- Trong bữa nhậu hai người bạn của tôi là A và B đã tranh cãi và xảy ra xô xát. Do không kiềm chế được bản thân, A đã dùng con dao ATM mang theo bên mình đâm vào bụng B dẫn đến xuất huyết ổ bụng.

Mặc dù A hối hận, đã lo viện phí thuốc men và chi phí chăm sóc sức khỏe cho B nhưng B vẫn kiên quyết tố cáo A cố tình gây thương tích cho mình. Theo kết quả giám định, B bị thương tật 10%. Xin hỏi luật sư trường hợp này A có thể chịu hình phạt thế nào?

{keywords}
A sẽ chịu trách nhiệm ra sao (Ảnh minh họa)

Trường hợp kết quả giám định cho thấy mức độ thương tích của người đó đúng là 10% thì việc A dùng dao khiến người đó bị thương cũng là trái pháp luật. Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 có quy định:

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Theo quy định của pháp luật, về cơ bản, thì hành vi cố ý gây thương tích sẽ bị khởi tố hình sự theo khoản 1 điều 104 BLHS nếu mức độ thương tích từ 11% đến 30%. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi gây thương tích mà có một trong các các điều kiện được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều 104 BLHS thì dù mức độ thương tích dưới 11% vẫn có thể bị khởi tố hình sự.

Trong trường hợp này, bạn của bạn đã dùng dao gấp hình ATM để gây thương tích cho nạn nhân. Theo quy định của pháp luật thì dao được coi là “hung khí nguy hiểm”, cụ thể: Mục 2 phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/04/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:

2.2. "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

a. Về công cụ, dụng cụ

Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra

Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...

c. Về vật có sẵn trong tự nhiên

Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...

Mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/05/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:

3. Về một số tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 104 của BLHS

3.1. Tình tiết "dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS

"Dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Căn cứ theo các quy định của pháp luật, trong trường hợp này bạn của bạn đã dùng dao để gây thương tích cho nạn nhân, thì dù thương tích dưới 11%, nhưng nếu người bị hại có đơn yêu cầu thì Cơ quan công an có đủ căn cứ để khởi tố và xử lý hình sự đối với bạn của bạn.

Với mức độ thương tích là 10% và có dùng hung khí có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 điều 104. Đây là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.

Căn cứ theo quy định về trường hợp gia đình bị hại rút đơn yêu cầu: Tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, nếu người bị hại có đơn xin rút yêu cầu khởi tố trước khi xét xử sơ thẩm thì vụ án sẽ được đình chỉ. Vì vậy, A nên thỏa thuận với người bị hại về mức bồi thường và hòa giải với nhau để người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án sẽ được đình chỉ, A vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho người bị hại.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc