- Tôi biết chồng tôi không còn chung thủy, đã ngoại tình với cô gái trẻ khác. Tôi bắt quả tang hai người sống như vợ chồng trong một căn nhà chồng tôi thuê cho cô ta. Tôi rất tức giận với chồng tôi và cô gái đó.

Thế nhưng, nhân tình của chồng tôi không biết điều. Cô ta sẵng giọng nói do tôi không biết giữ chồng, lên mặt thách thức tôi. Tức giận sôi máu, tôi lao vào đánh cô ta thâm tím mặt mày. Sau đó, cô ta đi viện và dọa sẽ kiện tôi vì tội cố ý gây thương tích.

Vậy cho tôi hỏi, tôi có phạm tội không? Nếu có tội, tôi có được giảm nhẹ không vì cô gái đó đã vi phạm luật hôn nhân và còn thách thức tôi.

Hành động ngoại tình của chồng tôi và cô gái kia bị pháp luật xử lý như thế nào?

Đánh ghen - ngoại tình có bị xử lý hình sự?

Hành động đánh người của bạn là vi phạm pháp luật dù cho bên kia có đang sai trái trong việc quan hệ với chồng bạn. Người này được đánh người khác chỉ trong trường hợp phòng vệ chính đáng. Tức bên kia đánh trước và bạn phòng vệ nhưng phải tương xứng. Nếu đánh bằng tay chân thì chỉ được quyền phòng vệ bằng chính tay chân. Nếu dùng cây, gậy, dao hay bất cứ vật gì khác thì được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Trường hợp của bạn nếu dùng tay, chân đánh người kia đến tím mặt, phải đi viện mà trước đó cô ta thách thức thì cô được xem xét giảm nhẹ.

Để xác định vụ việc phải xử lý hành chính hay hình sự thì phải căn cứ vào thương tích theo kết quả giám định của cơ quan giám định thương tích của công an. Nếu thương tích không quá nặng thì có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định:

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;      

Nếu thương tích nặng thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 104 BLHS 1999. Theo đó bạn gây thương tích cho cô gái kia từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

Như vậy đối với hành vi của bạn, xông vào đánh tím mặt mày cô gái trẻ đó khiến cô gái đó phải đi giám định thương tật, nếu tỷ lệ thương tật trên 11% và cô gái kia có tố cáo thì bạn sẽ bị xử lý hình sự. Trường hợp tỷ lệ thương tật không vượt 11% nhưng thuộc những điểm liệt kê của khoản 1 Điều 104 thì bạn cũng bị xử lý hình sự. Bạn cũng có thể tham khảo thêm Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số qui định của BLHS (Phần tội phạm) và Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn một số qui định của Bộ luật hình sự để biết hướng dẫn chính xác với từng điểm của khoản 1 Điều 104 BLHS.

Ví dụ: "Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân" là hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân để lại trạng thái bất thường, không thể chữa được cho một bộ phận cơ thể của nạn nhân với tỷ lệ thương tật dưới 11% khi thuộc một trong các trường hợp: làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân.

Tuy nhiên, đối với tội danh cố ý gây thương tích là tội phạm thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, quy định tại Điều 105 BLTTHS 2003

"1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức".

Với các nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm pháp luật như trên và sống trong một xã hội văn minh, ta nên có những cách ứng xử phù hợp, tránh nguy cơ thiệt hại cho chính bản thân mình. Bạn nên chấm dứt hành vi đánh ghen mà có thể thay bằng việc thu thập những chứng cứ ngoại tình giữa chồng bạn và cô gái trẻ kia rồi tố cáo đến các cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật.

Hành động ngoại tình của người chồng và cô gái kia:

Để xác định hành vi vi phạm pháp luật trong hành động nêu trên của chồng bạn và cô gái kia thì Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về lĩnh vực hôn nhân gia đình như sau:

Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn

1.   Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

Về hình sự:

Điều 147 BLHS. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Như vậy, việc chồng bạn ngoại tình có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng hoặc bị xử lý hình sự nếu đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi ngoại tình hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. 

LS. Nguyễn Thành Công - Công ty luật TNHH Đông Phương Luật