-  Tôi đang làm việc cho một Công ty Cổ phần với hợp đồng không xác định thời hạn, trong hợp đồng ghi rõ chức vụ của tôi là trưởng phòng của 1 bộ phận với mức lương xác định.

TIN BÀI KHÁC

Tôi đã làm tròn 2 năm, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và chưa bao giờ bị kỷ luật. Một hôm họ yêu cầu tôi làm một việc mà tôi nghĩ đó là hành vi tiếp tay cho việc lừa đảo đối tác nên tôi từ chối làm. Sau đó họ tuyển một người vào thay thế vị trí của tôi và yêu cầu tôi bàn giao công việc cho người này. Tôi không đồng ý và 2 bên thống nhất tôi nghỉ việc theo hợp đồng (tức là nghỉ việc sau 30 ngày kể từ ngày viết đơn xin nghỉ việc), họ sẽ bồi thường cho tôi 3 tháng lương (có biên bản cuộc họp). Nhưng do số ngày phép và ngày nghỉ bù của tôi đang còn tồn hơn 30 ngày nên ngay sau cuộc họp tôi viết đơn xin nghỉ phép, gửi cho bộ phận Nhân sự.

Sau khi nộp đơn xin nghỉ phép, tôi có có 5 ngày làm việc để bàn giao cho người mới.

Vậy mà khi hết phép, tôi quay lại làm thủ tục nghỉ việc chính thức thì được thông báo là thỏa thuận bồi thường 3 tháng lương không còn hiệu lực vì tôi đã tự động bỏ việc. Tôi rất bất bình nhưng họ yêu cầu bảo vệ đưa tôi ra khỏi công ty và từ đó đến nay họ không nghe điện thoại cũng như trả lời email của tôi.

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Điều 36 Khoản 3 BLLĐ 2012 quy định: “3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động” là trường hợp chấm dứt dứt HĐLĐ.

Trong trường hợp này, giữa bạn và người sử dụng lao động đã có sự thỏa thuận theo đó hợp đồng lao động chấm dứt sau 30 ngày kể từ ngày viết đơn xin nghỉ, người sử dụng lao động sẽ bồi thường cho bạn 3 tháng tiền lương. Như vậy, trường hợp của bạn là trường hợp thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Theo đó, hai bên phải thực hiện đúng, đầy đủ và nghiêm túc những thỏa thuận đã được xác lập.

Điều 114 BLLĐ 2012 quy định: “1. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

2. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền”

Như vậy, những ngày nghỉ phép năm còn lại mà người lao động chưa nghỉ thì khi thôi việc sẽ được người sử dụng lao động thanh toán bằng tiền.Tuy nhiên, bạn đã xin nghỉ phép và viết đơn gửi phòng Nhân sự. Theo thông tin bạn nêu, bạn viết đơn xin nghỉ phép nhưng chưa được sự đồng ý của người sử dụng lao động

Điều 111 Khoản 2, 3 quy định:

“2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.”

Theo đó, việc nghỉ phép năm của người lao động phải đạt được sự thỏa thuận giữa hai bên, nói cách khác, người lao động phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động trong trường hợp xin nghỉ phép. Khi không được phép của người sử dụng lao động mà người lao động vẫn nghỉ là chưa đúng quy định pháp luật.

Căn cứ theo quy định trên và theo thỏa thuận mà bạn đã ký về việc chấm dứt hợp đồng sau 30 ngày thì bạn đã tự ý nghỉ trước, tuy là xin nghỉ phép nhưng chưa được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Về việc thanh lý hợp đồng theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 47 BLLĐ 2012:

“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).