- Gần đây tôi rất bức xúc khi thấy có nhiều hành vi cha mẹ bỏ rơi con cái ở bến xe, mẹ trẻ bỏ rơi con sơ sinh trước cửa đền, chùa.. Xin hỏi luật sư hành vi này của họ có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý ra sao?

{keywords}
Nhiều người nhẫn tâm bỏ rơi con trẻ hoặc có hành vi ngược đãi (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 4 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”

Mặt khác Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi:“Cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ”.

Hành vi này không những vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, bị xã hội lên án mà còn có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP cụ thể:

“Điều 22. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;

b) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;

c) Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này.”

Như vậy, đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có thể xử phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ theo quy định của pháp luật.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, công ty Luật Themis; SĐT: 0986663459

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc