- Tôi đang có một công việc tốt thu nhập cao và tôi cũng rất yêu công việc này. Tuy nhiên, tôi lại đang gặp phải vấn đề với sếp của mình. Tôi được đánh giá là ưa nhìn. Bởi vậy nên sếp của tôi rất hay “dê” tôi. Mỗi lần gặp là đụng chạm người tôi.

Tôi đã tỏ thái độ không đồng tình nhưng tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại. Tôi phải làm sao, nếu tôi phản ứng mạnh mẽ thì có thể tôi sẽ bị trù dập vì tôi không thể từ bỏ công việc này. Còn tôi tỏ thái độ như vậy không đủ mạnh với ông sếp này. Tôi rất khó lấy bằng chứng về hành động của ông ấy. Bây giờ tôi phải làm sao để hài hòa cả đôi để không bị mất việc mà cũng không bị quấy rầy.

Luật sư Nguyễn Thành Công tư vấn:

Chào bạn,

Đây là vấn đề hết sức tế nhị, cũng khá phổ biến và... hot trong cuộc sống. Để đưa ra một lời khuyên chính xác bạn cần phải làm gì thì chắc là khó, nhưng chúng tôi sẽ đưa ra cho bạn một số lời khuyên để bạn có thể áp dụng được cho trường hợp cụ thể của mình. Bởi lời khuyên nào cũng sẽ thiết thực nếu hiểu rõ được bản chất thực sự của yếu tố con người trong hoàn cảnh, cụ thể là trong hoàn cảnh giữa sếp và bạn.

Ở đây, bạn đang gặp vấn đề bị sếp “để ý” và có những hành động không đứng đắn đối với bạn. Điều này sẽ khiến các bạn nữ nói chung thường rất khó xử và đau đầu vì phải tránh né chạm mặt sếp khi cần.

{keywords}
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Nhưng đôi khi chiến thuật im lặng hoặc “giả vờ ngó lơ” lại tỏ ra không có tác dụng trong những trường hợp này. Ngược lại, nếu phản ứng thái quá, quá thẳng thắn, hoặc không mềm dẻo, lại làm ảnh hưởng đến công việc mà bạn đang gửi gắm cả tiền đồ của mình. Bạn nên:

- Thẳng thắn, trực tiếp

Bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi phải bày tỏ lập trường với sếp trong chuyện tình cảm cá nhân, nhưng điều này là cần thiết để tránh nhiều sự hiểu lầm không cần thiết, và không để tình hình “leo thang” đến mức khó kiểm soát.

Khi nhận ra sếp bắt đầu ‘lăn tăn’ với mình, thể hiện qua thái độ, cử chỉ, lời nói…, bạn cần có phản ứng ý nhị nhưng dứt khoát, cần thể hiện là bạn không thoải mái và không tán đồng. Nếu bạn tỏ ra e thẹn, bẽn lẽn hay ngại ngùng, có thể sếp sẽ còn lấn tới hơn nữa vì nghĩ bạn đồng tình.

- Đừng nhầm lẫn giá trị của bản thân

Đừng bao giờ nghĩ rằng việc thăng tiến của bạn phụ thuộc vào việc sếp có yêu thích bạn hay không. Bạn có giá trị riêng của mình, và nếu bạn nghĩ việc tán tỉnh của sếp sẽ giúp bạn đáng kể trong công việc, thì bạn đang tự hạ thấp lòng tự trọng và sự tự tin của mình đấy. Hãy đảm bảo năng lực mới là thứ đầu tiên bạn cần quan tâm gọt giũa để gặt hái thành công thật sự trong sự nghiệp.

- Hạn chế thời gian riêng tư với sếp

Nếu bạn đã tỏ rõ thái độ với sếp nhưng sếp vẫn tỏ ra muốn níu kéo, hãy hạn chế thời gian tiếp xúc riêng với sếp khi không cần thiết.

Hãy tỏ ra bình thường, vui vẻ nhưng giữ khoảng cách. Nếu sếp gọi bạn vào phòng vì lý do công việc, nên để cửa mở. Nếu cần bàn thảo công việc với sếp, nên kéo đồng nghiệp khác cùng tham gia. Bạn không nên tạo điều kiện cho sếp tán tỉnh mình khi không gian chỉ có hai người. Bạn cũng nên để ý đến trang phục của mình để tránh bị hiểu lầm là “đang bật đèn xanh” cho sếp vì sự thoáng trong cách ăn mặc của mình. Bạn cũng có thể chia sẻ và tâm sự với những nhân viên nữ lớn tuổi và có uy tín trong công ty để học hỏi cách ứng xử trong trường hợp của mình.

Nếu tất cả các nỗ lực và cố gắng của bạn đều không đạt, sếp bạn là 1 người “bệnh hoạn” trong suy nghĩ và hành động đối với nhân viên nữ như vậy, và quả thật là không có nhân tính, thì bạn nên chuyển sang công việc khác. Công việc rất quan trọng, nhưng để nó là nơi nuôi dưỡng những hành động quấy rối như thế thì nên từ bỏ. Hơn nữa, bạn là một người có năng lực thì nên tìm một môi trường tốt hơn để phát huy và bạn sẽ có được những thành công thực sự trong cuộc sống.

Hành vi đụng chạm vào người của bạn mỗi lần gặp của ông sếp này được xem là một trong các hình thức quấy rối tình dục (QRTD) về thể chất được nêu trong Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc công bố ngày 25/5/2015 của Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Và ở góc độ pháp lý, thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi QRTD, pháp luật quy định như sau:

- Vấn đề xử lý vi phạm hành chính: theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì người nào có các hành vi: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

- Về mặt hình sự: Nếu hành vi QRTD mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 121 Bộ luật Hình sự về Tội làm nhục người khác và có thể thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động năm 2012 cũng quy định về hành vi QRTD nơi làm việc. Theo quy định Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2012 về các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Và Bộ luật này cũng quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng khi “Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động”.

Vấn đề xử lý được hành vi QRTD theo pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn có tố giác hành vi này hay không và việc tố giác này phải có những bằng chứng, chứng minh sự xâm phạm của sếp bạn như các hình ảnh trong camera, lời thoại, tin nhắn, người làm chứng... Và việc làm cách nào để có những bằng chứng này thì tùy thuộc vào sự chuẩn bị của bạn.

Tư vấn bởi Ls.Nguyễn Thành Công- Công ty Đông Phương Luật, ĐLS TP.HCM

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)