- Sau khi vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề được phát hiện, việc quản lý, chuyển những trẻ em nói trên về các cơ sở bảo trợ xã hội theo đúng quy định được dư luận rất quan tâm. Cao hơn, nó còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng quá tải tại các cơ sở bảo trợ nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi của nhà nước.

TIN BÀI KHÁC

Thực trạng hiện nay cho thấy có quá nhiều cơ sở nuôi trẻ bị bỏ rơi tự phát mọc lên, như trẻ được nuôi tại các gia đình, các cơ sở sản xuất, các cơ sở tôn giáo. Nhìn từ mặt tích cực đây là công việc thiện nguyện đã tạo ra mái ấm cho trẻ để nuôi dạy giáo dục trẻ, góp phần chia sẻ gánh nặng cho nhà nước. Tuy nhiên, các cơ sở nuôi trẻ hoàn toàn tự phát không có sự giám sát và kiểm tra của các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương dễ dẫn đến những hệ luỵ cho xã hội và cho chính bản thân những đứa trẻ.

Hiện nay chúng ta đã có các văn bản quy định về vấn đề nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi tại các cơ sở bảo trợ được thành lập theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương nơi có các cơ sở nuôi trẻ tự phát chưa thể hiện đúng chức năng quản lý của mình, ngoài ra các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tự phát lại không nắm rõ các quy định của pháp luật về việc mình đang làm. Dù việc nuôi dưỡng trẻ là thiện nguyện cũng cần tuân thủ đúng pháp luật, để một mặt nhà nước quản lý, nắm bắt được tình hình xã hội về vấn đề này mặt khác hạn chế được việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc nuôi dưỡng trẻ để trục lợi cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến trẻ như: lợi dụng để buôn bán trẻ, buôn bán nội tạng, lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục… gây bức xúc cho xã hội và cộng đồng.

{keywords}

Trẻ em được chăm sóc tại chùa Bồ Đề sáng 12/8 (Ảnh An ninh Thủ đô)

Liên quan đến việc nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi cũng như việc đảm bảo quyền của trẻ được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như: Luật hôn và nhân gia đình năm 2000; Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; Luật Nuôi con nuôi năm 2010; Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (sắp tới sẽ ban hành Luật Hộ tịch thay thế); Nghị đinh số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính Phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em năm 1989 của Liên Hợp quốc ngày 20/02/1990 và Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế ngày 01/11/2011.

Như vậy chúng ta có đủ văn bản pháp luật điều chỉnh việc nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi trong các cơ sở bảo trợ cũng như có các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở bảo trợ trong trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật. Trẻ bị bỏ rơi được quyền nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội được thành lập và hoạt động hợp pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội được quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính Phủ và Thông tư số 07/2009-TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2009 của Bộ Lao động thương binh và xã hội. Về mô hình hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội, tại Điều 2 Nghị định 68/2008/NĐ-CP quy định: Cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm cơ sở bảo trợ xã hội công lập và cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập:

1. Cơ sở bảo trợ xã hội công lập do cơ quan nhà nước quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên của cơ sở bảo trợ xã hội.

2. Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên của cơ sở bảo trợ xã hội.

Tại Nghị định này cũng quy định rõ về điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ, cơ quan thẩm định cũng như cơ quan cấp phép thành lập. Về cơ quan cấp phép được quy định tại Điều 19:Thẩm quyền cho phép thành lập, hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội quy định như sau:

1. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định đối với cơ sở bảo trợ xã hội thuộc quyền quản lý.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định hoặc phân cấp quyết định thành lập cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động trên phạm vi tỉnh, thành phố và cơ sở bảo trợ xã hội công lập hoạt động trên phạm vi cấp huyện.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh quyết định thành lập cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập hoạt động trên phạm vi cấp huyện.

4. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan thẩm định, người có thẩm quyền thành lập cơ sở bảo trợ xã hội quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này phải ra quyết định thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

Việc cơ sở nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi mà không đăng ký sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Thông tư số: 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 của Chính phủ. Cụ thể việc xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 22 khoản 3 mục d phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở bảo trợ nuôi dưỡng trẻ hoạt động mà không đăng ký thành lập hoặc không có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật;

Các cơ sở nuôi trẻ bị bỏ rơi tự phát là trái pháp luật cho dù mục đích là thiện nguyện. Mặc dù việc nuôi trẻ tự phát đã diễn ra nhiều năm qua, nhất là việc nuôi trẻ tại các cơ sở tôn giáo, tuy nhiên chưa có bất kỳ cơ quan nào lên tiếng về việc không được phép nuôi trẻ tự phát cho dù pháp luật đã quy định, chỉ đến khi có sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề các cơ quan có thẩm quyền mới xem xét đến thực trang này.

Sự việc tại chùa Bồ Đề vẫn đang trong quá trình điều tra của cơ quan công an, hiện chưa có kết luận chính thức. Tuy nhiên, qua vụ việc này gióng lên hồi chuông về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của cán bộ địa phương đã không giám sát kiểm tra và có các biện pháp để quản lý vấn đề nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi tại địa phương mình.

Trong thời gian tới, nhà nước cần rà soát lại toàn bộ các cơ sở tự phát nuôi trẻ bị bỏ rơi trên toàn quốc để đưa trẻ về với gia đình, người thân, tìm cha mẹ nuôi cho trẻ hoặc đưa vào các cơ sở nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật tại địa phương nhằm quản lý chặt chẽ vấn đề này. Ngoài ra nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp để xây dựng thêm các trung tâm nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, tạo điều kiện cho trẻ được nuôi dưỡng và giáo dục đầy đủ. Trường hợp các cơ sở tôn giáo có nguyện vọng và đáp ứng được các điều kiện để thành lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ theo quy định của pháp luật, nhà nước cũng nên khuyến khích để giảm tải việc nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi tại các cơ sở của nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Luật sư Vũ Thị Kiều Anh  -  Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội