- Ông tôi năm nay 75 tuổi, vẫn còn minh mẫn. Trước khi về hưu ông tôi từng làm giám sát kỹ thuật, có chuyên môn rất giỏi. Nay có người quen mở công ty, muốn nhờ ông tôi vào làm chức quản đốc trong xưởng của họ. Gia đình tôi không đồng ý vì ông tôi sức khỏe đã kém, đi làm căng thẳng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Tuy nhiên người kia cứ nài nỉ ép ông tôi cả nể đồng ý. Trong trường hợp này người đó có vi phạm pháp luật không?

Ảnh minh họa

Theo quy định tại Điều 166 Bộ luật lao động 2012, "người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu". Theo quy định hiện hành, độ tuổi nghỉ hưu hiện nay nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 5 năm.

Ông bạn năm nay đã 75 tuổi thuộc trường hợp người lao động cao tuổi. Khi sử dụng người lao động cao tuổi theo nhu cầu của người sử dụng lao động và người lao động, không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi theo Khoản 1 và khoản 3 Điều 167 Bộ luật Lao động quy định:

“1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.

2. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của chính phủ”.

Theo đó, Khoản 1 Điều 11 Nghị định 45/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động,vệ sinh lao động quy định: “Việc sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật;

b) Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành đối với nghề, công việc;

c) Sử dụng có tính thời điểm; không quá 05 năm đối với từng người lao động;

d) Phải khám sức khỏe định kỳ ít nhất 02 lần trong một năm;

đ) Có ít nhất 01 người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm việc”.

Quyền lợi của người lao động cao tuổi: Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 167 Bộ luật lao động thì:

- Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc

Theo như bạn trình bày nếu đáp ứng đúng quy định pháp luật lao động, ông bạn có đủ sức khỏe làm việc thì được ký hợp đồng lao động.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc