chậm từ 2008)
(ảnh minh họa “anhchukien” Dự án The One chậm từ 2008)