- Tôi sở hữu một công ty sản xuất có 200 lao động, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động. Gần đây có một công nhân làm ở vị trí quản đốc bị ốm, xác định bệnh nan y không qua khỏi, tôi đã tạo điều kiện thăm hỏi và giúp đỡ người đó. Tuy nhiên theo tình hình thực tế thì tôi không thể để người đó tiếp tục làm việc. Vậy tôi có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động không?

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo pháp luật lao động, có 08 trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Căn cứ theo Điều 38 Bộ luật lao động 2012 người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau:

1. Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

2. Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

3. Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

4. Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động.

5. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài ra theo quy định tại tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 thì thêm các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

6.  Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

7. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.

Việc chấm dứt hợp đồng lao động cần tuân thủ trình tự chấm dứt và thời gian báo trước và theo đúng quy định tại Bộ luật lao động. Nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc