- “Cả cuộc đời bà nhà tôi đã hi sinh hết mình cho chồng, cho con” – ông Truyền vẫn thường tự hào như thế và nói với bạn bè mình rằng “Vợ tớ là bầm lấy cho!”

Tin bài khác:
Mối tình bí ẩn của danh hoạ Trần Văn Cẩn
Người phụ nữ mang "hàng quý" vượt biển Đông

Lật hồ sơ mật - hỏi chuyện Đại tá tình báo lấy 3 vợ

Hạnh phúc cảm động nhất ở đất Quảng Ninh

Bài thuốc tình yêu và sự hồi sinh sau 13 năm mắc nghiện


“Con già rồi, không ai lấy đâu bầm ơi!”
    
Thiếu tướng Phùng Truyền sinh năm 1944 tại Đoan Hùng, Phú Thọ. Ông tham gia hoạt động cách mạng khi tuổi mới chưa đôi mươi. Tháng 4/1975, sau khi đất nước thống nhất hai miền, chàng trai Truyền lúc ấy biết chắc chắn mình sống nên mới ghi thư về gia đình thông báo mình sắp được về phép. Đúng ngày 13/10/1975, anh bộ đội Phùng Truyền về đến ga Tiên Kiên, Phú Thọ. Năm đó, ông Truyền đã ngoài 30 tuổi.

Gia đình anh bộ đội Truyền khi thấy anh về thì hổ hởi lắm, mẹ anh chạy ngược chạy xuôi hỏi lại mấy đám mà bà đã ngắm từ trước cho anh xem ý họ thế nào. Ông Truyền đến bây giờ vẫn còn nhớ rất rõ buổi tối đầu tiên anh về thăm nhà sau bao năm xa cách. Hôm đó, sau bữa cơm tối sum họp gia đình, mẹ anh mới bảo: “Con phải lấy vợ đi để mẹ còn có cháu bế. Mẹ muốn con lấy vợ, đó cũng là ước nguyện trước lúc bố qua đời, nếu con không tìm được thì mẹ sẽ tìm cho con”. Thế là, từ hôm ấy, anh bộ đội được cả nhà chăm sóc kĩ lưỡng.

Ông Truyền bảo đợt ấy đang mùa đông, rét căm căm, tôi lại mới từ chiến trường về, mặt mũi da dẻ trông xấu xí lắm, đã ở tuổi ngoài 30, ở quê như thế mà chưa vợ là coi như ế rồi…Nghĩ vậy nên anh bộ đội cũng ngại mấy cô gái mới 17, đôi mươi ở làng, anh bảo với mẹ “Bầm ơi, con già rồi không ai lấy đâu, con ở vậy nuôi bầm thôi!”. Gia đình anh Truyền bộ đội khi ấy lo lắng lắm, mẹ anh phải gọi hẳn ông anh cả đang làm dưới trại giam Phủ Đức nhờ “sắp xếp cho thằng Truyền một buổi gặp mặt với mấy cô cùng quê mẹ đã ngắm từ trước”. Thế là tức tốc, ông anh cả gọi ngay cậu em xuống cơ quan mình, trên danh nghĩa là xuống chơi thăm anh em nhưng kì thực là dựng kế hoạch “lừa” cho nó có cơ hội gặp gỡ mấy cô gái người cùng làng, nay đang làm cán bộ ở công an tỉnh. Thậm chí, gia đình không yên tâm nên còn cử hẳn hai cậu em nhà chú bí mật đi kèm Truyền để “hộ tống”, sợ ông Truyền phát hiện ra kế hoạch mà bỏ trốn ngang đường…

Đạp xe đạp ròng rã cả buổi chiều, cuối cùng thì ông Truyền cũng đến nơi theo đúng kế hoạch. Sau khi thăm hỏi và ăn bữa cơm tối với mấy anh em ở trại giam xong, anh trai ông Truyền khi ấy mới bảo rằng “Tôi có mấy cô em muốn làm quen với chú, họ đang ngồi ở phòng bên cạnh, chú sang gặp gỡ nói chuyện với họ một lúc”. Khi ấy, ông Truyền mới “vỡ lẽ” mục đích của ông anh khi gọi mình xuống thăm…

Vợ chồng Thiếu tướng Phùng Truyền.
Ông Truyền kể lại “Ông anh trai tôi khi ấy đặt tôi vào sự đã rồi! Tôi ngại quá nhưng nếu không sang thì mất mặt quá, những cô gái ấy đều do mẹ và ông anh tôi lựa chọn kĩ càng rồi mới giới thiệu!”. Hôm ấy, gia đình ông Truyền đã sắp xếp cho ông gặp những 3 “đối tượng”, cô nào cô nấy đều xinh, nết na. Anh bộ đội Truyền hôm ấy trò chuyện với cô Tình, cô Hạnh và cô Trâm cùng một lúc…Nhưng ông Truyền vốn kiệm lời, ông nói được một lúc thì bí từ quá, đành hỏi liều “sao các chị không phải đi làm à, 8h hơn rồi đấy! Các chị về đi làm đi không ngồi chơi mãi mất việc…” Thật đúng là, ra trận thì oai phong lẫm liệt là thế mà về nhà gặp bạn gái cứ như gà móc tóc – ông than thở. Nhưng cũng chính từ buổi gặp gỡ định mệnh ngày hôm ấy, trong lòng ông Truyền bỗng dưng xao xuyến đến lạ. Ông tâm sự với anh trai “em thấy cô gái tên Trâm rất xinh, không biết cô ấy thế nào hả anh?”. Sau ấy, khi ông Truyền biết được cô Trâm vừa tròn 18 tuổi, vừa được kết nạp Đảng ở công an tỉnh, ông đã ngày nhớ đêm mong sớm được gặp lại cô gái có đôi mắt đen lay láy và nước da hồng hào ấy.

Sau hôm ấy, cả gia đình ông Truyền vui lắm khi biết được ông đã ưng thuận chuyện lấy vợ, lại đang có ý cưới cô Trâm kia. Ông bảo, cô Trâm đã là Đảng viên, tức là cô ấy được Đảng và nhân dân tín nhiệm, yêu quý. Chắc chắn cô ấy là người tốt, kiên định theo lí tưởng nên tôi tin tưởng lắm. Hơn nữa, cô ấy cũng là người được mẹ và cả gia đình tôi tin tưởng. Đảng đã tin, mẹ đã chọn thì không có lí do gì tôi lại từ chối một người con gái tuyệt vời như vậy!

Nhưng trước khi cưới cô Trâm làm vợ, anh bộ đội Phùng Truyền còn gặp khó khăn trong khoản “điều tra lí lịch” vì lấy vợ trong ngành công an. Họ bán tin bán nghi không biết trong 9 năm ở chiến trường miền Nam, biết đâu anh Truyền lấy vợ rồi thì sao? Vì ông Truyền khi xin đơn vị về nghỉ phép đâu có ý định về quê lấy vợ, ông không xin đơn vị cấp cho giấy chứng nhận chưa có vợ! Lúc đó, ông Truyền đã phải chạy ngược chạy xuôi nhờ người nọ người kia xin giúp, chứng nhận giùm là ông chưa từng có vợ để được cưới cô Trâm.

Thế là, đến ngày 1/11/1975, đám cưới ấm áp, thân tình giữa anh bộ đội Phùng Truyền với cô công an Hồ Thị Trâm đã diễn ra. Cưới nhau được 2 ngày thì hai vợ chồng phải chuyển xuống Việt Trì ở khu tập thể của công an tỉnh để cô Trâm kịp ngày công tác. Căn phòng tập thể hơn 10m2 với hai chiếc giường cá nhân kê sát vào nhau, trải một tấm ga mỏng lên, hai vợ chồng nằm mà vẫn còn thấy rõ được khoảng cách giữa hai thành giường…

Và tình yêu hoa lửa nồng thắm

Ở nhà với vợ được đúng 10 ngày, chưa kịp “quen hơi” vợ thì ông Truyền nhận được lệnh hành quân vào Sài Gòn. Ông vào chiến trường mà lòng không nguôi nhớ người vợ trẻ ở quê nhà. Đến tháng 1/1976, lúc này ông Truyền giữ chức chính trị viên tiểu đoàn, nhận nhiệm vụ đưa tiểu đoàn ra Bắc làm nhiệm vụ. Khỏi phải nói lúc đó ông sung sướng đến mức nào. Ra Bắc tức là ông được về gần gia đình, gần vợ, ông Truyền khi đó chỉ mong chờ dịp thuận lợi sẽ ghé qua nhà thăm nhà, thăm vợ cho đỡ nhớ!

Đến lúc ông Truyền được cấp trên cho về thăm vợ mấy ngày, ông hăm hở khoác ba lô và vác theo khung xe đạp mới cóng về làm quà cho vợ. Nhưng khi vừa đến cổng công an tỉnh, nhìn thấy bác bảo vệ mới, ông Truyền bỗng ngài ngại, ông bảo: “bác cho cháu vào gặp cô Trâm, cháu mới từ quê ra”. Đến lúc ông bảo vệ vào tận nơi gọi cô Trâm ra thì ông Truyền lại đứng nép mình vào mấy bụi cây trước cổng để…ngắm vợ từ xa, xem vợ mình có xinh hơn không?!- ông cười nhớ lại! Đến lúc vợ ra tận ngoài cổng ngó nghiêng xem ai tìm mình thì ông Truyền mới nhảy ra ôm chầm lấy vợ. Chiếc khung xe đạp thời ấy là vật rất có giá trị, ông Truyền đã mang nó từ miền Nam về làm quà tặng vợ. Ông bảo: “Từ lúc quen rồi cưới bà nhà tôi, tôi chưa tặng bà ấy thứ gì. Bà ấy khổ quá, mới lấy chồng mà cứ phải sống một thân một mình, tôi thì đi biền biệt suốt.”. Nhưng cũng trong mấy ngày ngắn ngủi về thăm vợ, ông Truyền đã kịp làm tròn bổn phận người chồng khi vợ có tin vui. Sau đó, ông lại quay trở về đơn vị, trước khi đi, ông không quên “giao kèo” trước với vợ: nếu em sinh con trai thì đặt tên là Cường, còn nếu sinh con gái thì đặt tên là Ngọc Anh.” Lần ấy, ông Truyền đi hẳn đến tận năm 1979 mới về.

Đến tháng 10/1976, bà Trâm sinh cô con gái đầu lòng. Lúc đó, ông Truyền đang là phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn đặc công, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam. Khi nhận được tin nhà báo vợ đã sinh con gái đầu lòng, ông Truyền đã phải mua gần một nghìn đồng tiền kẹo lạc để khao anh em trong đơn vị. Ông nhớ lại “ngày ấy ở đơn vị, ai có vợ, có con rồi mới được gọi là anh, có vợ mà chưa có con chỉ làm chú thôi! Lúc ấy, tôi đã đãi cả đơn vị bữa liên hoan bằng kẹo lạc vì mình được lên chức làm “Anh”!”

Sau khi chiến tranh biên giới kết thúc, ông Truyền mới trở về quê, sống cuộc sống gia đình đầm ấm với vợ con. Sau đó, bà Trâm còn sinh cho ông thêm một cô con gái và một cậu con trai nữa. Hai vợ chồng ông giờ đã có đủ cả cháu ngoại, cháu nội. Hơn 30 năm sống với nhau, hai ông bà chưa từng to tiếng với nhau lần nào, ông vẫn bảo “Tôi ít khi ở nhà, về nhà chưa kịp kiếm lí do gì giận nhau thì đã phải đi làm nhiệm vụ rồi!”

Khi tôi hỏi bà Trâm bà có bí quyết gì để gìn giữ hạnh phúc gia đình, bà chỉ cười “Phụ nữ Việt Nam ai cũng vậy! Thời chiến tranh loạn lạc, chồng đi chiến trận thì người vợ ở nhà phải có trách nhiệm gánh vác việc gia đình, nuôi con khôn lớn. Tôi cũng chỉ là một người phụ nữ Việt Nam bình thường!” Vâng! Người phụ nữ Việt nào cũng vậy, hi sinh tất cả cho gia đình, cho chồng con và không bao giờ thấy sự hi sinh ấy là đủ!

Đỗ Anh Ngọc