Tôi dạy học được 10 năm 2 tháng (01/9/2003 đến 1/11/2013) thì xin nghỉ việc. Tôi đã được hưởng tiền hỗ trợ thất nghiệp và đã chốt sổ bảo hiểm.

TIN BÀI KHÁC

Hệ số lương khi tôi nghỉ việc là 3,33. Nay tôi lại đi dạy học lại ở một trường khác. Hiện nay (từ 15/12/2014 đến 31/2/2015) đang hưởng hệ số 2,34. Hợp đồng 3 tháng và tự đóng bảo hiểm, do UBND huyện ký. Đến ngày 01/3/2015 trở đi hợp đồng 12 tháng.

Xin hỏi tôi có đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục vào sổ cũ được không? Nếu đóng tiếp thì sau này tính lương như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động 2012, mỗi người lao động chỉ được cấp 1 sổ bảo hiểm xã hội duy nhất, dùng để đóng BHXH cho NLĐ ở các đơn vị lao động mà NLĐ đó làm việc.

Do vậy, sau khi được giao kết HĐLĐ (hoặc HĐ làm việc đối với viên chức) ở đơn vị mới, bạn cần cung cấp sổ BHXH, số sổ BHXH hiện có để được đơn vị mới tiếp tục tham gia BHXH. Khi tiếp tục đóng BHXH từ năm 2015, tiền lương, tiền công dùng để đóng BHXH được thực hiện theo Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội 2006.

Trong trường hợp bạn đọc cần thông tin để tính tiền lương hưởng chế độ hưu trí về sau thì bạn đọc tìm hiểu thêm tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực vào ngày 1/1/2016):

“1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

c) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

d) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)